Rể Tây vượt qua thử thách của bố vợ Việt
Cách đây ba mươi năm, chị Phạm Hồng Anh và anh Yosi Torgeman có duyên gặp gỡ khi anh Yosi đại diện cho một công ty Israel tới Việt Nam để liên doanh với một công ty đá quý sở tại. Từ đồng nghiệp, hai anh chị dần trở thành những người bạn thân thiết. Bốn năm sau anh chị nên duyên chồng vợ và có với nhau bé gái đầu tiên.
"Ngày đó, sợ con gái kết hôn với "Tây" là "mất con”, bố tôi đặt ra rất nhiều thử thách với anh Yosi Torgeman. Ông yêu cầu anh Yosi về Israel xin giấy xác nhận không phạm tội và còn độc thân. Chỉ sau 10 ngày anh đã trình được những giấy tờ này đến bố vợ tương lai. Cuối cùng, khi không còn kéo dài thời gian được nữa, ông lại viện cớ đám cưới có rể “Tây”, sẽ khó mời bạn bè, đồng nghiệp tới đông đủ. Thế nhưng khi đám cưới diễn ra, bạn bè đều có mặt đông đủ để chúc mừng gia đình ông", chị Hồng Anh nhớ lại.
|
Vợ chồng chị Phạm Hồng Anh và anh Yosi Torgeman (Ảnh: NVCC) |
Cô dâu Việt thích nghi với cuộc sống quê chồng
Cuối năm 1997, gia đình nhỏ ba người sang Israel để giải quyết công việc của anh Yosi. Ban đầu, hai anh chị dự định nán lại ở Israel lâu nhất là 6 tháng, nhưng rồi lần lữa kéo dài thành 4 năm. Công việc phát triển thuận lợi, hai anh chị lần lượt có thêm hai người con và cuối cùng quyết định định cư lâu dài ở Israel, quê hương anh Yosi.
Ở xứ người, chị Hồng Anh phải một mình chăm con cái khi anh Yosi đi làm. Sống tình cảm và hướng nội, chị ít khi bộc bạch với gia đình chồng về nỗi nhớ nhà cùng những khó khăn khi làm vợ, làm mẹ, làm dâu. “Tôi đã gặp gia đình chồng trước đám cưới và nhanh chóng hòa đồng với họ. Nhưng sang Israel, phong tục, văn hóa mỗi nơi một khác, người Israel vốn thẳng thắn, họ chỉ hiểu được khi tôi mở lòng chia sẻ. Trong khi tôi vốn là con út trong nhà, đã quen cảnh được bố mẹ chiều chuộng. Ngôn ngữ chưa thông thạo, tính tôi lại không muốn làm phiền nhờ vả ai, vì thế càng khó khăn. Phải mất vài năm sau tôi mới dần quen được với nếp sống của người Israel", chị Hồng Anh nhớ lại.
|
Đại gia đình chị Hồng Anh khi về Việt Nam du lịch (Ảnh: NVCC) |
Hòa chung nhịp đập Việt Nam tại Israel
Bên cạnh những khác biệt, chị Hồng Anh cho biết người Việt và người Israel cũng có nhiều điểm chung, nhất là trân trọng gia đình. Người Israel cũng thân thiện như người Việt. Đó cũng là những cơ sở vững chắc để anh chị cảm mến nhau buổi ban đầu và quyết định gắn bó với nhau.
Mỗi năm, chị Hồng Anh lại về Việt Nam hai, ba lần thăm người thân. Các chuyến thăm vào mùa hè chị đều có các con đi cùng. Chị luôn lo lắng sau này các con lớn lên, cuộc sống bận rộn hơn sẽ có ít có điều kiện trở về, và lại càng ít có cơ hội nói tiếng Việt. Tuy thế, nhắc đến cách nuôi con trong một gia đình đa văn hóa, chị nói rằng điều quan trọng là cả hai phải thống nhất dạy con trở thành người thật thà, lễ phép, bởi đó là nét giống nhau của hai dân tộc. Để cả gia đình hòa chung nhịp đập Việt Nam tại Israel cũng là cách anh chị dạy con và nuôi dưỡng tình yêu quê hương.
Ở Israel, số lượng người Việt chưa nhiều. Số gia đình Việt Nam - Israel lại càng ít ỏi. Chuyện tình đẹp của chị Phạm Hồng Anh và anh Yosi Torgeman đã góp thêm một nhịp cầu gắn kết hai đất nước văn xa xôi cách trở. Gia đình chị tham gia mọi hoạt động của cộng đồng, của Đại sứ quán Việt Nam tại Israel như ngày Tết, lễ Độc lập”. Tết Quý Mão 2023, cộng đồng Việt Nam tại Israel vừa có một dịp ăn mừng lớn nhất từ trước tới nay. Họ gặp gỡ, chia sẻ với nhau và hướng đến sự phát triển mạnh mẽ của cộng đồng người Việt trong thời gian ngắn sắp tới.
Giờ đây, hai vợ chồng chị cùng làm tại một công ty xây dựng gần Be’er Sheva, miền Nam Israel. Chị đã có thêm cái tên Hadas, bên cạnh cái tên Việt. “Đã 30 năm bên nhau, bí quyết để gia đình tôi hạnh phúc chính là vợ chồng tôn trọng lẫn nhau. Nhân ngày lễ Valentine, tôi muốn gửi đến chồng và gia đình mong muốn hạnh phúc sẽ mãi bền lâu hàng chục năm nữa” - chị Hồng Anh chia sẻ.
Theo thoidai