Sự chăm chỉ của người phụ nữ Việt
Chị Thúy quê ở TP.Long Khánh, Đồng Nai. Học lễ tân và quản trị khách sạn nhưng nhờ chuyển sang làm trong một công ty của Nhật, chị có duyên gặp và kết hôn cùng anh Murakami Kazuyuki, năm nay 49 tuổi ở tỉnh Miyagi, Nhật Bản. Lúc bấy giờ, cô gái Việt chỉ biết anh làm về nông nghiệp, không nghĩ gia đình có 1 nông trại rộng hơn 50 hecta.
Tháng 7.2017, chị Thúy kết hôn, chính thức định cư ở Nhật tháng 12 cùng năm. Ban đầu, chị định sẽ tiếp tục theo đuổi nghề nail ở Nhật. Nhưng thời điểm nàng dâu Việt mới sang, công ty của gia đình chồng có 2 nhân sự nghỉ việc. Mùa đông đầu tiên ở đất nước mặt trời mọc, thời tiết lạnh dưới 0 độ. Rau củ quả trong nhà kính đã vào vụ Tết nhưng không có người làm. Mẹ chồng chị, bà Murakami Atsuko (72 tuổi) vẫn cố gắng ra vườn thu hoạch và đóng gói rau.
"Không thể ngồi yên nên tôi ra phụ giúp mẹ", chị Thúy nói.
Khác với mẹ, chị Thúy không bó theo cách truyền thống bà vẫn làm mà học 1 cách gói khác đẹp, bắt mắt hơn. Sau đó, chị đảm nhận việc giao rau đến các siêu thị gần nhà. Gặp ai người phụ nữ cũng cúi đầu chào niềm nở để làm quen. Nhờ vậy mà những người quản lý đã ưu ái dành cho chị 1 kệ đặt rau hút khách nhất trong siêu thị.
"Chỉ 1 thời gian ngắn, rau bán đắt, cả chồng tôi cũng phụ gói rau đến tận khuya. Trong cái lạnh tôi vẫn thấy rất vui vì đã giúp được gia đình", chị Thúy nhớ lại cơ duyên mình bén duyên với nghề nông.
Từ một người không biết gì về trồng trọt, nay chị Thúy đã có thể nắm chắc toàn bộ quy trình trồng lúa nước. Khác với Việt Nam, mỗi năm ở Nhật chỉ trồng được 1 vụ lúa.
Hiện tại, lứa mạ non vừa lên mơn mởn, hy vọng cho 1 mùa bội thu vào tháng 9 sắp tới. Chị Thúy cũng đang trồng thêm đậu nành, bắp. Mùa đông thì trồng các loại rau trong nhà kính.
"Thời tiết hiện tại đang nóng, cho nước nhiều vào ruộng sẽ không tốt. Giai đoạn cây lúa đang chẻ nhánh, mực nước trong ruộng không được quá đọt lúa, chỉ xấp xỉ thôi", chị Thúy bật mí một vài kinh nghiệm.
Bằng sự chăm chỉ của mình, chị đã giúp chồng gầy dựng lại công ty đang trên bờ vực phá sản.
"Cám ơn vợ vì đã xuất hiện trong cuộc đời anh, nhờ vợ mà cuộc sống của anh thay đổi theo một hướng tích cực, vui vẻ hơn", chồng chị Thúy nói.
Mùa hè, chị Thúy thức dậy từ 4h sáng để trồng, chăm sóc,thu hoạch rau củ để rau được tươi ngon, ngọt và bảo quản lâu hơn. Buổi trưa chị làm việc nhà, điều hành công việc của nông trại công ty, bên cạnh vẫn tranh thủ quay những video ngắn đăng lên mạng xã hội, chia sẻ những quy trình làm nông hiện đại cho mọi người.
"Nhiều YouTuber làm video để hướng đến cuộc sống mà họ mong muốn. Riêng tôi, những công việc này tôi làm hằng ngày, hằng giờ, tại sao lại không chia sẻ để mọi người cùng biết", chị Thúy trăn trở.
Người Nhật cám ơn
Bà Tobinai Junke, đại diện Hiệp Hội Quốc tế hóa tỉnh Miyagi (MIA) cho biết, thời điểm tháng 12.2021, có 43,934 người Việt Nam sinh sống tại Nhật Bản. Trong số đó, có 4,313 người (2,259 là nữ) sinh sống tại tỉnh Miyagi. Ở Miyagi, rất ít phụ nữ nước ngoài làm nghề nông. Có một số người làm Youtuber liên quan đến du lịch nhưng theo bà, hầu như không có ai làm YouTuber liên quan đến nông nghiệp.
"Chị Thủy thuộc nhóm rất hiếm người giới thiệu hình ảnh nông nghiệp Nhật Bản vì thế chúng tôi đã phỏng vấn, chia sẻ câu chuyện của chị ấy lên trang thông tin của Hiệp hội. Chúng tôi cũng giới thiệu chị ấy cho tờ báo địa phương Kahoku Shinpo để viết bài về Thúy", bà Tobinai cho biết.
Những video do một tay chị Thúy thực hiện, từ quay đến dựng hình. Chỉ những cảnh bay flycam chị mới nhờ chồng hoặc nhân viên hỗ trợ.
Ban đầu, chị Thúy định về Việt Nam để theo học các khóa đào tạo làm video để tiết kiệm chi phí. Song, vì bận con nhỏ nên chị không thể về, thay vào đó chị tự học trên mạng.
Với sự ủng hộ của chồng, chị Thúy đã có thể tự làm được những sản phẩm video giới thiệu nông trại của gia đình và nông nghiệp Nhật Bản chất lượng. Tuy nhiên, chị Thúy lại luôn cân nhắc trước khi mua sắm thứ gì đó phục vụ công việc quay video của mình.
"Tôi bán từng mớ rau, cọng hành nên rất trân quý đồng tiền dù là nhỏ nhất", chị nói
Làm những video trên YouTube thường mất nhiều thời gian, nhiều hôm chị Thúy phải thức khuya để cố làm cho xong việc. Cậu con trai Yamato, 4 tuổi thường hỏi: "Mẹ ơi, xong việc chưa, đi ngủ với Yamato?".
Sau nhiều lần như thế, chị Thúy nghĩ, con sẽ không còn nhỏ hoài để mình có thể ở bên, cớ sao lại bỏ con làm việc. Từ đó, chị chuyển hướng quay những video ngắn hơn đăng lên Facebook cũng thu hút hàng nghìn lượt xem.
Bà Tobinai Junko, đại diện MIA nhận định, việc chị Thúy giới thiệu nông nghiệp Nhật Bản qua YouTube là điều "rất tuyệt vời".
"Hình ảnh chị ấy mỗi ngày dù bận rộn việc nhà, chăm con, làm nông, gia công và bán thịt… nhưng vẫn luôn nỗ lực lạc quan hướng về tương lai làm chúng tôi chỉ biết cảm động. Chị ấy đã lan tỏa điều tốt đẹp của Nhật Bản và chúng tôi thật cảm ơn chị ấy về điều này", bà Tobinai Junko chia sẻ.
Tuy công việc ở nông trại đang phát triển, nhưng chồng chị Thúy vẫn "lo xa" rằng một ngày mình không thể kham nổi những công việc vốn đòi hỏi nhiều sức khỏe này. Vì thế, anh mở thêm 1 công ty chuyên cung cấp thịt bò để tăng thu nhập cho gia đình, mua nhiều bảo hiểm cho hai mẹ con chị Thúy để "phòng thân".
Chị Thúy tâm sự: "Nếu không có một người chồng tâm lý, luôn ủng hộ những việc làm của vợ như anh thì một người như tôi không bao giờ trụ lại với nghề nông ở đất nước này. Cám ơn chồng và đất nước Nhật đã tạo nên tôi ngày hôm nay".
Buổi chiều, sau khi nhân viên đã ra về. Chồng chị lái xe hơi chở hai mẹ con chị đi thăm ruộng. Gia đình 3 người bên nhau cùng làm việc, vun vén cho công sức lao động của mình là điều khiến chị Thúy thấy hạnh phúc.
"Đến một độ tuổi nào đó, bạn sẽ cảm thấy hạnh phúc là những điều dễ cảm nhận thường ngày. Đôi khi, chỉ cùng làm chung với nhau 1 công việc, có người ở bên động viên là đã thành động lực to lớn để thực hiện những mục tiêu lớn hơn", chị Thúy chia sẻ.
Theo Thanh niên