Ảnh minh họa
Châu Á - Thái Bình Dương là điểm đến lớn nhất của dòng kiều hối trên toàn thế giới, với 256 tỉ USD, chiếm khoảng 53% lượng kiều hối của thế giới.
Theo báo cáo RemitSCOPE - Thị trường chuyển tiền và cơ hội - Châu Á và Thái Bình Dương của IFAD, ba quốc gia dẫn đầu danh sách nhận kiều hối lớn nhất là Ấn Độ (68,968 tỉ USD), Trung Quốc (63,860 tỉ USD) và Philippines (32,808 tỉ USD).
Năm ngoái, Việt Nam nhận được số tiền chuyển khoản trị giá 13,781 tỉ USD từ nước ngoài, đứng ở vị trí thứ năm trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, sau Pakistan với 19,665 tỉ USD và thứ hai Đông Nam Á sau Philippines.
Khoảng 70% kiều hối được chuyển từ các nước vùng Vịnh (32%), Bắc Mỹ (26%) và châu Âu (12%), giúp khoảng 320 triệu thành viên gia đình trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, báo cáo của IFAD cho biết thêm.
Lượng ngoại tệ đổ về Việt Nam trong năm 2017
Kiều hối đóng góp trung bình 60% thu nhập của một hộ gia đình nhận chuyển khoản. Khoảng 70% kiều hối được chi cho các nhu cầu cơ bản như ăn, mặc, y tế và giáo dục cho các gia đình phân bố chủ yếu ở khu vực nông thôn. 30% còn lại thường được tiết kiệm hoặc đầu tư, IFAD cho biết.
Cơ quan của Liên Hiệp Quốc tiếp tục kêu gọi có các biện pháp giúp người lao động giảm chi phí chuyển tiền về quê nhà và từ thành thị về tới nhà ở nông thôn.
Cụ thể, theo IFAD, 80 triệu lao động nhập cư gửi tiền về nhà từ 8-10 lần mỗi năm. Tuy nhiên, phí dịch vụ chuyển tiền có khả năng khiến người nhận chuyển khoản mất đi một phần tiền đáng kể.
Năm ngoái, những lao động nhập cư thường trả 6,86% phí sử dụng dịch vụ chuyển tiền mặt – phương thức phổ biến nhất cho phép tiền được gửi ra nước ngoài thường xuyên mà không cần tài khoản ngân hàng cá nhân.
Theo Tuổi trẻ