Lao động nước ngoài thu hoạch súp lơ tại một nông trang gần Melbourne, Australia.
Giống như nhiều thanh niên Hàn Quốc, Gabi Cho đến Australia với hy vọng có môi trường thực hành để cải thiện vốn tiếng Anh, được hít thở bầu không khí trong lành và gia tăng thu nhập. Tuy nhiên, thực tế không như cô tưởng tượng, theo
New York Times.
Hai năm trước, Cho tìm được một công việc cắt tóc ở khu ngoại ô Lidcombe, phía tây thành phố Sydney với mức lương tính theo giờ khoảng 9 USD. Để được nhận vào làm, Cho phải đặt cọc 380 USD. Chủ tiệm hứa sẽ hoàn trả khoản tiền này nếu Cho không bao giờ đi làm muộn hay xin nghỉ.
Lúc đó, cô gái trẻ người Hàn Quốc, chân ướt chân ráo đến Australia, hoàn toàn không biết chủ tiệm cắt tóc đang làm trái luật.
"Người chủ lợi dụng vốn tiếng Anh ít ỏi, lẫn sự thiếu hiểu biết của tôi về luật và quyền của lao động", Cho nói với phóng viên thông qua một người phiên dịch. "Tôi muốn câu chuyện của mình được mọi người biết tới để sẽ không còn ai rơi vào tình cảnh như tôi". Cho cáo buộc tính đến nay, khoản tiền công mà chủ tiệm làm tóc trả thiếu cho cô đã lên đến 30.000 USD.
Theo kết quả khảo sát mà chính phủ Australia vừa công bố, Cho chỉ là một trong số hàng nghìn lao động nước ngoài bị các doanh nghiệp bản địa trả công rẻ mạt và bóc lột công sức.
Với một nền kinh tế phát triển, môi trường sống chất lượng cao và luật lao động chặt chẽ, Australia từ lâu đã được coi là điểm đến hấp dẫn với người lao động nước ngoài.
Tuy nhiên, cuộc khảo sát có tên "Wage Theft" (tạm dịch: Tình trạng ăn cắp tiền lương), điều tra khoảng 900.000 lao động nhập cư hợp pháp ở Australia cho thấy khoảng 1/4 sinh viên quốc tế, nhóm chiếm phần đông lực lượng lao động tạm thời, chỉ được trả tối đa 9 USD một giờ và gần 50% lao động được hỏi cho biết họ được trả dưới 11 USD.
Trong khi đó, mức lương tối thiểu ở Australia là 13,84 USD một giờ. Và theo luật, những lao động mùa vụ, không được hưởng chế độ nghỉ ốm hay nghỉ phép, thường được trả lương cao hơn.
Khảo sát này cũng chỉ ra người lao động gốc châu Á, bao gồm Trung Quốc, Việt Nam và Đài Loan, thường phải làm việc trong điều kiện khắc nghiệt hơn và phải chấp nhận mức lương thấp hơn so với các lao động đến từ Bắc Mỹ, Ireland và Anh. Lao động làm các công việc như thu hoạch trái cây, rau củ quả ở nông trang thường bị trả công thấp nhất.
Nhóm tác giả thừa nhận nhiều lao động biết mức thu nhập của họ rẻ mạt nhưng do lo ngại vấn đề thị thực nên họ chấp nhận bị trả công dưới mức lương tối thiểu. "Chúng tôi biết thực trạng này đã ăn sâu bám rễ và phổ biến ở Australia", theo Bassina Farrbenblum, giảng viên luật tại trường đại học New South Wales ở Sydney đồng thời là tác giả báo cáo dựa trên kết quả cuộc khảo sát.
Mark Lee, người phát ngôn của tổ chức độc lập Fair Work Ombudsman chuyên điều tra các vụ khiếu kiện liên quan đến điều kiện làm việc và vi phạm luật lao động, nhận xét nguyên nhân dẫn đến tình trạng bóc lột này là do lao động nước ngoài "gặp rào cản ngôn ngữ, thiếu hiểu biết về quyền lao động, nhận thức hạn chế về các cơ quan hoặc tổ chức có khả năng giúp đỡ họ và lo ngại về vấn đề thị thực".
Quay trở lại với cô gái Hàn Quốc làm thợ cắt tóc tại tiệm ở khu Lidcombe, Cho nói cô hoàn toàn không biết quyền của mình cho đến khi chồng đưa cho xem một bài báo viết về một cửa hàng bán bánh sandwich ở Sydney.
Tổ chức Fair Work Ombudsman cáo buộc cửa hàng này trả công rẻ mạt cho các nhân viên Hàn Quốc, đa phần đến Australia bằng thị thực sinh viên hoặc lao động kết hợp kỳ nghỉ. Số tiền mà cửa hàng này "ăn quỵt" lên tới hơn 100.000 USD.
Anh Andy Rim, chồng của cô Cho, cho biết vợ anh tới Australia làm việc thông qua một chương trình lao động do chính phủ Hàn Quốc hỗ trợ.
"Họ đang gửi người lao động ra nước ngoài để làm việc như nô lệ", Andy Rim, hiện quản lý một nhà kho ở Sydney, bức xúc nói.
Daniel Song đến từ tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc theo thị thực lao động kết hợp kỳ nghỉ. Chàng thanh niên 28 tuổi này tưởng rằng Australia là thị trường lao động lý tưởng với mức lương cao hơn ở quê nhà và anh lại cơ hội thực hành tiếng Anh.
Làm công việc xây dựng tại quận tài chính trung tâm thành phố Brisbane, Song được trả hơn 11 USD mỗi giờ. Hơn 1/3 lao động làm việc cùng Song đến từ Trung Quốc và Đài Loan. Tất cả đều vào Australia theo thị thực lao động kết hợp kỳ nghỉ hoặc du lịch.
"Chênh lệch mức lương không công bằng", Song nói. "Nhưng cũng hợp lý thôi, (với thị thực này), tôi nghĩ rằng mình không có lựa chọn khác".
Theo VNExpress