Ảnh mang tính minh họa. SHUTTERSTOCK

Một ngày trước chỉ thị giãn cách toàn thành phố, các bà nội trợ ào ra chợ. Dù chợ phường tôi đã giăng dây cấm buôn bán từ cả tháng nay, vẫn còn một số hộ dọn hàng bán trong nhà, một số chị bán “hàng chạy”, chợ túm lại chỗ này tan đi chỗ khác, muôn hình vạn trạng bán và mua. 

Tôi cũng chạy xe ra chợ. Dù bao nhiêu thông báo khắp nơi rằng thực phẩm không khan hiếm, rằng ở đâu đó người ta trữ tới trăm tấn hàng phục vụ cho người dân thành phố, nhưng cứ ra chợ mà coi, cứ thấy món nào ít đi là ngay lập tức giá cả vọt lên liền.

Nhìn qua nhìn lại thấy món này cũng nên mua, món kia cũng có thể để dành, nhìn thấy mới nhớ ra nhà còn thiếu thứ này thứ khác…

Sâu thẳm trong lòng các bà vợ, bà mẹ là nỗi lo chồng con đói, thiếu. Nỗi lo khiến các bà nội trợ bươn vào mua gom, mua vét tất cả những rau cá thịt thà đường đậu.

Dân Nam bộ xưa nay quen được ông trời ưu đãi, bốn mùa cây trái sẵn đầy xung quanh, thiếu một trái chanh cũng xách giỏ ra chợ, vậy mà nay chị Hai chị Bảy cũng đi chợ trữ đồ, trữ cả thùng bia nữa phòng khi ông chồng buồn, muốn nhậu.

Một cách bản năng, họ mua sự yên tâm, mua sự đủ đầy để tự làm yên lòng mình, yên lòng những thành viên trong nhà trước những rủi ro vô hình của dịch bệnh.

Chở một xe đồ về, chất đầy tủ lạnh, nhưng rồi tới bữa, chồng ôm máy tính việc công ty, con ở trong phòng học online, nhiều bữa cơm gia đình đã biến tướng thành bữa cơm mỗi người một tô, ăn lúc nào tùy thích. 

Tính ra, chính má tôi mới là người giữ bữa cơm nhà. Đúng giờ, má xuống bếp, cặm cụi lôi thực phẩm ra kho nấu.

Con cháu trong nhà nghe tiếng chén đũa, nghe mùi đồ ăn, thêm mấy tiếng gọi của má nữa là tụ vô đủ mâm cơm trưa, cơm tối. Câu chuyện trong bữa cơm cũng là chuyện dịch giã, chuyện chợ đò giá cả leo thang, chuyện chỗ này cách ly chỗ kia phong tỏa, những chuyện ai cũng đã nghe đã biết cả rồi, nhưng được nói ra cùng nhau, nghe khác đi nhiều. 

Bữa ăn không chỉ là thực phẩm cung cấp năng lượng, bữa cơm nhà cung cấp cho con người tình thân, năng lượng tinh thần và sự gần gũi. Tôi theo má, giữ giờ ăn trưa, ăn tối của cả nhà, để mỗi ngày thấy người thân của mình được ăn no, ăn ngon, được chăm sóc trong sự bình an của cả gia đình. 

Con gái đang học lớp Chín, kỳ thi chuyển cấp của con đã bị hoãn hơn một tháng nay. Con vẫn học online theo các lớp ôn thi, nhưng con không còn líu lo nói chuyện nguyện vọng một hay nguyện vọng hai, sẽ vô học lớp Mười ở trường này hay trường kia nữa.

Nhìn trong mắt con có nỗi hoang mang, thấy tội những đứa trẻ phải gánh chuyện thi cử trên vai như một gánh nặng đi quãng đường dài hơn sức chịu đựng của chúng. Tôi kể chuyện công ty đang tính giảm lương tháng này, tiền bạc khó khăn, rầu muốn chết.

Lúc rửa chén, má tôi dặn: “Con rầu chuyện lương tiền thì bé Út còn rầu chuyện thi chuyện học của nó tới đâu. Thôi con kệ chuyện trừ lương, bỏ qua một bên đi, người ta sống được mình sống được”.

Tôi ở nhà một tuần, thấy nể má ghê lắm. Chuyện duy trì các thói quen như bữa ăn, giấc ngủ tưởng là chuyện dễ làm, nhưng có lẽ phải có một sự kiên nhẫn vô cùng lớn, một trải nghiệm sống dày dặn, thì mới làm được.

Phải có những điểm đánh dấu, những thói quen để mỗi người níu vào đó, duy trì giao tiếp xã hội, cho dù là một xã hội bé xíu như gia đình, cho dù dưới những áp lực quá lớn từ bên ngoài, từ dịch bệnh có thể làm cho cái tế bào gia đình nhỏ bé này bị méo mó. 

Lo âu, sợ hãi đẩy con người ta vào hoảng loạn, bởi vậy mình cần mỗi người xung quanh đứng vững để giữ cho mình, giữ cho người cạnh mình, chúng ta dựa vào các quy tắc, các nền nếp để duy trì sự vững tâm ấy.

Nghĩ rằng ở nhà có gì đâu mà vội nên ta dễ bỏ qua các thói quen chung, chồng tôi cũng dễ bỏ qua như vậy.

Đang bận thì thôi ăn trễ một chút, không đi làm nên đêm thức khuya sáng hôm sau dậy muộn một chút, bỏ bữa thì đã có gói mì… cứ vậy, nền nếp sinh hoạt gia đình cứ xộc xệch đi, ai cũng coi như mình đang ở nhà chống dịch, chứ không phải là mình đang sống.

Ảnh minh họa

Nghĩ lại, cuộc sống của mình đang là đây, chứ nào phải mình nín thở cho qua hết mấy tuần này rồi tới bữa sau đi làm rồi mới thực sống. 

Mỗi gia đình là một chiếc xe, chúng ta đã tự nguyện chọn cùng nhau lên chiếc xe ấy. Những ngày này, tôi cứ nghĩ người cầm lái chiếc xe gia đình là người phụ nữ. Họ biết dừng chỗ nào đổ xăng, tiếp thêm thực phẩm, hành khách nào trên xe cần chăm sóc đặc biệt, cân đối các nguồn lực thế nào để xe tiếp tục đi về phía trước.

Trong khúc cua khó khăn mang tên dịch bệnh này, những người cầm lái ấy đang mang tất cả tình yêu thương, nỗi lo lắng quan tâm của họ để đưa gia đình mình đến được bến đỗ bình an. 

Theo phunuonline