Ảnh minh họa
Chị Hạnh Dung kính mến,
Em sống xa xứ. Mới đây, em trai ở Việt Nam phá sản vì dịch bệnh. Mẹ em gọi nhờ em giúp một số tiền lớn để em trai có thể làm lại từ đầu. Trước nay em trai em tự lập hoàn toàn, mẹ em cũng hiếm khi mở lời đề nghị như vậy nên lần này, em rất muốn giúp.
Nhưng khi em nói chuyện với chồng về hoàn cảnh của em trai, anh tỏ ra rạch ròi, lạnh lùng. Anh nói số tiền lớn là một vấn đề. Nhưng vấn đề quan trọng hơn là khó khăn hiện tại của em trai em không thuộc loại cần phải cầu cứu sự giúp đỡ của người khác.
Theo anh, nếu em trai gặp biến cố sức khỏe, hoặc sự nghiệp đang gặp lúc ngặt cần tiền để lướt qua thì nên giúp. Còn bây giờ, em ấy cần tập trung suy nghĩ và đứng lên bằng chính đôi chân của mình. Anh cho rằng việc giúp tiền là nóng vội và không tốt cho một người cần sức mạnh tinh thần để gầy dựng lại sự nghiệp.
Sau cuộc nói chuyện, em buồn khủng khiếp, thậm chí muốn tránh mặt chồng, dù cả hai đang ở nhà 24/24. Anh không đứng vào vị trí của vợ để hiểu: Em trai em là trụ cột niềm tin của cả nhà, thành bại của em ấy quyết định tinh thần của bố mẹ già khi em đã theo chồng đến xứ người.
Có thể chồng em đúng trong phép tính toán rạch ròi giữa nên và không nên. Nhưng đứng trước vấp ngã của người thân mà nghe chồng phân tích lạnh lùng như vậy, em rất đau lòng.
Khi em tâm sự, vài người bạn thông cảm với chồng em. Họ cho rằng việc kiếm tiền ở xứ người rất khó khăn nên chồng em rạch ròi cũng là dễ hiểu. Song cách lý giải này càng khiến em thấy xa cách với anh ấy. Mong chị Hạnh Dung sớm phản hồi để giúp em vượt qua tâm lý này.
Hương Lan (Thụy Sĩ)
Hương Lan mến,
Hạnh Dung hiểu điều làm em day dứt không phải là “giúp hay không giúp”, mà là ở cách chồng tiếp cận vấn đề. Theo em thì chồng em đang sử dụng lý trí để phân tích một vấn đề tình cảm, và điều đó làm em thấy anh xa cách, lạnh nhạt.
Nhưng để xác định rằng anh ấy lạnh nhạt với vợ, em phải tự kiểm tra lại xem em đã bắt đầu câu chuyện như thế nào? Em nói về khó khăn và nhu cầu tài chính của em trai (người được giúp), hay nói về mong muốn được đỡ đần em trai của chính em (người giúp)?
Theo thư kể, dường như em chỉ thuyết phục chồng bằng hoàn cảnh của em trai. Khi đó, chồng em thật tâm cân nhắc điều gì là tốt nhất cho người được giúp. Và có thể theo trải nghiệm của anh ấy thì giúp tiền lúc này không phải là tốt.
Khi đã nghĩ theo hướng này, người ta sẽ tự vượt qua mọi cảm xúc của bản thân để tránh làm những điều vô ích, mà chỉ tập trung cho những hỗ trợ cần thiết nhất (theo chồng em là về ý chí và tinh thần).
Nhưng, trong lòng em thì lại là câu chuyện về cảm xúc, tức là một câu chuyện hoàn toàn khác. Khi em muốn giúp để thỏa mãn tâm trạng của một người chị xa xứ, thì mọi cân nhắc “nên hay không nên” không có ý nghĩa gì nữa.
Ở một mức độ cực đoan, em sẽ chỉ giúp theo ý muốn của chính mình, bất chấp sự giúp đỡ đó có tốt về lâu dài cho người được giúp hay không.
Ta giúp đỡ người khác vì điều gì: vì sự tốt lên của họ, hay vì ý muốn trong chính bản thân? Đó là một vấn đề khá sâu sắc và vẫn ngấm ngầm gây giằng xé trong chính nội tâm của một người. Huống hồ vợ chồng em là hai người khác nhau.
Ảnh minh họa
Theo Hạnh Dung, em hãy tự hỏi xem mình đang bị chi phối bởi điều gì? Em đang muốn tốt cho em trai, hay muốn giải tỏa nỗi lòng? Khi xác định rõ chỗ này rồi, em hãy trò chuyện với chồng một lần nữa, và nói rõ tâm tư. Nhiều khả năng, khi em nói ra tâm tư của mình, anh ấy sẽ không đến mức “lạc đề” sang phân tích lý trí.
Đừng khơi lên cuộc bàn bạc về chuyện A, trong khi mình đang đau đáu nỗi lòng B. Chỉ vậy thôi đã tránh được rất nhiều khúc mắc trong quan hệ vợ chồng.
Chúc em sớm an lòng.
Theo phunuonline