Theo khảo sát của phóng viên báo Lao động Thủ đô, nhiều người dân đã tiếp cận được khoản vay này và đang chuẩn bị đi XKLĐ.

Mấy ngày nay, gia đình ông Nguyễn Văn Tám, trú tại Hồng Tiến, Khoái Châu, Hưng Yên, đang tất bật chuẩn bị cho con trai út làm thủ tục đi XKLĐ ở Nhật Bản. Đây là thị trường lao động hứa hẹn cho thu nhập cao, với mức lương hàng nghìn đô la mỗi tháng. Trước đây, gia đình ông Tám không dám nghĩ con mình có được cơ hội đổi đời như thế. Bởi lẽ, muốn đi XKLĐ ở thị trường này, người lao động phải mất đến gần 400 triệu đồng chi phí. Với số tiền lớn như vậy, không phải gia đình nào cũng có, đặc biệt với hoàn cảnh gia đình ông Tám. Nhưng nay, nhờ có Nghị định 61/2015/NĐ- CP, ước mơ đổi đời của gia đình ông Tám đã thành hiện thực.

Lao động Việt Nam trước giờ lên đường đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài

“Gia đình tôi có ba người con, vì hoàn cảnh khó khăn nên hai đứa đầu chỉ học chưa hết cấp 2 đã nghỉ. Thằng út, dù học cũng khá nhưng cũng đành phải nghỉ ở nhà làm phu hồ khi mới hết cấp 3. Gia đình làm nông, con cái phải đi làm thuê, làm mướn quanh năm nhưng cũng không dư giả gì vì phải lo cho vợ tôi ốm đau quanh năm. Nhiều người ở làng nhờ XKLĐ đã có kinh tế dư giả, biết vậy nhưng gia đình tôi không thể vay đâu được số tiền lớn như thế để cho con đi. May quá, chính sách của Chính phủ về việc cho vay 100% số tiền đi XKLĐ có hiệu lực, gia đình tôi đã làm đơn vay được số tiền ấy để cho con đi XKLĐ. Đây là chính sách rất đúng đắn, giúp những gia đình khó khăn như chúng tôi có cơ hội được đổi đời”, ông Tám vui mừng chia sẻ.

Gia đình bà Nguyễn Thị Vân, ở xóm Đông, Vân Côn, Hoài Đức, Hà Nội, cũng đang hy vọng cuộc sống gia đình bớt vất vả hơn khi cậu con cả có cơ hội được đi XKLĐ.

Theo bà Vân, gia đình bà có bốn người con, chồng bà hy sinh tại chiến trường Campuchia, hoàn cảnh hết sức khó khăn. Bốn người con đều đã lập gia đình, nhưng chẳng ai có kinh tế khá giả, vì chỉ làm nông nghiệp. Không được học hành đến nơi, đến chốn, nên muốn kiếm được công việc ổn định là rất khó khăn.

“Nghĩ đủ mọi cách để kiếm tiền cho con đi XKLĐ, nhưng không ra. Bởi lẽ, hiện cả gia đình tôi chỉ sống trong ngôi nhà do ông bà để lại. Nhiều lần định làm sổ đỏ để vay vốn ngân hàng, nhưng số tiền ấy quá lớn, mặt khác đất nhà tôi ở cuối làng, nếu có vay vốn ngân hàng cũng chẳng được bao nhiêu. Nay thì khác, chính sách của Chính phủ về việc cho vay vốn có hiệu lực, với thủ tục đơn giản, gia đình tôi đã vay được một khoản tiền lớn để cho con đi XKLĐ. Hiện cháu đã đi học ngoại ngữ và học nghề hàn, vài tháng nữa là có thể đi Hàn Quốc làm việc”, bà Vân nói.

Có thể nói, Nghị định số 61/2015/NĐ – CP có hiệu lực đã đem lại cơ hội đổi đời cho hàng nghìn gia đình cận nghèo và thân nhân người có công với cách mạng. Bởi lẽ, hầu hết những người thuộc trường hợp như vậy đều có hoàn cảnh khó khăn, công việc không ổn định. Việc được vay vốn đi XKLĐ như một cơ hội lớn giúp họ thay đổi cuộc sống, kinh tế khá giả hơn và có thể lo được tương lai tươi sáng cho những thế hệ con em. Đây là chính sách đúng đắn, nhân văn và giúp cho một bộ phận xã hội có thể thoát nghèo.

Theo Nghị định số 61/2015/NĐ - CP của Chính phủ, có hiệu từ 1/9, quy định người lao động thuộc hộ cận nghèo hoặc là thân nhân của người có công với cách mạng đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được vay tối đa 100% chi phí. Đối với mức vay trên 50 triệu đồng, người lao động phải có tài sản bảo đảm tiền vay theo quy định. Thời hạn vay vốn không được vượt quá thời hạn làm việc ở nước ngoài của người lao động ghi trong hợp đồng ký kết. Lãi suất vay vốn được áp dụng trong trường hợp này bằng với lãi suất vay vốn đối với hộ nghèo theo từng thời kỳ do Chính phủ quy định; lãi suất nợ quá hạn bằng 130% lãi suất vay vốn.

Theo laodongthudo.vn