Những đoạn clip về cuộc sống hôn nhân của vợ Việt chồng Hàn đang sinh sống tại Hà Nội thu hút hàng trăm ngàn đến cả triệu view trên mạng xã hội.
Câu chuyện về cách hai vợ chồng tiếp nhận những nét khác biệt, mối quan hệ mẹ chồng – nàng dâu nhận nhiều lời chúc mừng của dân mạng.
Nên duyên từ điều nhầm lẫn bất ngờ
Cuối năm 2015, anh Sa Hong-gu (32 tuổi, người Hàn Quốc) sang Việt Nam làm việc theo phân công của công ty. Không có bạn bè, buồn và lạc lõng, sau giờ làm, anh Sa thường đến quán cà phê một mình.
Khoảng 1 tháng sau, anh tình cờ gặp chị Hà Tiểu Doan (cùng 32 tuổi, quê Hải Dương) ngồi trong quán cà phê. Ấn tượng với cô gái cao có làn da trắng, cách ăn mặc giống người Hàn, tưởng gặp đồng hương, anh tới làm quen và bất ngờ khi biết cô là người Việt Nam.
Chị Doan nhớ lại: "Anh xin ngồi cùng bàn nên bọn mình quen nhau. Lúc đó, anh mặc 1 bộ vest khá lịch lãm, nhẹ nhàng và tinh tế. Mình nhớ anh đã gọi 1 món bánh ngọt cho mình và nói nói ăn bánh này khá hợp với ly nước mà mình đã gọi. Giữ liên lạc, trò chuyện khoảng 3 tháng bọn mình chính thức yêu nhau".
Anh Sa không thể ngờ chuyến công tác đến một đất nước xa lạ lại chính là định mệnh giúp anh gặp được người bạn đời. Cả hai tâm đầu ý hợp, giao tiếp bằng tiếng Anh nhưng chưa bao giờ bất đồng ngôn ngữ.
Chị Doan hạnh phúc vì cả 2 đã dung hòa văn hóa, chia sẻ, tiếp thu để hiểu và đồng hành cùng nhau trong cuộc sống
"Chồng mình sống ở Canada từ năm 10 tuổi, còn mình học Khoa quốc tế, ĐH Quốc gia Hà Nội nên vốn tiếng Anh cả 2 vợ chồng khá tốt. Một phần mình nghĩ có thể do vợ chồng mình hợp và hiểu nhau nên đôi khi chưa nói hết câu thì đối phương cũng hiểu mình nói gì rồi. Không biết các cặp Việt Hàn khác thì sao nhưng vợ chồng mình thì tâm sự với nhau rất nhiều, từ chuyện công việc tới chuyện gia đình, con cái, bạn bè", chị chia sẻ.
Sau 2 năm hẹn hò, cặp đôi quyết định kết hôn. Gia đình đàng trai ủng hộ nhưng bố mẹ chị Doan không đồng ý vì lo lắng nếu con gái lấy chồng xa. Không nản lòng, chàng trai Hàn đã thường đi lại giữa Hà Nội - Hải Dương khá nhiều lần để có cơ hội gần gũi cũng như thuyết phục bố mẹ bạn gái bằng những điều nhỏ nhặt như: rửa sân, thay bóng điện, phụ phơi quần áo,...
"Đổ mồ hôi" cùng sự chân thành của anh cuối cùng cũng được bố mẹ Việt đồng ý gả con gái. Cả hai sang Hàn Quốc ra mắt gia đình bạn trai, cô gái quê Hải Dương càng thêm bất ngờ vì mẹ chồng tâm lý, yêu thương con dâu như con gái ruột. Đám cưới hạnh phúc được tổ chức tại cả Việt Nam và Hàn Quốc.
Nguyên tắc giữ hôn nhân hạnh phúc
Trước đó, chị Doan chỉ biết đến Hàn Quốc qua phim ảnh rồi tưởng tượng ra đó là nơi đàn ông có tính gia trưởng, mẹ chồng khó tính và cũng chưa bao giờ nghĩ đến việc lấy chồng Hàn.
"Nhưng người tính không bằng trời tính. Mình đã kết hôn với 1 người Hàn Quốc, mẹ chồng hết mực yêu thương, tâm lý và hiện đại. Khi mình giao tiếp với mẹ thì chồng sẽ là người phiên dịch hoặc qua các công cụ dịch khi cần thiết. Mẹ cũng biết một chút tiếng Anh, mình biết một chút tiếng Hàn. Mẹ thường gửi đồ từ Hàn sang Việt Nam cho mình. Đến khi về Hàn, mẹ hay đưa mình đi sắm đồ, gặp bạn bè, đi spa", nàng dâu Việt tâm sự.
Hai vợ chồng chị Doan giao tiếp chủ yếu bằng tiếng Anh. Chị đang học thêm tiếng Hàn, còn chồng học thêm tiếng Việt.
Hiện anh Sa đang ổn định công việc tại Hà Nội. Hằng ngày, chị Doan làm nội dung, xây dựng kênh TikTok "Gia đình Hanna" để chia sẻ khoảnh khắc về cuộc sống gia đình Việt – Hàn. Ngoài tiếng Anh, chị Doan đang học thêm tiếng Hàn, anh Sa cũng học tiếng Việt để giao tiếp hằng ngày; và cô con gái thì nói cùng lúc cả tiếng Anh, tiếng Việt, tiếng Hàn.
2 năm đầu hôn nhân, cặp đôi tranh luận và bất đồng khá nhiều quan điểm, nhưng cả hai đều hiểu rằng đây là điều đương nhiên với 2 con người ở 2 đất nước khác nhau.
Chàng rể Hàn kể: "Chúng tôi có nguyên tắc là luôn nói chuyện với nhau khi cãi vã, có nghĩa là không im lặng mà phải ngồi nói chuyện với nhau cho tới khi mọi việc được giải quyết. Khi cãi nhau, không nhắc lại chuyện cũ và tôn trọng đối phương bằng cách không nói thứ tiếng mà đối phương không hiểu, không chửi bậy, không được động tới bố mẹ 2 bên. Vì thế mà dù trải qua nhiều cãi vã trong những năm đầu hôn nhân thì chúng tôi vẫn yêu thương và rất tôn trọng đối phương".
Để giúp chồng hiểu thêm về văn hóa dân tộc, nàng dâu Việt hay sắp xếp đưa gia đình chồng đi tới những địa điểm nổi tiếng của Việt Nam, ăn những món đặc sản. Những câu chuyện về truyền thống đón giao thừa, mâm cơm tất niên, cúng ông Táo về trời, chúc tết đầu năm đều khiến mọi người ngạc nhiên, thích thú.
Sau gần 7 năm chung sống, chị Doan đã biết nấu một số món Hàn. Vì vậy, mỗi tuần chị sẽ nấu món Hàn 2 – 3 bữa, còn lại cả gia đình ăn món Việt. Một số gia vị hay rau củ chồng không thể ăn thì chị cũng loại ra khỏi thực đơn chung của gia đình.
Anh Sa nhận xét, món ăn Việt Nam phong phú cũng có một số món giống món Hàn nhưng anh thích nhất món chả nem của vợ làm. "Tôi có thể phân biệt được vị của món chả nem vợ làm hay mua ngoài hàng hoặc người khác làm", anh dí dỏm nói.
Theo Thanh niên