Cả nhà chồng cùng phụ quán ăn 

Nước sôi, chị Nguyễn Thị Nhung (40 tuổi) dùng vá đảo nhẹ rồi cho mì vào trụng, chan nước lèo thơm lên tô mì trứng mềm, tạo nên hương vị khó quên. Món ăn này khiến quán chị đông nghịt khách vào mỗi buổi trưa.

Trong bếp, cha chồng chị đang cần mẫn rửa 2 chồng chén, đũa. Anh A Thìn - chồng chị - chào mời khách vào chỗ, xếp ghế, lau dọn bàn rồi tính tiền. Quán ăn do chị Nhung làm chủ đã mở được gần 10 năm, là nguồn thu nhập chính cho cả gia đình.

Trải qua nhiều gian nan, chị Huỳnh Thị Bích Uyên đã có một cuộc sống ổn định. Một trong những công việc của chị là bán các món ăn Việt
Trải qua nhiều gian nan, chị Huỳnh Thị Bích Uyên đã có một cuộc sống ổn định. Một trong những công việc của chị là bán các món ăn Việt
 

16 năm trước, chị Nhung lấy chồng Đài Loan. Sang quê chồng, chị phải tự học ngoại ngữ, làm quen đường sá, phong tục, tập quán. Ở nhà gần 1 năm, chị mới ngỏ lời với chồng cho nhập đồ gia công về làm. Ban đầu, số tiền chị kiếm được chỉ đủ mua thẻ điện thoại.

2 đứa con lần lượt chào đời. Ngày ngày, chồng chị đi làm, chị ở nhà chăm con. Khi con cứng cáp, chị nói với chồng ý nguyện đến công ty làm việc. Anh A Thìn gật đầu, sắp xếp mọi việc để vợ đi làm công ty. Vài năm sau, chị Nhung nảy ra ý định mở quán ăn. Ban đầu, quán chỉ bán vài món ăn Việt Nam, đặt được 4-5 bộ bàn ghế. Nhưng nhờ tài nêm nếm, cộng với sự khéo léo của người phụ nữ miền Tây Nam Bộ, khách đến quán ngày càng đông. Chị mở rộng quán, thuê thêm nhân viên nhưng vẫn phục vụ không kịp lượng khách đông đảo. 

Chồng chị thấy vậy, liền nói: “Hay là anh thôi việc công ty, ở nhà phụ em?”. Vậy là quán của chị Nhung có thêm sự hỗ trợ tích cực từ phía nhà chồng. Cha chồng chị (75 tuổi) đóng bàn ghế, thiết kế bếp, mua chảo cho con dâu; chồng chị chạy bàn. Chị Nhung nói: “Tôi nghĩ, tiền mình kiếm nhiều cũng được, ít cũng được, nhưng phải lao động để thấy bản thân có giá trị. Tôi may mắn được chồng đồng cảm, tạo điều kiện để phát triển. Anh chưa từng ngại khi chạy bàn, lặt rau giúp vợ. Cha chồng tôi cũng không ngại giúp con dâu khoản rửa chén”.

Chị Nhung đã chụp bức ảnh gia đình đông đủ thành viên, treo giữa quán, đánh dấu cột mốc đáng nhớ của cuộc đời. Họ hàng nhà chồng ghé thăm, thường nói với cha chồng chị: “Con dâu người Việt Nam giỏi thiệt đó”.

Chia tay chồng vũ phu, mở tiệm cây cảnh 

Sinh ra trong một gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn ở tỉnh Bạc Liêu, chị Huỳnh Thị Bích Uyên (44 tuổi) phải nghỉ học sớm, đến TPHCM mưu sinh, phục vụ tại một quán bánh cuốn ở quận 1. Năm 1999, chị được người quen giới thiệu lấy chồng Đài Loan. Sau 1 tuần “xem mắt”, chị Uyên chính thức về nhà chồng.

Chị Nguyễn Thị Nhung và cha chồng. Ông rất tự hào về người con dâu Việt
Chị Nguyễn Thị Nhung và cha chồng. Ông rất tự hào về người con dâu Việt

 

Những ngày đầu, nỗi nhớ nhà cộng với việc không thể giao tiếp với nhà chồng khiến chị cô đơn, tối nào cũng khóc. Chị tự nhủ, bằng mọi giá, phải học ngôn ngữ để giao tiếp được với người bản xứ. Bi kịch đến với Uyên khi chị dần nhận ra thói vũ phu, lười lao động của chồng. 

Khi sinh con xong, chị nhận hàng gia công để làm, chắt chiu tiền bạc để lo cho 3 người con, dành dụm gửi cho gia đình ở Việt Nam, số còn lại cất ở nhà. Có lần, chồng chị lén lấy đi số tiền ấy để tiêu xài. Mỗi khi xảy ra cãi vã, chồng chị giở thói vũ phu, đánh chị. Chị ly hôn, gần như trắng tay khi rời khỏi nhà chồng, phải gửi lại 2 con lớn cho ông bà nội chăm sóc, chỉ mang theo đứa con nhỏ 18 tháng tuổi.

Chị thuê trọ, rồi mở một hàng ăn nhỏ, bán món heo quay Việt Nam. Sau đó, chị được một người bạn giới thiệu bán cây cảnh, cây thuốc.

Những ngày đầu, chưa có kinh nghiệm, chị thường xuyên bị lừa. Các cây thuốc bị đội giá khiến chị lỗ vốn. Nhưng, chị không bỏ cuộc. Chị lặn lội đến những miền núi hẻo lánh, những nơi bỏ mối cây thuốc cách nơi ở hàng trăm cây số. Quần áo lúc nào cũng lấm lem đất cát. Sau nhiều năm theo nghề, nay chị Uyên đã là chủ một cơ sở chuyên cung cấp cây cảnh. 3 người con của chị đã lớn khôn, hiếu thảo với mẹ. 

Chị Uyên nói: “Con gái đầu của tôi đã lớn, nhưng vẫn còn bị sang chấn tâm lý do hồi nhỏ thường xuyên thấy cảnh bạo lực của cha. Con nhút nhát, ngại giao tiếp, luôn sợ người khác sẽ làm hại mình. Sau giờ học, con chỉ quanh quẩn trong nhà. Tôi nuôi mèo để con có bạn đùa vui, hy vọng có thể chữa lành vết thương tâm lý cho con”.

Trong hơn 20 năm sống xa quê hương, có 2 lần chị cảm thấy hối hận nhất, đó là khi cha và anh ruột qua đời mà chị không kịp có mặt: “Việc lấy chồng xa xứ buộc tôi phải chấp nhận không thể ở cạnh người thân trong giây phút cuối đời họ”. Chị đã gửi tiền về xây ngôi nhà ở quê khang trang hơn. Anh em, con cháu ở quê đều được chị dốc lòng giúp đỡ. Đối với chị, đó là niềm an ủi lớn nhất. 

Theo phụ nữ TPHCM