Với AEC, Việt Nam có hy vọng tạo thêm 14,5 triệu việc làm vào năm 2025. Ảnh: Hải Nguyễn
ASEAN thiếu hụt lao động có tay nghề
Theo Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Doãn Mậu Diệp, AEC giúp thị trường lao động (LĐ) các nước trong khối sôi động hơn, thúc đẩy tạo việc làm cho từng quốc gia thành viên. Riêng Việt Nam, theo dự báo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), đến năm 2025, số việc làm có thể tăng lên 14,5%, tương đương 14,5 triệu LĐ có cơ hội tìm được việc làm. “Tuy nhiên, chúng ta phải nhìn thấy thực tế hiện nay là LĐ có kỹ thuật thường di chuyển đến các nước trong nhóm phát triển hơn như Singapore, Malaysia và Thái Lan; số còn lại thường là LĐ có trình độ thấp. Điều này đặt ra thách thức cho Việt Nam trong việc phát triển và ổn định thị trường LĐ cũng như quản lý LĐ nước ngoài” - ông Diệp nhấn mạnh.
Kết quả khảo sát của ILO cho thấy, doanh nghiệp trong khối ASEAN đang lo ngại về tình hình thiếu hụt LĐ có tay nghề và kỹ năng sau khi AEC chính thức hình thành. Có tới 50% chủ sử dụng LĐ cho biết, LĐ phổ thông không có được kỹ năng họ cần; thậm chí cả với những người tốt nghiệp cao đẳng, đại học, kiến thức họ nhận được từ nhà trường còn khoảng cách lớn so với yêu cầu thực tế.
Một trong những lợi ích thiết thực nhất của việc ra đời AEC được nhìn nhận là việc di chuyển tự do của LĐ có kỹ năng, với các ngành nghề các nước đã công nhận lẫn nhau. Hiện nay, AEC thống nhất được 8 lĩnh vực LĐ được di chuyển tự do khi công nhận trình độ lẫn nhau. Dù số ngành nghề, lĩnh vực còn ít so với thực tế nhưng trong tương lai, khi sự hợp tác sâu rộng hơn, các thành viên AEC có thể mở rộng thêm nhiều ngành nghề khác. Tuy nhiên, cơ hội dành cho LĐ có tay nghề cao vẫn sẽ lớn hơn nhóm kỹ năng thấp.
Cơ hội lớn cho Việt Nam
TS Nguyễn Quang Việt - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học dạy nghề (Tổng cục Dạy nghề) - cho rằng, trong bối cảnh lượng LĐ di cư trong khối tăng từ 1,5 triệu người năm 1990 lên hơn 6,5 triệu người năm 2013, Việt Nam đứng trước cơ hội lớn về di cư LĐ, giải quyết việc làm. Trong AEC nổi lên Malaysia, Singapore, Thái Lan là các trung tâm di cư chính; ngoài ra Brunei cũng đang phát triển và rất hút LĐ. Hiện, 8 ngành nghề các nước AEC công nhận lẫn nhau gồm dịch vụ kỹ thuật, dịch vụ điều dưỡng, dịch vụ kiến trúc, dịch vụ khảo sát, hành nghề y khoa, hành nghề nha khoa, dịch vụ kế toán và du lịch. Tuy nhiên, tất cả các nhu cầu của nhóm này chỉ chiếm khoảng 1% trong tổng số việc làm của AEC. Do “cửa hẹp” nên Việt Nam trước mắt chưa thể là trung tâm di cư và có thể tận dụng nhu cầu thực tế để tạo việc làm cho LĐ, đặc biệt là nhóm LĐ kỹ năng trung bình và thấp.
Ông Simon Matthews - Giám đốc ManpowerGroup Thái Lan, Việt Nam, Campuchia - cho rằng rào cản lớn trong di chuyển LĐ giữa các nước AEC là giấy phép. “Việt Nam là nước khá mở với người LĐ nước ngoài và đây cũng có thể là một “điểm cộng” của thị trường LĐ Việt Nam. Ngoài ra quy định về pháp luật LĐ của Việt Nam cũng dễ dàng hơn, ví dụ so với Thái Lan” - ông Simon Matthews cho biết.
Dẫu vậy TS Nguyễn Quang Việt, dẫn nghiên cứu của Eurocham Việt Nam, cho biết: “Phong cách giáo dục thấm sâu vào văn hoá, tạo ra chuỗi vòng lặp lại theo đó thế hệ này dạy thế hệ tiếp theo đúng phương pháp cũ mà không có những tiến triển nào khiến tất cả học sinh đều có một cách hành xử và tác động giống nhau thể hiện rõ tại nơi làm việc, kết quả là nhân viên thường không có sáng kiến hay lối tư duy tích cực nào”.
Theo laodong.com.vn