2022 là năm thứ 3 thế giới học cách sống chung với đại dịch Covid-19. Hầu hết quốc gia đều gỡ bỏ các biện pháp phòng dịch và tập trung phục hồi kinh tế hậu đại dịch.
Dẫu vậy, chia sẻ với Zing, nhiều người Việt đang sinh sống tại nước ngoài cho biết năm 2022 vẫn không phải một năm dễ dàng, khi những khó khăn về kinh tế như lạm phát, giá năng lượng leo thang,... vẫn khiến họ “đau đầu”.
Tuy nhiên, nhờ biên giới mở cửa, nhiều người đã có cơ hội thăm quê hương và đoàn tụ với gia đình. Chuyến đi này trở thành một trong những kỷ niệm đáng nhớ nhất với họ trong năm 2022.
“Chuyến về Việt Nam có ý nghĩa sâu sắc với tôi”
Chị Nhã Phương - sinh sống tại Krakow, Ba Lan
Tôi lựa chọn 3 từ “trải nghiệm - khám phá - học hỏi” để mô tả về năm 2022.
Năm qua, tôi có cơ hội đặt chân tới 9 nước. Qua những lần đi du lịch này, tôi biết thêm về văn hóa, địa danh nổi tiếng, khám phá nhiều điều mới. Tôi cảm thấy sau khi tận mắt chứng kiến, có những thứ hoàn toàn khác và đẹp hơn trong trí tưởng tượng và phim ảnh.
Trong số những nước đó, tôi thích nhất Italy vì quốc gia này có nét văn hóa gần với người Việt nhất so với các nước châu Âu. Người trưởng thành ở Italy sống hướng về gia đình nhiều hơn. Tôi thấy nhiều cặp dù kết hôn nhưng vẫn sống với cha mẹ. Họ cũng sống chậm và tận hưởng cuộc sống. Mỗi buổi sáng, họ ra quán cafe ngồi tám chuyện với nhau có thể 2-3 tiếng.
Tuy nhiên, chuyến đi về Việt Nam thăm gia đình sau hơn 2 năm dịch bệnh vẫn là thứ tôi nhớ nhất.
|
|
Chị Nhã Phương cùng gia đình trong chuyến đi về Việt Nam. Ảnh: NVCC |
Trước giờ, tôi chưa từng hình dung sẽ lấy chồng xa, quyết định kết hôn của tôi hoàn toàn khác với dự định. Nhà chỉ có hai chị em, nên việc kết hôn với chồng hiện tại là quyết định rất lớn.
Trước khi kết hôn, anh nói 6 tháng hai vợ chồng sẽ về thăm Việt Nam một lần. Tuy nhiên, dịch bệnh bất ngờ ập tới và kéo dài, cũng như cần làm giấy tờ cho con gái, nên kế hoạch 6 tháng thăm nhà một lần của tôi không thành. Do đó, chuyến về Việt Nam vừa rồi có ý nghĩa sâu sắc với tôi.
Tôi tự nhận thấy mình chưa có thành tựu lớn nào trong năm qua, vì toàn bộ thời gian đều dành cho con gái. Sau khi con gái đi học, tôi mới có thêm thời gian để học tiếng Ba Lan.
Trong năm qua, tôi gặp khó khăn khi chưa thành thạo ngôn ngữ và mới chỉ giao tiếp trong gia đình, nên việc kiếm việc làm có chút khó khăn.
Tuy nhiên, tôi nhận thấy vấn đề chưa thạo ngôn ngữ cũng không phải rào cản lớn nhất khi kiếm việc làm, mà là do cần dành thời gian trông con nên không có lịch cố định. Dù con gái đã đi học nhưng chưa theo được lịch của trường. Mỗi ngày tôi chỉ gửi con được 4-5 tiếng.
Trong năm 2023, mục tiêu hàng đầu với tôi là cải thiện ngôn ngữ để đi làm, không chỉ vì vấn đề tài chính, mà còn để có cơ hội ra ngoài tiếp xúc, thoải mái hơn là chỉ ở nhà. Ngoài ra, tôi cũng dự định học khóa thiết kế đồ họa.
“Trải qua khó khăn, tôi trân quý những điều bình thường”
Chị Oanh Karel - sống tại CH Czech
Nói về năm qua, có lẽ tôi sẽ mô tả bằng hai từ: vui mừng và lo lắng. Vui vì tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát, mọi người lại có thể gặp mặt nhau, nhưng lo lắng khi chiến sự nổ ra ở Ukraine.
Tôi sống ở Czech cách Nga và Ukraine không xa. Do đó, tác động từ chiến sự, đặc biệt là trong bối cảnh dịch Covid-19, càng rõ rệt. Tôi cải tạo căn nhà mua từ năm 2019 đúng lúc chiến sự và dịch bệnh diễn ra, khiến công trình bị đình trệ đến tận cuối năm.
|
|
Chị Oanh Karel và gia đình tại CH Czech. Ảnh: NVCC |
Giá vật liệu leo thang gấp nhiều lần và không có nhân công. Do đó, tôi phải hủy bỏ nhiều hạng mục. Trong năm qua, lãi suất ngân hàng tăng khiến tôi phải hủy bỏ dự định đầu tư bất động sản. Bên cạnh đó, giá điện và khí đốt cũng tăng nhiều.
Tuy nhiên, tôi vẫn cảm thấy may mắn vì cuộc sống ở Czech rất yên bình. Tôi có cơ hội về thăm người thân ở Việt Nam cũng như thưởng thức những món ăn quen thuộc.
Trải qua khó khăn lại càng khiến tôi thêm quý trọng những gì rất đỗi bình thường. Cảm thấy trân quý và biết ơn.
|
|
Chị Oanh cảm thấy may mắn vì cuộc sống yên bình ở Czech. Ảnh: NVCC |
“Điều tôi nhớ nhất là đoàn tụ với gia đình”
Nguyễn Diệu Linh - du học sinh Việt tại Thái Lan
Nếu được nhận định năm vừa qua của bản thân trong ba từ, đó là ba từ “đã cố gắng”.
Điều khiến tôi nhớ nhất trong năm qua là được đoàn tụ với gia đình sau quãng thời gian dịch Covid-19 kéo dài (năm 2019-2020). Sau 2 năm, tôi mới được gặp lại gia đình.
|
|
Nguyễn Diệu Linh - du học sinh Việt tại Thái Lan. Ảnh: NVCC |
Trong giai đoạn dịch Covid-19 diễn ra, tình hình kinh tế nói chung khá khó khăn, nhưng đó không phải điều khiến tôi thấy khó khăn nhất. Với tôi, đó chính là những áp lực về tinh thần trong đại dịch.
Vào giai đoạn đầu năm 2022, kế hoạch học tập cũng như tham gia các hoạt động ngoại khóa, từ thiện của tôi gặp trở ngại do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Tôi là người hướng ngoại, nên rất thích tham gia các hoạt động ngoại khóa ngoài trời. Vì vậy, việc phải cách ly trong thời gian dài khiến tôi rất căng thẳng. Không những vậy, tôi cũng rất lo lắng khi hay tin người thân mắc bệnh.
Tôi rất vui mừng khi những hạn chế trong đại dịch kết thúc, và Bangkok trở lại nhịp sống vốn có. Thời điểm Thái Lan vừa mở cửa, thành phố Bangkok như được sống lại và nhộn nhịp hơn.
Từ những khó khăn trong năm 2022, tôi nghĩ hiện tại mỗi người nên cố gắng tiết kiệm một khoản tiền dự trữ cho những tình huống đột ngột xảy ra trong tương lai.
“Tôi luôn cố gắng cân bằng giữa gia đình và công việc”
Chị Nguyễn Huyền Trang - phiên dịch viên ở quận Hồng Khẩu, Phố Tây, Thượng Hải, Trung Quốc
Năm 2022 gói gọn trong ba từ tự tin, ham học hỏi và xác lập mục tiêu mới. Nhìn lại những gì đạt được trong năm qua, tôi tự hào thành tựu lớn nhất của bản thân là góp phần đẩy mạnh sự phát triển của Hội Doanh Nghiệp Việt Nam tại Trung Quốc.
Tôi cũng hoàn thành kế hoạch cá nhân - mua nhà mới kế bên trường học có hệ thống giáo dục tốt cho con từ mẫu giáo đến cấp 3 và gần nhiều tiện ích như trung tâm thương mại, tàu điện ngầm.
|
|
Chị Nguyễn Huyền Trang và gia đình tại Thượng Hải. Ảnh: NVCC |
Trong năm 2022, tình hình kinh tế phức tạp, vật giá leo thang khiến nhiều gia đình đau đầu. Gia đình tôi cũng không phải ngoại lệ. Chúng tôi phải cân đối chi tiêu vì cần gánh vác trách nhiệm “trên có người già dưới có trẻ nhỏ”.
Con cái cần bổ sung nhiều dinh dưỡng và học hành để phát triển toàn diện, người già cũng cần đảm bảo dinh dưỡng để khỏe mạnh an vui.
Do các biện pháp kiểm soát dịch Covid-19 tại Thượng Hải, tôi chưa thể đưa con về Việt Nam thăm ông bà, gia đình và người thân. Con gái tôi cũng chưa có cơ hội khám phá nhiều nơi do tình hình dịch bệnh. Nhìn chung, trẻ con sinh ra trong giai đoạn dịch bệnh đều chịu nhiều thiệt thòi.
Theo Zingnews