Hôm qua, tôi đọc được câu chuyện của một người vợ trên một hội nhóm chuyên tư vấn chuyện hôn nhân gia đình. Cô ấy bảo bản thân cảm thấy rất bất lực, khổ sở khi chồng mình ở đâu và bao giờ cũng tốt với cả thế giới. Anh ấy luôn giúp người vô điều kiện, kể cả những khi cảm nhận được mình bị lợi dụng, bị lừa vẫn không tìm cách né tránh.
Hầu hết mọi người đều vào khuyên răn cô ấy thay vì bực tức chồng thì hãy thay đổi chính mình. Về cơ bản, mọi người trách cô ích kỷ, không biết trân trọng những phúc lành khi có một người chồng vô tư và tử tế.
Ngày xưa khi đi học, thầy từng nói với tôi “mọi lý thuyết đều là màu xám, cây đời vẫn cứ mãi xanh tươi”. Nhưng trong trường hợp này, tôi mạnh dạn đảo ngược nội dung. Mọi lý thuyết đều là màu xanh, còn cuộc đời ngoài kia nhiều lúc ấm ức đến lộn tiết.
Tôi lắm khi vẫn làm cái thùng rác để chính em gái mình xả ra những mỏi mệt. Và những mỏi mệt của Vân cũng y chang nỗi lòng của chị vợ tôi bắt gặp trên mạng kia.
Em rể tôi đi đến đâu lập tức được bà con, họ hàng khen nức nở đến đó: “Trời ơi, cái Vân nấm lùn, chậm chạp vậy mà vớ được cậu Hùng giỏi giang hết sẩy. Gặp ai cũng cười chào cởi mở. Thấy ai cần gì cũng giúp”; “Người ngoài mà nó còn chẳng bao giờ nề hà, huống chi vợ con trong nhà nữa. Cái vân lấy được chồng như thế chỉ có sướng trở lên”,…
Đã nhiều lần được nghe những câu tương tự, Vân cũng tít mắt tự hào thấy mình may mắn. Nhưng đó chỉ là giai đoạn hẹn hò. Sau khi cưới về, sống chung vài năm, Vân thấm thía những ấm ức khi chồng mình vẫn giữ y nguyên tình yêu thương dành cho cả thế giới.
Vân kể: “ Vợ chồng em ở chung với ông bà nội. Mỗi năm lo liệu bốn, năm cuộc kỵ giỗ, chi phí cũng mấy chục triệu đồng, bọn em không bao giờ tính toán. Vậy mà mấy gia đình anh chị chồng mỗi lần về tụ họp, xách mấy thùng bia lại lê la kể lể. Em ức lắm, nhiều lần bảo anh Hùng phản hồi lại cho anh chị biết. Thế mà anh ấy toàn xùy xòa cho qua. Anh bảo đến năm, bảy triệu mình còn lo được, thì thêm một hai triệu nữa vẫn lo nốt được. Nói ra chỉ mất tình cảm anh em, mình lại nhỏ người”. Tôi thấy lý của Vân đúng, nếu đã là anh em một nhà, hà cớ gì bậc đàn anh, đàn chị lại chủ động kể lể, sân si với bậc em út. Trong khi xét về điều kiện kinh tế, họ cũng chẳng khó khăn gì.
Đó là với người trong nhà, còn cách Hùng đối với người ngoài, nhiều lần nghe Vân kể mà tôi cũng mếu theo em.
Hùng là một thầu xây dựng nhỏ. Một năm vài kỳ, chủ các công trình sẽ thanh khoản cho anh, số tiền cũng lên đến vài trăm triệu đồng. Chi phí này một phần dùng để trả công cho đội thầy thợ, phần nữa là công sức làm ăn khâu nối của cá nhân Hùng, phần nhiều nhất để trả cho các công ty vật liệu xây dựng, cơ sở nội thất, thi công thiết kế...
Chẳng biết Hùng tính toán sao mà có đến mấy lần Vân ở nhà cũng nghe được những cuộc điện nhắc nhở về số tiền nợ đọng, nợ trễ hạn quá lâu. Vân tưởng Hùng chơi bời gì, nhưng khi hỏi ra mới vỡ lẽ. Sau khi nhận tiền, chồng cô đã cho anh em thợ thuyền mượn gần hết nên không thể cân đối được. Hùng bảo: “Ai cũng kẹt. Mẹ cậu Tính thì chạy thận, nhà khó khăn. Cậu Tuấn một mình nuôi bốn đứa con, vợ thất nghiệp. Riêng cậu Trung thì có em trai thua banh bóng, không trả kịp lãi là xã hội đen phá nhà…”.
Vân không đủ kiên nhẫn để ngồi nghe Hùng kể thêm nữa. Cô đã quá hiểu suy nghĩ của chồng. Với Hùng, sẽ không ai mở miệng nhờ vả người khác khi đủ đầy trọn vẹn, nên mình đừng bao giờ lăn tăn về nội tình, nguyên nhân sâu xa đằng sau những khó khăn của gia đình người khác.
|
|
Em gái tôi mệt mỏi vì thói quen vung tay giúp người của chồng (Ảnh minh họa) |
Nhiều lần Vân mệt mỏi, ngán ngẩm. Cô nghĩ câu nói “chọn bạn mà chơi” cần thiết và có giá trị với tất cả mọi người, trừ chồng mình. Hùng có nhiều người bạn mà Vân không biết xếp vào hàng ất giáp gì.
“Chị biết không, có hôm nửa đêm, cả nhà đang ngủ ngon thì chồng em nhận được điện thoại của một người bạn nhờ chở giùm vợ đi sinh. Anh ta đang… nhậu xỉn quá nên không về được”; “ Cũng gần hết năm rồi, em chăm được mấy chậu mai cũng chảnh lắm, định tết sẽ gả đi kiếm thêm ít tiền lo việc sắm sanh. Thế mà bạn anh Hùng đến chơi, xin xỏ vài câu là anh tặng sạch. Em xót, bảo ngoài vườn vẫn còn mai chưa vào chậu, nếu bạn muốn thì đến mà đào. Nhưng ảnh nói, đất cát ngay tại nhà mình, mình vào chậu sẽ tiện hơn. Anh nói với em ngay lúc có bạn ở đó nên em cũng chẳng muốn đôi co thêm làm gì"…
Cứ chuyện gần rồi đến chuyện xa, khoảng hai, ba tháng Vân trữ lại một nùi rồi lựa dịp sẽ xả ra hết với tôi. Tôi rối trí, cũng chưa biết khuyên Vân cách ứng phó thế nào với người chồng luôn yêu thương cả thế giới.
Tôi chỉ nghĩ rằng, ở đời, nếu mình muốn giúp người thì ít nhất cũng phải đủ sức khỏe và tiền bạc. Mà hai điều này thì có hạn, nên không thể quá tùy tiện. Tôi mong Hùng, trước khi làm thiên hạ vui thì hãy tỉnh táo để nhận ra sự lo nghĩ, nỗi ấm ức của vợ mình.
Theo phunuonline