|
|
Ngành dệt may bị ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19 dẫn đến nhiều tác động tới người lao động. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Khi đại dịch Covid-19 bùng phát, ngành dệt may bị ảnh hưởng nặng nề do tình trạng hủy đơn hàng của các nhãn hàng, thậm chí không lường trước được.
Tại Việt Nam, 100% doanh nghiệp bị ảnh hưởng ít hoặc nhiều. Tính đến tháng 5/2020, số lượng đơn hàng bị giảm lên tới 50% và còn tiếp tục tăng lên trong năm nay.
Sau tháng 7/2020, các doanh nghiệp dệt may trong nước gặp nhiều khó khăn vì không còn đơn hàng. Các chính sách đối với doanh nghiệp quá ngắn, không thể giúp họ phục hồi sau ảnh hưởng của Covid-19.
Trong bối cảnh đó, tác động đối với người lao động là rất lớn.
Tại hội thảo “Covid-19 và viễn cảnh quan hệ lao động tại Việt Nam” diễn ra ngày 15/12, bà Ngô Minh Hương, giảng viên khoa Luật - ĐH Quốc gia Hà Nội, trình bày báo cáo “Tác động của Covid-19 tới người lao động nữ trong ngành dệt may”.
Đây là nghiên cứu được thực hiện năm 2020-2021, tập trung đánh giá các vấn đề: Tác động về kinh tế của Covid-19 đối với doanh nghiệp và người lao động di cư nữ trong ngành dệt may; Ảnh hưởng của dịch bệnh tới người lao động về sức khỏe, việc làm, đời sống; Tác động của Covid-19 về giới và xã hội đối với người lao động; Thay đổi trong quan hệ lao động.
Phương pháp nghiên cứu được kết hợp cả định tính và định lượng.
Nghiên cứu định tính được thực hiện tại 3 tỉnh Hải Dương, Đà Nẵng, Đồng Nai với hơn 6 doanh nghiệp ngành dệt may và 88 người lao động bao gồm 33 đại diện của các đơn vị liên quan tới người lao động và 54 người lao động di cư, đặc biệt là lao động nữ. Bổ trợ cùng nghiên cứu khảo sát định lượng được thực hiện bởi tổ chức CARE Quốc tế tại Việt Nam với 1.280 công nhân và 126 công ty dệt may và da giày ở 5 tỉnh.
Tác động nhiều mặt
Theo bà Ngô Minh Hương, trong dịch, có thể có tới 40% lao động bị ảnh hưởng do doanh nghiệp chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) hay không ký tiếp; cắt giảm hầu hết giờ làm thêm của người lao động ở cả 3 địa phương được khảo sát.
Tình trạng mất việc, giảm giờ làm dẫn đến người lao động bị giảm thu nhập. Trên 50% đối tượng khảo sát cho biết họ phải nghỉ không lương, thu nhập giảm tới 40-50%. Thu nhập trung bình năm 2019 là 7-8 triệu đồng/tháng nhưng tới tháng 7/2020, con số này giảm chỉ còn 4,2-5 triệu đồng.
Trong đó, lao động di cư và lao động nữ bị ảnh hưởng nhiều nhất.
Cụ thể, 70% bị cắt giảm việc làm vào tháng 3/2020 và 80% vào tháng 5/2020; 10,2% người lao động bị mất việc. Số còn lại chỉ làm việc 50-60% thời gian, tương đương 40% thu nhập. Hơn 50% người lao động bị giảm 20-25% thu nhập.
Trong khi đó, về đời sống, chi phí cho gia đình, học hành của con cái vẫn không đổi, 75% phải cắt giảm lương thực tới mức tối thiểu; 2,4% dưới mức tối thiểu cần thiết.
Những con số đáng lo ngại này đặt ra vấn đề người lao động có ở lại để chờ việc hay phải về quê. Ví dụ, gia đình có 2 người lao động là công nhân thì một người phải nghỉ việc, gửi con về quê hoặc cả 2 cùng về quê hoặc người lao động phải về quê sau 2-3 tháng.
|
|
Lao động di cư, lao động nữ là đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất trong ngành may mặc do dịch. Ảnh: Quỳnh Danh. |
“Đa số công nhân thu nhập không đủ chi và phải nợ tiền phòng trọ, có người vài tháng chưa trả được. Một số phải vay bạn bè để chi tiêu và gửi về nhà đóng học cho con. Tất cả khoản chi tiêu đều phải giảm đến mức tối thiểu. Một số người vay bạn bè, người quen cho sinh hoạt hàng ngày số tiền vài trăm đến 1 triệu đồng. Số khác vay để trả ngân hàng từ các khoản vay cho gia đình chi tiêu việc lớn trước dịch”, công nhân ở Hải Dương nói với tác giả khảo sát.
Đại dịch Covid-19 cũng tạo nhiều tác động rõ rệt về giới.
Đối với các gia đình công nhân di cư, lo lắng chủ yếu xoay quanh gánh nặng về chi phí sinh hoạt. Khi đó, phụ nữ thường lựa chọn nghỉ việc để trông con hơn là nam giới trong gia đình.
Lao động nữ cao tuổi hơn cũng gặp rủi ro về giữ việc làm bởi khi sắp xếp lại lao động, doanh nghiệp thường chọn lao động trẻ, có xu hướng chờ việc nhiều hơn.
Nhiều lao động nữ cho biết họ cảm thấy lo lắng kéo dài, thậm chí dẫn đến xung đột trong gia đình khi phải chịu gánh nặng chăm sóc người thân và bị thiếu hụt về kinh tế, đời sống.
Thay đổi về quan hệ lao động
Về phía doanh nghiệp, khi bị đối tác/khách hàng cắt hoặc hủy đơn hàng “không biết tới khi nào hồi phục”, họ bắt buộc phải giảm, sắp xếp lại lao động.
Nhiều doanh nghiệp nỗ lực tìm ra cơ chế hỗ trợ người lao động như thông báo về việc tạm nghỉ hoặc làm việc theo từng tuần; đổi chuyền sản xuất, nghỉ luân phiên, cho người lao động nghỉ phép; vay tiền ngân hàng, quỹ để cầm cự và trả lương cơ bản cho người lao động; thỏa thuận và tạo điều kiện để người lao động nghỉ việc và nhận gói bảo hiểm thất nghiệp (BHTN).
Tuy nhiên, những chính sách và cơ chế để lấy được BHTN, bảo hiểm lao động còn rất vướng để có thể giải quyết sớm cho người lao động.
Rất nhiều lao động, đặc biệt là lao động nữ đến tuổi nghỉ hưu buộc phải nghỉ vì không có việc, khó được giải quyết tình trạng bảo hiểm kịp thời. Cho tới đầu năm nay, vấn đề cho nghỉ hưu đối với người lao động tuổi cao vẫn chưa giải quyết được do ảnh hưởng của Covid-19.
Bên cạnh tìm giải pháp hỗ trợ, cũng có doanh nghiệp dùng các tiêu chí để cho người lao động nghỉ việc có thể bao gồm: vi phạm lao động, sắp hết hạn hợp đồng, làm việc năng suất thấp và làm việc lâu năm bị sắp xếp lại công việc không phù hợp nên tự nguyện xin nghỉ.
Theo bà Ngô Minh Hương, điểm sáng khi nhìn về quan hệ lao động trong dịch Covid-19 là vai trò của công đoàn cơ sở và người lao động được tăng cường. Bởi người lao động tìm đến nhiều hơn và mong đợi công đoàn cơ sở có thể hỗ trợ họ làm việc với chủ lao động.
|
|
Nhiều lao động nữ cho biết họ cảm thấy lo lắng kéo dài trong dịch do ảnh hưởng về công việc, đời sống. Ảnh: Phạm Ngôn. |
Nữ giảng viên ĐH Quốc gia Hà Nội cũng đánh giá về thực trạng hỗ trợ người lao động đối với ảnh hưởng của Covid-19.
Về tiếp cận các chương trình chính sách về an sinh xã hội, khi bị giãn việc (dưới 15 ngày/tháng) và ngừng hợp đồng, các bảo hiểm như bảo hiểm y tế (BHYT) không còn.
Doanh nghiệp cho người lao động nghỉ, khiến họ mất luôn BHYT, BHTN. Doanh nghiệp tạm hoãn nộp BHXH trong thời kỳ Covid-19, nhưng dừng cả BHYT. Tình trạng chờ việc, giãn việc dài hạn chưa phải là chấm dứt HĐLĐ nên không thể lấy BHTN. Người lao động chỉ nghe nói về BHTN mà không biết thủ tục.
Hay gánh nặng y tế khi nhiều người lao động mất việc chia sẻ họ không dám đi khám chữa bệnh. Ngoài ra còn có tình trạng “vỡ” của chính sách an sinh xã hội trong gói BHTN và hưu trí.
Về tiếp cận các chương trình hỗ trợ xã hội, trong dịch, người lao động được hưởng trợ cấp của chính phủ; trợ cấp thất nghiệp; hỗ trợ của công đoàn tỉnh; hỗ trợ của bạn bè, người thân, gia đình; hỗ trợ của nhà máy; hỗ trợ của tổ chức xã hội, từ cá nhân thông qua kêu gọi của đoàn thể, địa phương.
Trong đó, trợ cấp của chính phủ và trợ cấp thất nghiệp còn chậm so với nhu cầu người lao động.
Khuyến nghị về chính sách
Từ thực trạng kể trên, bà Ngô Minh Hương đưa ra khuyến nghị chính sách và cập nhật giám sát việc thực hiện chính sách cho tới hiện tại.
Về bảo hiểm:
- Cần có cơ chế tự động BHYT trong thời gian chờ việc hoặc mất việc, có thể do người lao động chọn lựa
- Chính phủ cần đặc biệt hỗ trợ người lao động bị cắt hợp đồng mua BHYT tự nguyện
- Người sử dụng lao động cần mua BHYT (theo kỳ 6 tháng - 1 năm) cho người lao động ngay khi ký HĐLĐ để người lao động được hưởng BHYT ít nhất là hết kỳ đóng bảo hiểm
- Thúc đẩy và đảm bảo BHYT tự nguyện kể cả thời gian mất việc với mức chi phí khả thi hợp lý cho người lao động
- Cho phép chậm nộp BHXH trong tình huống khủng hoảng sản xuất
|
|
Trong dịch, người lao động tìm đến nhiều hơn và mong đợi công đoàn cơ sở có thể hỗ trợ họ làm việc với chủ lao động. Ảnh: Lao Động. |
Về hỗ trợ xã hội:
- Chính phủ và các tổ chức xã hội hỗ trợ bằng tiền mặt cho các hộ gia đình phải cắt giảm chi phí sâu (dưới 30%)
- Mở rộng tiêu chí và xác định đúng đối tượng hỗ trợ không phân biệt tình trạng về di cư và quan hệ việc làm
- Chính sách hỗ trợ nên kéo dài thời gian hưởng (4-6 tháng còn ít do ảnh hưởng kéo dài của Covid-19)
- Chính sách cho doanh nghiệp vay ưu đãi với mục đích chi trả lương khi tình trạng bị hủy đơn khiến doanh nghiệp không thể cáng đáng lương cơ bản cho người lao động
- Chính sách vay cứu trợ
- Trợ cấp thất nghiệp: Công đoàn và doanh nghiệp hỗ trợ công nhân tiếp cận với trợ cấp thất nghiệp
Từ giai đoạn dịch thứ 3, chính phủ đã đưa ra nhiều chính sách cụ thể hơn nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động. Thông qua tổng hợp các báo cáo từ địa phương, kết quả đo đạc, giám sát thực thi chính sách có thể tham khảo tại Hotrocovid.net.
Theo zingnews