Xuất khẩu lao động: Về đích sớm
Mục tiêu XKLĐ năm 2022 cán đích sớm

Mở cửa nhiều thị trường chất lượng

Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐTB&XH cho biết, trong 11 tháng đầu năm 2022, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 122.004 người, đạt 135,56% kế hoạch năm. Trong số này, có 44.572 lao động nữ, chiếm tỷ lệ khoảng 36,5%.

Con số này ghi nhận sự bứt phá trong lĩnh vực đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng sau những khó khăn của hai năm vừa qua do những tác động nặng nề của đại dịch Covid-19.

Nhật Bản vẫn là thị trường tiếp nhận lao động thu hút nhiều lao động nước ta nhất, với 60.105 lao động (27.359 lao động nữ). Tiếp đó là các thị trường Đài Loan (Trung Quốc) với 53.883 lao động (16.257 lao động nữ), Hàn Quốc: 1.732 lao động (43 lao động nữ), Singapore: 1.663 lao động.

Trước đó, mục tiêu đặt ra với lĩnh vực đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng của năm 2022 là 90 nghìn lao động.

Thực tế ngay từ tháng 3 năm 2022, thị trường lao động của nhiều nước đã mở cửa trở lại cho lao động nước ngoài, trong đó có lao động Việt Nam. Điển hình như từ tháng 8/2021 đến tháng 8/2022, Bộ Nhân lực Singapore thực hiện thí điểm tiếp nhận lao động Việt Nam làm việc trong các ngành xây dựng, hàng hải và chế biến tại quốc gia này dưới hình thức visa Work Permit (giấy phép lao động). Trước đây, Singapore chỉ cấp visa cho lao động Việt Nam làm việc tại nước này dưới hình thức visa Employment Pass và S Pass.

Cũng trong tháng 3 năm 2022, Bộ LĐTB&XH Việt Nam và Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia đã ký Bản ghi nhớ giữa Chính phủ Australia và Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về hỗ trợ công dân Việt Nam tham gia Chương trình lao động nông nghiệp Australia.

Dự kiến, Chương trình sẽ tiếp nhận khoảng 1.000 lao động nước ta sang làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp ở Australia mỗi năm. Tới nay, đây là Bản ghi nhớ đầu tiên mà nước bạn ký với các nước đưa lao động đi làm việc tại Australia theo chương trình thị thực nông nghiệp này.

NLĐ đảm bảo quyền khi đi làm việc ở nước ngoài

Theo Quyết định 40/2021/QĐ-TTg có hiệu lực từ ngày 21/2/2022, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng sẽ tham gia Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước. Quỹ do Bộ LĐTB&XH quản lý theo quy định của pháp luật. Theo đó, khi đi làm việc ở nước ngoài, NLĐ đi làm việc ở nước ngoài đóng góp Quỹ mức 100.000 đồng/người/hợp đồng. Người lao động đóng góp trực tiếp vào Quỹ bằng hình thức nộp tiền mặt hoặc chuyển khoản vào Quỹ chậm nhất 03 ngày trước thời điểm xuất cảnh hoặc chậm nhất 05 ngày làm việc kể từ khi nhận được thông báo chấp thuận đăng ký hợp đồng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với trường hợp giao kết hợp đồng lao động sau khi xuất cảnh.

Với mức đóng góp này NLĐ sẽ được  hưởng và đảm bảo đầy đủ các quyền lợi khi đi làm việc ở nước ngoài. Cụ thể hỗ trợ người lao động phải về nước trước thời hạn do bị tai nạn lao động, tai nạn rủi ro, ốm đau, bệnh tật đến mức không còn khả năng tiếp tục làm việc ở nước ngoài: 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng/trường hợp;

- Hỗ trợ người lao động phải về nước trước hạn vì người sử dụng lao động ở nước ngoài bị giải thể, phá sản hoặc thu hẹp sản xuất do thiên tai, dịch bệnh, bất ổn chính trị, chiến tranh, suy thoái kinh tế hoặc vì lý do bất khả kháng khác: từ 7.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng/trường hợp;

- Hỗ trợ người lao động phải về nước trước thời hạn do đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động khi bị người sử dụng lao động ngược đãi, cưỡng bức lao động hoặc có nguy cơ rõ ràng đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe hoặc bị quấy rối tình dục trong thời gian làm việc ở nước ngoài: từ 7.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng/trường hợp;

- Hỗ trợ giải quyết tranh chấp phát sinh liên quan đến người lao động trong hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng: Mức hỗ trợ bằng 50% chi phí thuê luật sư, tư vấn pháp lý, án phí nhưng tối đa 50.000.000 đồng/vụ việc; trường hợp vụ việc liên quan đến nhiều người lao động, mức hỗ trợ tối đa 100.000.000 đồng/vụ việc. Bên cạnh đó, hỗ trợ thuê chỗ ở tạm thời cho người lao động theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền trong thời gian giải quyết tranh chấp hợp đồng lao động với người sử dụng lao động mà người lao động không được bố trí chỗ ở…

- Hỗ trợ thân nhân của người lao động bị chết, mất tích trong thời gian làm việc ở nước ngoài: 40.000.000 đồng/trường hợp;

- Hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề cho người lao động: Người lao động phải về nước trước hạn quy định tại Điều 10, Điều 11, Điều 12 Quyết định số 40/2021/QĐ-TTg có nhu cầu được đào tạo chuyển đổi nghề, được hỗ trợ chi phí đào tạo nâng cao trình độ kỹ năng nghề để tham gia thị trường lao động, ổn định cuộc sống với mức hỗ trợ 1.000.000 đồng/tháng, tối đa 06 tháng/người/khóa học.

Theo daidoanket