Tuyển lao động công nghệ thông tin Việt Nam sang Đức làm việc
Cập nhật lúc 22:17, Thứ năm, 15/12/2022 (GMT+7)
Người lao động Việt Nam có kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, điện tử, kỹ thuật chế biến món ăn hoặc quản trị nhà hàng, khách sạn có cơ hội sang Đức làm việc, được bố trí việc làm theo trình độ tay nghề và nhận mức lương như người Đức…
Trung tâm Lao động ngoài nước phối hợp với Cơ quan lao động liên bang Đức (BA), Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam (AHK Việt Nam) vừa thông báo kế hoạch tuyển chọn 45 ứng viên tham gia Chương trình “Hand in Hand for International Talents”, dự kiến phỏng vấn trong tháng 12/2022.
Kế hoạch nhằm triển khai chương trình bố trí lao động Việt Nam đi làm việc tại Cộng hòa Liên bang Đức, giai đoạn 2022-2023 trong khuôn khổ Thỏa thuận giữa Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Cơ quan lao động Liên bang Đức.
Người lao động Việt Nam được tham gia chương trình khi có đủ các điều kiện như: Đã tốt nghiệp cao đẳng/cao đẳng nghề tại Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ thông tin, điện tử, kỹ thuật chế biến món ăn hoặc quản trị nhà hàng, khách sạn. Đối với ngành chế biến món ăn, quản trị nhà hàng, khách sạn thì tốt nghiệp đại học được chấp nhận.
Đồng thời, yêu cầu có ít nhất 2 năm kinh nghiệm làm việc liên quan tới lĩnh vực đào tạo. Đối với ngành chế biến món ăn, quản trị nhà hàng, khách sạn, kinh nghiệm trong lúc học tập hoặc thực tập được chấp nhận. Ứng viên cũng cần đảm bảo không có tiền án; đủ sức khỏe đi làm việc tại nước ngoài, có nguyện vọng cư trú và làm việc lâu dài tại Đức.
Sau khi trúng tuyển và xác nhận tham gia chương trình, ứng viên sẽ được Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam (AHK Việt Nam) bố trí tham gia khóa học tiếng Đức tại Việt Nam phù hợp về hình thức, thời gian và trình độ đào tạo. Dự kiến khóa đào tạo tiếng Đức tại Việt Nam sẽ tổ chức từ tháng 1/2023, trong 6 tháng.
Trong khóa đào tạo, các ứng viên phải hoàn thành bài kiểm tra tiếng Đức bắt đầu từ trình độ A1, A2 và tham dự kỳ thi B1 theo tiêu chuẩn tham chiếu ngôn ngữ Châu Âu (CEFR) với bài kiểm tra cuối khóa tại đơn vị ngôn ngữ được Đại sứ quán Đức công nhận. Ứng viên tham gia trong lĩnh vực công nghệ thông tin, kỹ thuật điện tử phải đạt trình độ B1 tiếng Đức, và ứng viên trong ngành ẩm thực hoặc ngành khách sạn phải đạt trình độ A2 tiếng Đức, là yêu cầu cho hồ sơ xin visa.
Trong thời gian tham gia khóa đào tạo tiếng Đức tại Việt Nam, Cơ quan lao động Liên bang Đức sẽ giới thiệu ứng viên cho các công ty tiếp nhận Đức tuyển dụng thông qua cuộc phỏng vấn (qua Skype) giữa công ty tiếp nhận Đức và ứng viên.
Ứng viên hoàn thành khóa đào tạo tiếng Đức và thi đạt trình độ theo yêu cầu sẽ xuất cảnh sang Đức sau khi được Đại sứ quán Đức cấp thị thực và công ty tiếp nhận thống nhất ngày xuất cảnh.
Ứng viên được bố trí làm việc tại công ty tiếp nhận Đức. Trong trường hợp văn bằng được công nhận toàn phần, ứng viên làm việc với tư cách lao động lành nghề. Trường hợp văn bằng được công nhận một phần thì ứng viên sẽ bắt đầu làm việc với tư cách lao động chưa có tay nghề cho tới khi văn bằng được công nhận toàn phần. Ứng viên sẽ được hỗ trợ hoàn thiện việc công nhận văn bằng toàn phần bởi các đối tác tại Đức.
Người lao động tham gia chương trình sẽ được phía Đức đài thọ chi phí đào tạo tiếng Đức tại Việt Nam tới trình độ B1, chi phí thi trình độ B1 và một lần thi lại (không phải thi chứng chỉ A1, A2 khi chuyển trình độ trong thời gian đào tạo tiếng Đức tại Việt Nam). Họ cũng được giới thiệu kết nối tìm kiếm việc làm với nhà tuyển dụng phù hợp thông qua hợp tác với Cơ quan lao động Liên bang Đức.
Đồng thời, được hỗ trợ chi phí công nhận văn bằng bởi các cơ quan có thẩm quyền tại Đức; đài thọ chi phí xin thị thực Đức; hỗ trợ hòa nhập môi trường làm việc và hỗ trợ thêm các vấn đề hội nhập khác (tìm nơi ở, mở tài khoản ngân hàng hoặc các thủ tục hành chính công...). Bên cạnh đó, được bố trí việc làm theo trình độ tay nghề được xác định khi phỏng vấn tuyển dụng, nhận mức lương và lợi ích xã hội như người Đức tại cùng một vị trí làm việc.
Tuy nhiên, người lao động phải tuân thủ những quy định của pháp luật Việt Nam, trong thời gian sinh sống và làm việc tại Đức phải chấp hành những quy định pháp luật của nước này.
Người lao động cũng phải chi trả sinh hoạt phí trong quá trình học tiếng Đức tại Việt Nam và trong thời gian tập trung học giáo dục định hướng do Trung tâm Lao động ngoài nước tổ chức.
Họ cũng phải tự chi trả vé máy bay sang Đức và bảo hiểm du lịch. Trường hợp công ty tiếp nhận Đức hỗ trợ chi trả tiền vé máy bay và chi phí bảo hiểm du lịch thì ứng viên không phải chi trả khoản tiền này. Ngoài ra, tự chi trả tiền khám sức khỏe khi bắt đầu nhập học khóa đào tạo tiếng Đức và trước khi xuất cảnh; chi trả các chi phí liên quan tới chính sách phòng chống dịch bệnh Covid-19 và chi phí kiểm tra sức khỏe theo quy định nhập cảnh của Đức, nếu có.
Theo vneconomy