Cùng làm việc nhà, cùng chăm sóc con cái, tình cảm gia đình càng gắn kết hơn - Ảnh minh họa: T.T.D.


Vợ chồng thời nay không phải lúc nào cũng có thể rạch ròi vai trò, bởi ngoài cánh cửa gia đình là bộn bề mối lo. Có khi là cả trọng trách xã hội nhưng khi về đến nhà, từ những việc có tên đến không tên, vẫn đòi hỏi vợ chồng biết chia sớt cùng nhau.

1. Chuyện nhỏ là những chuyện lặt vặt không tên trong nhà, như là phơi mớ đồ trong máy giặt, quét cái nhà, lau chùi toilet, rửa mớ chén, kéo con khỏi màn hình tivi để ngồi vào bàn học, sáng dậy sớm lo bữa ăn cho cả nhà, rồi chuẩn bị cho con đến trường… Những chuyện nhỏ ấy nghe thì nhỏ chứ không nhỏ chút nào. Nó chiếm thời gian mỗi thứ một ít, kể cả sức lực cũng một mớ.

Anh từng cho rằng đấy là chuyện bình thường, đơn giản, ai chẳng làm được, cho đến khi vợ vắng nhà.

Lâu rồi, anh quen với việc "mẹ tụi nhỏ làm việc nhà, anh đi làm bên ngoài kiếm tiền". Lâu rồi, anh cũng quên hỏi vợ - người đàn bà nội trợ - với những việc không tên ở nhà có mệt mỏi không. Thậm chí có bữa nhậu về, không hiểu sao anh lớn tiếng "mẹ bây suốt ngày ở nhà có biết khổ cực là gì đâu". Chị lau nước mắt, thấy nghẹn nơi cổ họng, hình như chồng nghĩ mình ăn bám.

Chị cũng từng có một công việc, lương cơ bản đủ sống, công việc không áp lực. Từ khi về làm vợ anh, việc chăm và nuôi con hai đứa sinh gần nhau làm chị phải nghỉ việc, dành toàn thời gian làm mẹ. Từ đó, chị không còn khoản thu hằng tháng, trở thành người phụ nữ của gia đình, chăm cho căn hộ nhỏ tươm tất, sạch sẽ, con cái khỏe mạnh.

2. "Có lẽ nhiều người làm chồng nghĩ rằng phụ nữ làm việc nhà là bản năng, phân công lao động từ xưa, không có gì khó khăn hay mệt nhọc. Toàn những việc nhẹ nhàng không ấy mà…", chị nói. Nhưng làm việc nhà tốn sức và mệt không tưởng!

Có những bữa thức dậy từ 5h kém, chỉ kịp lắc người cho tỉnh táo đã ào vào bếp nấu nấu nướng nướng. Để cả nhà thức dậy có tô hủ tiếu ngon lành chờ sẵn là bàn tay chị đã xắt gọt từ sớm, kể cả việc chế biến sẵn một số thứ từ hôm qua và để trong tủ lạnh.

Mớ đồ của cả nhà, dù có máy giặt nhưng việc bưng bê ra ban công phơi lên, canh lấy vô, xếp gọn cũng mất ít nhất nửa tiếng, bốn mươi lăm phút. Toilet chà rửa mỗi ngày, dùng sức có khi còn nặng như tập gym chứ chẳng chơi. Con cái hai đứa bày bừa dẹp mỗi ngày chừng đó thứ, không kiên nhẫn khó tránh bực mình. Con học mà không kèm cặp, học chung với con thì đâu dễ gì chúng ngồi yên. Bữa cơm, nếu không nghĩ thay đổi món mới thì các con và chồng đâu thể ngon miệng...

3. Chị về quê. Vừa vì mẹ ốm phải về, vừa vì muốn để anh trải nghiệm một tuần làm nội trợ vất vả ra sao. Nội chuyện sáng lo cho con ăn, chở con đến trường, kéo con ngồi vào bàn học thôi đã… ná thở. Giặt đồ, phơi đồ ngó vậy chớ cũng chú tâm mới làm tinh tươm được. Toilet nếu không chà mỗi ngày, bước vào sẽ có mùi khác… Thời hạn một tuần trôi qua trong cực khổ, chỉ 5 ngày anh đã gọi điện năn nỉ, nói nhớ nói thương.

Anh ngộ ra không có việc gì là dễ dàng nếu không chuyên môn. Để hạnh phúc gia đình được gìn giữ, mỗi người cần thấy sự quan trọng của nhau. Nếu phụ nữ có việc bên ngoài thì vén khéo, thuê người phụ giúp việc nhà. Đàn ông kiếm tiền giỏi nhưng về nhà cũng có thể phụ giúp vài việc lặt vặt để chia sẻ với vợ; nếu không, có thể ghi nhận việc nội trợ của vợ là quan trọng cho sức khỏe, sự tươm tất của cả nhà.

Mỗi mắt xích trong tổ ấm đều giá trị. Đâu có chuyện gì là nhỏ tuyệt đối, cũng không có gì là lớn tuyệt đối trong đời sống mỗi người kể từ khi hai người xa lạ nguyện chọn nhau làm bạn đời. Bởi cuộc đời tuy vẫn là của riêng mỗi người đấy nhưng từng cái nếp ở ăn nhỏ nhất, quen thuộc nhất đã được trộn lẫn, hòa quyện với nhau.

Nội trợ là công việc vất vả

Trong cuộc sống gia đình thời hiện đại, nếu người phụ nữ chọn vai trò nội trợ, cần phải được xem là sự lựa chọn thiêng liêng, có sứ mệnh lớn lao. Nội trợ là công việc rất vất vả nhưng lại là những việc không tên, không có thu nhập, vì vậy trong nhiều quan niệm, vai trò này có thể không được ghi nhận hay được đánh giá tương xứng với công sức của chị em.

Với người phụ nữ Việt, việc nội trợ đã như một việc nghiễm nhiên, một "đặc quyền" không mong muốn của người đàn bà. Do quan niệm "Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm" nên từ lâu việc nội trợ, việc nhà, giáo dục con cái, sắp xếp tổ chức cuộc sống gia đình, hiếu hỉ, đối nội đối ngoại đã trở thành sự phân công tự động dành cho người phụ nữ trong gia đình.

Sự phân công như một thói quen vô thức ấy đã không còn hợp lý nữa trong thời đại hôm nay, thời mà người phụ nữ đã có mặt ở mọi lĩnh vực của nền kinh tế. Họ rất áp lực và bận rộn, một gánh hai vai đủ khổ, ba gánh trên vai - làm mẹ, làm vợ, làm nhân viên - càng đuối hơn; cần lắm sự sẻ chia, đỡ đần của người chồng. Cần một sự thấu hiểu và công nhận, biết ơn và trân trọng của người đàn ông dành cho vợ mình.

ThS tâm lý Nguyễn Thị Tâm

Theo tuoitre