Công ty Honda Việt Nam chấm dứt hợt đồng lao động với 1.000 đến 3.000 người (tùy từng năm) -
ảnh minh họa
Tại buổi thông tin báo chí định kỳ 6 tháng năm 2017, đại diện BHXH Việt Nam nhìn nhận có tình trạng doanh nghiệp thỏa thuận để người lao động, đặc biệt là lao động nữ quá 35 tuổi nghỉ việc. Bởi thực tế, doanh nghiệp vì lợi nhuận, có xu hướng tìm cách thải loại lao động đã lớn tuổi, ít khả năng linh hoạt ra khỏi dây chuyền; đưa lao động trẻ tuổi, năng suất cao hơn.
Vị này cũng thừa nhận chưa có được số liệu tổng thể về tình trạng thải loại lao động lớn tuổi trên cả nước.
Ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng Giám đốc BHXHVN, yêu cầu ban chuyên môn cần phải có khảo sát và yêu cầu BHXH các địa phương tập hợp và đánh giá tình trạng doanh nghiệp thải loại lao động lớn tuổi. “Cơ quan BHXH cần có những đánh giá tác động cụ thể của tình trạng này ảnh hưởng chính sách an sinh xã hội, số lượng người tham gia BHXH, cũng như tác động tới chính sách. Đích là phải bảo vệ việc làm bền vững người lao động”.
Theo ông Sơn, bảo vệ người lao động cũng là ổn định thị trường BHXH và đảm bảo an sinh cho chính người lao động.
Phân tích vấn đề này, ông Lê Đình Quảng, Phó ban Quan hệ lao động (Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam), cũng nhấn mạnh việc doanh nghiệp thải loại lao động sau 35 tuổi là có thật và đang diễn ra ngày phổ biến hơn.
Qua khảo sát của hệ thống Công đoàn, Viện Công nhân công đoàn và Ban quan hệ lao động tại 64 doanh nghiệp của các khu công nghiệp, phần lớn công nhân gắn bó với doanh nghiệp chỉ khoảng 6 năm. Số lao động trên 35 tuổi ở các dây chuyền sản xuất rất ít.
Theo ông Quảng, thực tế các dây chuyền sản xuất có cường độ cao, lao động sau 35 tuổi, tình trạng sức khỏe, độ nhanh nhạy, không còn thích ứng kịp với khoa học và khó đáp ứng tăng năng suất lao động.
Đặc biệt là chi phí BHXH và các chi phí khác dành cho lao động gắn bó lâu sẽ cao hơn so với lao động trẻ. Vì vậy, doanh nghiệp có chính sách thải loại lao động lớn tuổi là có thật; thậm chí chi trả khoản tiền bằng 6 - 7 tháng lương cho lao động tự nguyện nghỉ việc.
Tình trạng này ảnh hưởng nghiêm trọng tới an sinh xã hội, bởi công nhân nghỉ việc sau 35 tuổi là ra khỏi khu vực có quan hệ lao động, lại chưa đên tuổi hưu, rất khó tìm kiếm ở việc làm ở công ty khác. Họ về quê làm dịch vụ hoặc nông nghiệp, đồng thời cũng lĩnh BHXH 1 lần, đồng nghĩa với an sinh xã hội khi về già sẽ không được đảm bảo.
Để giải quyết tình trạng này, theo ông Quảng, chính sách, pháp luật cần xem xét sửa đổi để hướng đến việc làm bền vững cho người lao động lớn tuổi, trên cơ sở linh hoạt, tự nguyện nhưng cũng làm sao tăng trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp vì quyền lợi người lao động.
Về phía BHXH và Công đoàn cũng cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát các hành vi vi phạm của doanh nghiệp liên quan đến việc chấm dứt hợp đồng, thải loại người lao động cao tuổi.
Mặt khác, cần đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người lao động, không vì lợi ích trước mắt, thỏa thuận với doanh nghiệp, mà chưa tính đến an sinh khi về già.
Theo khảo sát của tổ liên ngành tỉnh Vĩnh Phúc tại Công ty Honda Việt Nam đặt tại tỉnh này trong giai đoạn 2013 - 2016, công ty này tuyển mới từ 1.000 đến 3.000 lao động mới/năm. Tương ứng, công ty này chấm dứt hợt đồng lao động với 1.000 đến 3.000 người (tùy từng năm); đa số là tự bỏ việc. |
Theo Phunuvietnam.vn