Việc này nghe có vẻ đơn giản nhưng không hề dễ thực hiện với giới trẻ. Hãy tham khảo câu chuyện của Rachel Richards.
Rachel chia sẻ: "Từ trước khi vào đại học, tôi rất lo sợ nếu phải dùng khoản vay sinh viên, vì khi đó, tôi là một mọt sách tài chính. Tôi thu lượm được rất nhiều kiến thức tài chính nhờ vào việc đọc đủ loại sách về cách quản lý tiền bạc từ khi học trung học".
Trong những năm học đại học ở Danville, Kentucky (Mỹ), Rachel đã giành được nhiều suất học bổng, trong đó có học bổng nhờ việc chơi đàn piano. Có học bổng, cùng với công việc làm thêm bán dao Cutco, cô đã tốt nghiệp vào năm 2013, ở độ tuổi 20, mà không cần dùng đến bất kỳ khoản vay sinh viên nào.
Rachel coi đây chính là nền tảng tài chính vững chắc cho những gì diễn ra sau đó.
Chưa đầy 8 năm sau khi ra trường, Rachel và chồng đã có thể độc lập tài chính. Dù nghỉ hưu sớm, nhưng cô vẫn có khoản thu nhập thụ động 16.000 USD/tháng (khoảng 400 triệu đồng).
Bắt đầu bằng việc tiết kiệm "hơn nửa" tiền lương
Rachel tốt nghiệp cử nhân chuyên ngành kinh tế tài chính và có 2 năm kinh nghiệm làm cố vấn tài chính. Trong năm đầu làm việc, Rachel được trả lương 36.000 USD, sau đó tăng lên 42.000 USD vào năm thứ 2. Mức thu nhập như vậy không cao nhưng Rachel vẫn có thể tiết kiệm được kha khá, vì không phải trả nợ khoản vay sinh viên. Mỗi năm cô dành ra được một nửa thu nhập để tiết kiệm.
Tuy nhiên, Rachel sớm nhận ra rằng công việc cố vấn tài chính yêu cầu kinh nghiệm chào hàng nhiều năm để xây dựng tệp khách hàng. "Tôi muốn thoát khỏi công việc này, nhưng việc giúp đỡ tài chính cho mọi người vẫn là điều tôi muốn làm. Tôi đã mất vài năm mới tìm ra cách đạt được điều mình mong muốn".
Sau đó, Rachel cũng ký được một vài hợp đồng bất động sản trước khi trở thành nhà phân tích tài chính ở một công ty sản xuất vào năm 2016 với mức lương 75.000 USD/năm. Sau 3 năm làm việc, cô ấy quyết định nghỉ công việc hành chính để tập trung vào các dự án mang lại thu nhập thụ động.
Xây dựng hệ thống tạo thu nhập tự động
Trong năm 2017, Rachel và bạn trai (người sau này trở thành chồng) đã lần đầu mua một căn hộ duplex với giá 100.000 USD để đầu tư. Mỗi người đã bỏ ra 10.000 USD tiền tiết kiệm được trong ba năm đi làm để trả trước 20% tiền mua nhà. Chồng Rachel là quân nhân và cũng tốt nghiệp đại học mà không dùng tới khoản vay sinh viên.
Chỉ 2 năm sau đó, cặp đôi đã mua thêm được 6 bất động sản (tổng cộng khoảng 40 phòng).
Điểm mấu chốt ở đây là Rachel có chứng chỉ môi giới bất động sản, nên cô có cơ hội tiếp cận các thông tin bất động sản được rao bán sớm nhất. Cũng có lúc cô tạo yêu cầu mua bất động sản trên mạng, nên khi có căn nhà nào phù hợp, cô cũng sẽ là người đầu tiên được thông báo.
Cô cũng đóng vai trò là môi giới bất động sản cho những căn nhà của chính mình, nghĩa là cô có tiền hoa hồng sau mỗi lần giao dịch. Ngoài căn duplex đầu tiên, hầu hết các bất động sản mà hai người mua sau này đều là dạng căn hộ đủ đồ và đang có khách thuê. Cô và chồng chủ động chọn những căn hộ có thể mang lại 200-300 USD/tháng/phòng.
Năm 2018, vợ chồng cô dừng mua bất động sản mới. Hiện tại, hai người dành 5-10 tiếng mỗi tuần để quản lý bất động sản, công việc giúp mang lại thu nhập khoảng 8.000 USD/tháng.
Biến đam mê thành thu nhập thụ động
Rachel có ý tưởng viết sách từ năm 2017, khi bạn bè và người thân trong gia đình thường xuyên tìm đến cô để được tư vấn về tài chính. "Khi đó, tôi đã thắc mắc là tại sao họ không tự đọc sách để tìm hiểu", cô nói.
Nhận thấy hầu hết mọi người cảm thấy những cuốn sách về quản lý tài chính cá nhân rất nhàm chán, phức tạp, khô khan, Rachel đã có một hướng đi hoàn toàn mới; đó là biến tài chính cá nhân thành một chủ đề vui nhộn, đơn giản, và thú vị.
Rachel đã tự bán cuốn "Money Honey" của mình trên Amazon, và cuốn sách được độc giả Mỹ hưởng ứng tích cực. Việc bán sách mang về lợi nhuận 4.000 USD/tháng cho cô.
Ngoài ra, Rachel cũng xây dựng một khóa học trực tuyến hướng dẫn quản lý tài chính, và khóa học này cũng mang lại thu nhập khoảng 4.000 USD/tháng.
"Tất cả phụ thuộc vào lựa chọn của bạn"
Rachel chia sẻ: "Chúng tôi dự định tạo nguồn thu nhập thụ động khoảng 10.000 USD/tháng. Nhưng con số hiện tại đã lên đến 16.000 USD, trong khi chi tiêu hằng ngày của chúng tôi chỉ ở mức 8.000 USD/tháng. Do đó, tôi dành số tiền còn lại để đi du lịch và tận hưởng một cuộc sống thoải mái, vô lo".
Chồng của Rachel vẫn tiếp tục đi làm. "Anh ấy rất yêu thích và hài lòng với công việc của mình. Anh ấy chọn đi làm vì anh ấy muốn như vậy, chứ không phải vì sức ép kinh tế", Rachel cho biết.
Trong khi đó, Rachel lên kế hoạch mở rộng nhãn hiệu hướng tới phụ nữ thuộc thế hệ Millennials: "Bây giờ mọi thứ đều phụ thuộc vào lựa chọn của tôi. Tôi muốn đam mê của tôi được lan tỏa đến những người phụ nữ, giúp họ biết cách quản lý tài chính. Việc đó là công việc chính của tôi".
Theo danviet