Bitcoin hiện đã giảm 55% kể từ đỉnh tháng 12/2017.
Ngày hôm nay, giá 1 Bitcoin thị trường là 8.700 USD, giảm 12% trong 24 giờ qua và 55% từ đỉnh cao của tháng 12/2017 là 19.500 USD. Đây là sự sụt giảm mới nhất giữa những lo ngại ngày càng gia tăng trong hệ sinh thái cryptocurrency (các loại tiền coins, tiền điện tử, tiền ảo, tiền kỹ thuật số…) rộng lớn.
Hệ sinh thái tiền ảo được cho là ngày càng lớn mạnh từ những ý đồ của những cá nhân nắm được công nghệ và từ các hành vi chưa được công nhận một cách chính thống.
Như vậy, sau khi tăng 1.400% trong năm 2017, giúp tài sản của các nhà đầu tư thêm 200 tỷ USD, Bitcoin đã giảm giá tới 30% chỉ trong tháng 1/2018.Hiện không có sự phát triển tập trung vào Bitcoin hay một loại tiền điện tử nào cụ thể, nhưng hệ sinh thái cryptocurrency lại liên kết khá chặt chẽ. Trên thực tế, không chỉ Bitcoin, 20 đồng tiền ảo lớn khác đều bị mất giá mạnh trong 24 giờ qua. Nhiều đồng tiền ảo đã chứng kiến sự suy giảm giá trị bằng hai con số.
Những thông tin xấu đầu tuần này được cho là chịu tác động từ việc mạng xã hội lớn nhất thế giới Facebook công bố chính sách cấm các quảng cáo liên quan đến các loại tiền điện tử, các nền tảng khác nhau của cryptocurrency, kể cả đồng Bitcoin. Thông báo của Facebook nhấn mạnh, chính sách mới cấm các công ty quảng cáo đăng tải các quảng cáo có nội dung thổi phồng lợi ích của tiền điện tử trên trang mạng xã hội lớn nhất hành tinh này. Chính sách mới này sẽ được áp dụng trên các nền tảng của hãng như trang mạng xã hội Facebook, Audience Network và Instagram.
Thông báo của Facebook có đoạn: "Chúng tôi muốn mọi người tiếp tục khám phá và tìm hiểu về các sản phẩm và dịch vụ mới thông qua quảng cáo trên Facebook mà không sợ lừa đảo".
Cũng trong tuần này, Ủy ban chứng khoán và sàn giao dịch Mỹ (SEC) thông báo đã ngừng một dự án ngân hàng tiền ảo có tên gọi là AriseBank. Tổ chức này bị cáo buộc đã lợi dụng những người ủng hộ các nhân vật nổi tiếng như cựu võ sĩ chuyên nghiệp Evander Holyfield và các phương tiện truyền thông xã hội để lừa đảo các nhà đầu tư với số tiền lên đến 600 triệu USD.
Trong khi đó, tin đồn xoay quanh Tetherer - một loại tiền ảo được quảng cáo là có giá trị gắn liền với đồng USD, có thể đổi lấy USD bất cứ lúc nào. Nhưng trong những tháng gần đây, Tetherer đã phải vật lộn để cố gắng tiếp cận với hệ thống ngân hàng thông thường và đã thất bại thảm hại khi không thể qua được một cuộc kiểm toán tài chính để chứng minh khả năng thanh toán của nó.
Trước đó, các tin tức từ Ấn Độ càng khiến thị trường tiền ảo thêm lo lắng sau những ngày vốn đã tràn ngập tin xấu. Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ Arun Jaitley khẳng định với các nhà làm luật ở New Delhi rằng, Ấn Độ không coi tiền số là một thứ hợp pháp và sẽ thực hiện tất cả các biện pháp nhằm xóa bỏ việc sử dụng các tài sản số để tài trợ cho các hoạt động phi pháp hoặc sử dụng chúng trong hệ thống thanh toán. Tuy nhiên, ông cũng cho biết Ấn Độ vẫn sẽ thử nghiệm công nghệ blockchain.
Nơi có hoạt động giao dịch tiền số nhộn nhịp nhất thế giới là Hàn Quốc cũng đã chính thức thực hiện một đạo luật mới nhằm làm dịu cơn sốt trên thị trường Bitcoin. Trong một văn bản được công bố vào ngày 23/1, Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hàn Quốc cho biết sẽ chỉ cho phép giao dịch tiền tệ mã hóa đối với các chủ tài khoản ngân hàng có thể xác minh nhân thân, áp dụng từ ngày 30/1. Các quy định này nhằm giúp các ngân hàng tuân thủ quy tắc KYC (Know Your Customer - Nhận biết khách hàng) và AML (Anti-money Laundering - Chống rửa tiền) của ngành ngân hàng trong hoạt động giao dịch tiền ảo và ngăn chặn việc khai thác giao dịch tiền ảo nhằm phục vụ các hoạt động bất hợp pháp, như tội phạm, rửa tiền và trốn thuế.
Theo Thế giới và Việt Nam