Ảnh minh họa
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực quan hệ lao động, việc điều chỉnh giờ làm thêm là vấn đề ảnh hưởng đến nhiều đối tượng nên cần cân nhắc kỹ.
Không nên mở rộng khung giờ làm thêm
Có thể nói, đối tượng chịu tác động nhiều nhất bởi quy định tăng giờ làm thêm chính là công nhân lao động (CNLĐ). Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, nhiều CNLĐ đang làm việc tại các KCX-KCX TP khẳng định, vì thu nhập còn thấp, đời sống còn nhiều khó khăn, nên đa số CNLĐ có nhu cầu tăng ca để cải thiện thu nhập. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là những việc "cực chẳng đã", bị thúc ép bởi nhu cầu của cuộc sống chứ việc làm thêm nhiều cũng gây cho CNLĐ không ít hệ lụy.
Là nam giới, còn độc thân, chưa vướng bận gia đình, con nhỏ, song anh Nguyễn Văn Tùng, CN một doanh nghiệp thuộc KCN Bắc Thăng Long thẳng thắn cho biết, anh không đồng tình với quan điểm sẽ tăng giờ làm thêm. "Với thời gian như hiện nay, lao động phải làm tăng ca đã về nhà rất muộn, thông thường, 9h30 mới về đến nhà, tắm giặt, cơm nước xong cũng đã nửa đêm. Với những người độc thân chưa có gia đình như tôi thì gần như không có thời gian nghỉ ngơi hay tiếp xúc, tìm hiểu bạn bè để tiến tới hôn nhân. Hơn nữa, tăng ca nhiều sẽ dẫn đến tình trạng mệt mỏi, đau đầu, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, không còn thời gian lo cho nhu cầu riêng tư và gia đình nữa"- anh Tùng nói.
Cũng phản đối việc tăng giờ làm thêm, CN Nguyễn Thị Huyền, làm việc tại KCN Quang Minh cho biết: "Khi chưa lập gia đình, không vướng bận con cái thì việc tăng ca giúp tôi có thêm thu nhập. Nhưng khi có gia đình và đặc biệt là khi đã có con thì ai cũng muốn về sớm để có thời gian chăm sóc gia đình. Nếu Luật cho phép tăng số giờ làm thêm thì doanh nghiệp (DN) sẽ có cơ sở để yêu cầu CN làm thêm nhiều hơn, như vậy rất là bất cập cho CN. Nhiều gia đình CN vì đi làm thêm nhiều mà vợ chồng mệt mỏi, đùn đẩy việc nhà cho nhau dẫn đến mâu thuẫn, cãi vã, thậm chí là ly hôn ".
Bên cạnh ý kiến phản đối, cũng có không ít CN đồng tình với việc tăng giờ làm thêm do đây là lựa chọn duy nhất nếu người lao động (NLĐ) muốn cải thiện thu nhập. "Ngoài lương cơ bản khoảng 3,5 - 4 triệu đồng/tháng, cộng thêm khoảng 1-1,5 triệu đồng tiền tăng ca, 100.000 đồng tiền hỗ trợ chỗ ở, tiền đi lại... mỗi tháng thu nhập của tôi chỉ khoảng 5-6 triệu đồng. Dù vậy, khoản thu nhập này vẫn không đủ trang trải chi phí sinh hoạt như tiền nhà trọ, điện nước và nhiều việc chi tiêu khác. Trong điều kiện ấy, chỉ có tăng ca mới giúp chúng tôi có thêm thu nhập để dành dụm hay giúp đỡ gia đình"- Nguyễn Mai Lan, CN một công ty May thuộc KCN Vĩnh Tuy, quận Hoàng Mai bày tỏ. Tuy nhiên, giống như đa số CN khác, Mai Lan cũng thừa nhận những hệ lụy xảy ra từ việc tăng giờ làm thêm. "Việc tăng ca nhiều cũng để lại nhiều hệ lụy khi CN không có thời gian nghỉ ngơi để tái tạo sức lao động, việc chăm sóc con cái, gia đình cũng bị ảnh hưởng. Chính bởi vậy, để bảo đảm sức khỏe cho NLĐ, không nên mở rộng khung giờ làm thêm mà chỉ nên giữ nguyên quy định hiện hành. Ở các ngành nghề thâm dụng lao động, nếu điều kiện làm việc kém và chất lượng bữa ăn không bảo đảm, việc tăng giờ làm thêm sẽ khiến NLĐ kiệt sức, chưa kể phải phải đối mặt với nhiều bệnh tật khác" - chị Lan góp ý.
Chỉ nên giải quyết công việc có tính đột xuất
Theo các chuyên gia lao động, nhu cầu làm thêm chủ yếu rơi vào nhóm DN thâm dụng lao động (dệt may, giày da). Đơn hàng từ đối tác của nhóm các DN này thường không ổn định dẫn đến việc phải hoàn thành gấp, từ đó chủ sử dụng lao động buộc phải thỏa thuận tăng ca với NLĐ.
Khảo sát của Tổng LĐLĐ Việt Nam cho thấy ngành may là điển hình của tình trạng tăng ca nhiều. Cụ thể, thời gian tăng ca trung bình từ 47- 60 giờ/tháng (quy định là 30 giờ/tháng). Tính trung bình, các DN đã cho NLĐ làm thêm giờ lên tới 500 giờ/năm, thậm chí 600 giờ/năm… Trao đổi với báo chí, ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Quan hệ lao động Tổng LĐLĐ Việt Nam, cho rằng việc nâng giờ làm thêm phải đặt trong mối tương quan giữa giờ làm việc chính thức của chúng ta hiện nay như: Giờ làm tương đối cao rồi điều kiện lao động, sức khỏe của người Việt Nam cũng có hạn chế nhất định; điều kiện kinh tế - xã hội liên quan đến việc làm, thất nghiệp, tai nạn lao động...
Ông Quảng nhấn mạnh làm thêm giờ phải theo đúng nghĩa để giải quyết công việc có tính đột xuất, thời vụ, chứ không phải theo kiểu làm thêm giờ quanh năm, ngày nào cũng làm thêm giờ, tháng nào cũng làm thêm giờ. Việc làm thêm giờ cũng cần đặt trong bối cảnh, xu hướng chung của quốc tế, đó là họ có xu hướng giảm giờ làm, giảm giới hạn làm thêm giờ.
"Tuy nhiên, với điều kiện cụ thể ở nước ta, có thể xem xét việc mở rộng khung thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và NLĐ về làm thêm giờ lên 300 giờ, trường hợp đặc biệt được làm thêm tối đa 400 giờ mỗi năm, là có thể chấp nhận được với điều kiện phải bảo đảm tiền lương làm thêm giờ của NLĐ được trả theo lũy tiến. Điều này giúp cho người lao động được hưởng lợi và DN cũng cần phải hết sức cân nhắc khi huy động NLĐ làm thêm giờ nhiều" - ông Quảng phân tích.
Tiền lương của NLĐ phải được trả theo lũy tiến
Theo ông Lê Đình Quảng, vì tiền lương tối thiểu của NLĐ còn quá thấp nên không ít người vẫn muốn làm thêm để có thêm thu nhập. Chính vì thế, để giải quyết khó khăn và bảo vệ quyền lợi cho NLĐ, tiền lương của NLĐ phải được DN trả theo lũy tiến - càng làm thêm giờ nhiều thì càng được hưởng cao.
"Ví dụ, làm thêm giờ vào ngày thường và đến 200 giờ/năm thì được trả ít nhất 150%; làm thêm giờ vào ngày thường và từ 201 đến 300 giờ/năm thì được trả ít nhất 200%; làm thêm giờ vào ngày thường và từ trên 300 giờ/năm thì được trả ít nhất 250%. Nếu không được tính lũy tiến thì sẽ không tăng thời giờ làm thêm"- ông Quảng nói.
Theo Người Lao động