Ra nước ngoài làm việc, ngoài có việc làm, thu nhập cao thì việc "mở mang tầm mắt" cũng là yếu tố giúp nhiều người lao động (NLĐ) đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) tìm thấy nhiều cơ hội tốt hơn. Điều đó lý giải cho việc nhiều NLĐ có xu hướng tìm sang nước thứ ba để tiếp tục sự nghiệp.
Sức hút từ Úc
Vũ Đức Nguyên (28 tuổi, quê Đắk Lắk) đang làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS. Sau hơn 5 năm, Nguyên tiết kiệm được một khoản tiền kha khá gửi bố mẹ ở quê nhà giữ hộ. Còn vài tháng nữa là về nước, Nguyên đứng trước nhiều sự lựa chọn.
Nguyên cho biết nhóm bạn của anh ở Hàn Quốc đa số tìm hiểu con đường sang nước thứ ba để kiếm cơ hội việc làm. Úc là nước được nhiều người lựa chọn bởi quốc gia này đang thiếu nhân lực nhiều ngành nghề. Song Úc chưa chính thức thực hiện chương trình XKLĐ nào với Việt Nam, nên theo con đường sang học nghề là khả thi.
"Bạn tôi đã sang Úc theo diện visa 500. Đây là hình thức đi học nghề khoảng 2 - 3 năm tùy ngành học nhưng được làm thêm. Sau đó có thể chuyển đổi visa để làm việc lâu dài tại Úc. Tôi cũng đang xúc tiến hồ sơ để đi theo hướng này sau khi kết thúc hợp đồng vào tháng 11 tới" - Nguyên nói.
Cũng đang đi XKLĐ, Đinh Trung Hiếu (28 tuổi, quê Bến Tre) báo tin đã hoàn thiện hồ sơ để sang Úc làm việc. Anh cho hay thông qua một đơn vị dịch vụ, tháng 3 vừa qua đã gửi hồ sơ cho một chủ doanh nghiệp (DN) tại Úc và được chấp thuận bảo lãnh sang làm việc trong lĩnh vực xây dựng. Anh Hiếu có 5 năm làm thợ ốp lát gạch tại Nhật Bản và đã có bằng cao đẳng nghề nên được DN Úc bảo lãnh theo diện visa 482 trung hạn. Nếu mọi việc suôn sẻ, tháng 8 tới anh sẽ sang Úc làm việc trong 4 năm với mức lương khoảng 1,1 tỉ đồng/năm.
Trong khi đó, đôi bạn Đỗ Quang Hà (30 tuổi, quê Ninh Bình) và Nguyễn Ngọc Linh Trang (27 tuổi, quê Cà Mau) hiện làm việc tại Đức cũng hoàn thiện hồ sơ để chuyển đến Úc làm việc. Hà và Trang đều đến Đức học nghề điều dưỡng, ra trường đi làm được 3 năm. Tuy công việc và cuộc sống ở Đức rất ổn định nhưng cả hai đều muốn đến Úc. "Chuyên môn của chúng tôi được đào tạo ở Đức nên Úc rất chào đón và đãi ngộ cũng khá cao, thủ tục cũng thuận lợi. Chúng tôi sẽ về Việt Nam một tuần và bay đến Úc nhận việc vào cuối tháng 6 tới" - Hà báo tin.
Cần cẩn trọng
Dù có nhiều lý do khác nhau nhưng đa số NLĐ mong muốn sang nước thứ ba làm việc đều cho rằng đó là cách để khai thác những lợi thế bản thân đang có. Với những người có tay nghề, được đào tạo và rèn luyện ở nước ngoài, việc trở về nước không dễ tìm được công việc với mức thu nhập đang có. Vì vậy, việc họ tìm đến những thị trường lao động chất lượng hơn là điều dễ hiểu.
Ông Lê Thanh Hải, Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư Định cư UCA Immigration (TP HCM), nhận định xu hướng dịch chuyển của lao động đi XKLĐ những thị trường trọng điểm đến các thị trường có thu nhập cao đang diễn ra mạnh mẽ. Một khi NLĐ đã ra nước ngoài làm việc thì bản lĩnh, tầm nhìn của họ sẽ dài hơi hơn. Đặc biệt, với những lao động có tay nghề, năng lực và trình độ ngoại ngữ tốt, họ sẽ muốn đi nhiều nơi hơn để có trải nghiệm nghề nghiệp.
Những nước như Úc, Canada hay châu Âu đều là những điểm đến ai cũng mong muốn chứ không riêng gì người đi XKLĐ. Vì vậy, nắm bắt cơ hội và có điều kiện, NLĐ sẽ lên kế hoạch đi nhằm phát triển sự nghiệp. Đây cũng là cách để NLĐ Việt Nam rèn luyện, dần trở thành nguồn lao động chất lượng cao cho đất nước một khi họ quay về.
Chị Hồ Thị X.T, quản trị viên một nhóm cộng đồng người Việt ở tỉnh G. (Hàn Quốc) có hơn 13.000 thành viên, cho rằng phải cẩn trọng khi sử dụng dịch vụ để đến nước thứ ba. Theo chị T., gần đây có nhiều thông tin chia sẻ của nhiều lao động Việt Nam tại Hàn Quốc về cơ hội sang Úc, Canada, Mỹ, châu Âu... Nhiều bài viết nhận được các thành viên trong nhóm quan tâm, chia sẻ rất nhiều nhưng cũng có thông tin tiêu cực và có dấu hiệu lừa đảo. Không ít người dùng tài khoản ảo vào bình luận nhận làm hồ sơ và thu tiền phí.
"Sợ bị ảnh hưởng đến hoạt động của nhóm và ngăn ngừa lừa đảo nên chúng tôi liên tục cảnh báo đến các thành viên. Thực tế có nhiều người bị lừa với số tiền không nhỏ nhưng việc đòi lại rất khó khăn. Vì vậy, mọi người tìm hiểu thật kỹ, nhờ người thân ở Việt Nam kiểm tra kỹ đơn vị dịch vụ rồi mới chọn, kẻo tiền mất tật mang" - chị T. nhấn mạnh.
Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) khuyến cáo NLĐ có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài cần tìm hiểu kỹ các thông tin liên quan, chỉ liên hệ với DN được cấp giấy phép hoạt động dịch vụ đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo số điện thoại, website chính thức được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử www.dolab.gov.vn.
|
Theo nld