Hàng trăm giáo viên lên UBND huyện Krông Pắk (Đắk Lắk) để cầu cứu

Ngay sau khi các đoạn clip và các thông tin về hàng trăm giáo viên bức xúc trước nguy cơ mất việc đăng tải trên báo chí và mạng xã hội, sáng 10/3, Chủ tịch Công đoàn giáo dục Việt Nam, TS Vũ Minh Đức cho biết đã ký công văn gửi Liên đoàn Lao động tỉnh Đắk Lắk, Sở GD&ĐT tỉnh Đắk Lắk, Công đoàn Giáo dục tỉnh Đắk Lắk đề nghị giải quyết vụ việc chấm dứt hợp đồng lao động hàng loạt giáo viên tại huyện Krông Pắk, tỉnh Đắc Lắk. 

Trước đó, chiều 9/3, UBND huyện Krông Pắk (Đắk Lắk) tổ chức buổi họp với hơn 500 giáo viên tuyển dụng dôi dư, thông báo tinh thần chỉ đạo của Thanh tra Chính phủ và chỉ đạo của UBND tỉnh. Buổi họp tổ chức tại nhà văn hóa huyện dưới sự chủ trì của bà Ngô Thị Minh Trinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk. Đại diện lãnh đạo UBND huyện thông báo, sắp tới sẽ tổ chức thi tuyển viên chức giáo viên với chỉ tiêu khoảng 80 người. Như vậy, khoảng 500 giáo viên đã ký hợp đồng ngắn hạn sẽ bị "chấm dứt hợp đồng" trong thời gian tới.

Sau khi lãnh đạo huyện thông báo chủ trương, cả trăm giáo viên đã kéo lên trụ sở UBND huyện xin gặp lãnh đạo kêu cứu. Tuy nhiên, họ đã phải thất vọng ra về vì không gặp được người đứng đầu UBND huyện.

Một cô giáo bức xúc phản ánh thông tin trước báo chí 


Vụ việc này xảy ra làm ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, việc làm và tâm huyết của hơn 500 thầy giáo, cô giáo cùng với gia đình của họ.

Được biết, từ năm 2011 đến tháng 11-2015, UBND huyện Krông Pắk đã ký hợp đồng với 588 giáo viên và 80 nhân viên trường học. Để giải quyết tình trạng “dư thừa” này, trước đó UBND huyện Krông Pắk từng có đề án trình lên cấp trên, xin không tuyển mới giáo viên, bổ nhiệm lãnh đạo trường học nữa. Luân chuyển từ trường thừa sang trường thiếu… Tuy nhiên cách làm trên liệu có đúng nguyên tắc và đến nay vẫn chưa giải quyết được, sự việc đẩy lên đỉnh điểm là hàng trăm giáo viên đồng thanh “cầu cứu”.

Về phía huyện thì khó khăn lớn nhất là nguồn kinh phí trả lương cho các trường đang dôi dư giáo viên. Điều này khiến cho các trường rất khó khăn trong việc cân đối nguồn tài chính, cũng như cách thức để bố trí giờ dạy cho giáo viên.

Với con số hơn 600 giáo viên hợp đồng tuyển thừa thì có khoảng 200 giáo viên không đủ điều kiện thi, gần 400 giáo viên còn lại thì chỉ có 83 chỉ tiêu biên chế trong năm nay nên 500 giáo viên phải chấm dứt hợp đông. Cách nào để giải quyết “hậu quả” trên vẫn là bài toán chưa có lời giải.

Theo Phunuvietnam.vn