Không hạn chế ứng viên dự tuyển

Thông báo của Trung tâm Lao động ngoài nước cho biết, tại Bắc Ninh sẽ tổ chức tiếp nhận đăng ký tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh từ ngày 8/8 - 22/8/2016; tại Ninh Bình từ ngày 9/8 - 23/8/2016 địa điểm tiếp nhận đăng ký tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh; Hai tỉnh Thái Nguyên và Đắk Nông từ 10/8 - 24/8/2016, địa điểm tiếp nhận tại Sở LĐ-TB&XH tỉnh.

Các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu và Bến Tre tiếp nhận đăng ký tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh từ các ngày 5/9; 6/9; 7/9 đến các ngày 19/9; 20/9; 21/9. Thời gian tiếp nhận đăng ký hàng ngày: Sáng: Từ 8 giờ đến 11 giờ 30; Chiều: Từ 13 giờ 30 đến 17 giờ. Người lao động khi đến đăng ký dự tuyển tham gia chương trình mang theo Chứng minh nhân dân và Sổ Hộ khẩu.

Chương trình không hạn chế về số lượng ứng viên đăng ký dự tuyển. Tuy nhiên, người lao động cần đáp ứng đủ các điều kiện như: Nam giới, tuổi từ đủ 20 đến 30 tuổi (tính đến thời điểm tiếp nhận đăng ký của từng địa phương); Tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc tương đương trở lên; Cao từ 1m60 trở lên, cân nặng phù hợp với chiều cao; Không xăm mình, không bị tật nguyền, không có dị tật...; Có đủ sức khỏe để đi làm việc ở nước ngoài theo quy định tại Thông tư số 14/2013/TT-BYT ngày 06/5/2013 của Bộ Y tế về việc hướng dẫn khám sức khỏe; Có đạo đức tốt, ý thức kỷ luật tốt, không có tiền án; Có hộ khẩu thường trú và sinh sống tại địa phương đăng ký dự tuyển...

Sau khi nhận được hồ sơ đăng ký dự tuyển, Trung tâm Lao động ngoài nước sẽ kiểm tra và thông báo danh sách người lao động đã nộp hồ sơ, kết quả kiểm tra hồ sơ bằng văn bản cho Sở LĐ-TB&XH và cho người lao động; đồng thời công khai thông tin này trên trang thông tin điện tử của Trung tâm Lao động ngoài nước. Người lao động trúng tuyển sẽ tham gia khóa đào tạo dự bị tiếng Nhật trong thời gian 3 tháng tại Cơ sở đào tạo của Trung tâm Lao động ngoài nước.

Trong quá trình tham gia khóa đào tạo dự bị này, Văn phòng Tổ chức IM Japan tại Việt Nam sẽ đánh giá khả năng học tiếng Nhật của các ứng viên, nếu đạt yêu cầu sẽ tiếp tục được tham gia khóa đào tạo chính thức tiếng Nhật và bồi dưỡng kiến thức cần thiết trong thời gian 4 tháng trước khi xuất cảnh...

Tiền lương, chi phí và hỗ trợ

Lao động đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản gọi là thực tập sinh, được tu nghiệp và thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản trong thời gian 3 năm; trong thời gian này thực tập sinh được hưởng trợ cấp 80.000 yên/tháng trong một tháng đầu của thời gian tu nghiệp và hưởng lương theo hợp đồng ký với công ty tiếp nhận trong thời gian thực tập kỹ thuật với mức lương tối thiểu trong năm thứ nhất và thứ hai là 90.000 yên/ tháng, năm thứ ba là 100.000 yên/ tháng; được bảo hiểm trong thời gian tu nghiệp và thực tập kỹ thuật; sau khi hoàn thành chương trình thực tập, về nước đúng thời hạn sẽ được Tổ chức IM Japan hỗ trợ 600.000 yên/người (tương đương 110.000.000 đồng tiền Việt Nam) để khởi nghiệp.

Người lao động nếu trúng tuyển được tham gia chương trình chỉ phải nộp các khoản chi phí bao gồm: Chi phí làm Hộ chiếu; Lệ phí visa; Chi phí khám sức khỏe (3 lần); Chi phí đào tạo dự bị trong thời gian 3 tháng đầu; Học phí lớp ôn tập 1 tháng trước khi xuất cảnh (nếu có); Chi phí ăn, ở trong thời gian tham dự các khóa đào tạo tại Việt Nam.

Ngoài các khoản chi phí nêu trên, người lao động khi tham gia Chương trình này không phải nộp bất kỳ khoản chi phí nào khác. Người lao động được miễn các khoản chi phí (do Tổ chức IM Japan đài thọ) gồm: Chi phí vé máy bay; Chi phí đào tạo chính thức trong thời gian 4 tháng.

Người lao động thuộc đối tượng hộ nghèo, người dân tộc thiểu số thuộc các huyện nghèo theo quy định tại Quyết định số 71/2009/QĐ-Ttg ngày 29/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ, được hỗ trợ các chi phí nêu trên theo mức quy định tại Quyết định này; người lao động thuộc huyện nghèo nhưng không phải là đối tượng hộ nghèo, người dân tộc thiểu số sẽ được hỗ trợ 50% chi phí đào tạo.

Theo giaoducthoidai.vn