|
|
Người phụ nữ nội trợ cũng đóng góp công sức không nhỏ trong việc vun vén gia đình (Ảnh minh họa) |
Cậu con trai út của Phương đã 15 tháng tuổi. Mấy bữa nay mẹ chồng cô lên chơi, bắt đầu nói xa nói gần về việc con dâu nên tìm việc để đi làm lại. Nếu cô lo đi làm sẽ không thể chăm nổi con, bà có thể giúp.
Phương im lặng không nói gì, vì cô nghĩ chuyện đi làm lại, hay ở nhà là do hai vợ chồng cô quyết định. Cô sợ giải thích nhiều mẹ chồng lại nghĩ con dâu đang cãi lời bà.
Thế nhưng, anh Tú - chồng của Phương - thì nói thẳng với mẹ rằng, hai vợ chồng anh đã quyết định Phương sẽ ở nhà cho đến khi cu Bin được 2 tuổi. Bây giờ dịch bệnh vẫn đang còn phức tạp, bọn trẻ chưa đi học lại nên để Phương ở nhà chăm con, anh mới yên được. Vả lại, mẹ đã lớn tuổi, làm sao trông được hai đứa nhỏ nghịch ngợm.
Bà nghe thế, không nói thêm câu nào nữa. Nhưng mấy hôm sau, bà bóng gió rằng Tú quá chiều vợ, hai vợ chồng phải cùng nhau “chung lưng đấu cật” để vun đắp gia đình, một mình chồng đi làm thì sao bằng cả hai vợ chồng cùng kiếm ra tiền.
Hôm trước em chồng sang chơi, thủ thỉ rằng người bạn muốn tìm một kế toán viên có kinh nghiệm, cô ấy định giới thiệu cho Phương. Em chồng nói Phương chăm con sóc con kỹ quá, người ta cũng mướn bà vú, hoặc để con cho nội giữ, có sao đâu.
Kể từ khi con được sáu, bảy tháng, Phương đã nghe họ hàng, rồi hàng xóm láng giềng thắc mắc về việc cô vẫn ở nhà, chưa đi làm lại. Trong khi vợ chồng Phương hoàn toàn thoải mái với chuyện bố trí, sắp xếp của cả hai.
Trước khi Phương nghỉ việc, hai vợ chồng cô cũng có một khoản tiền tiết kiệm kha khá, lại có thêm một số khoản thu nhập thụ động từ cổ phiếu, lãi từ tiền gửi tiết kiệm.
Anh Tú làm IT nên lương khá cao, đủ lo cho sinh hoạt gia đình mà vẫn dư một ít để phòng thân. Đợt dịch này thu nhập của anh cũng không bị ảnh hưởng, nên hai vợ chồng cũng không lo lắng nhiều khi chỉ một mình Tú lo kinh tế.
Phương mặc kệ những lời ong tiếng ve, bởi cô biết chỉ cần hai vợ chồng đồng lòng là được. Khi được hỏi có lo lắng quan hệ vợ chồng sẽ đi xuống, bản thân sẽ trì trệ khi ở nhà lo nội trợ hay không, Phương tự tin nói mình chưa bao giờ cảm thấy lo lắng khi "ở nhà ăn bám chồng", vì trước khi quyết định ở nhà chăm sóc các con, cô đã tính toán rất kỹ.
Đầu tiên, vợ chồng đã trả hết khoản nợ mua nhà và một số món nợ lớn để đầu tư giai đoạn trước đó. Số tiền tiết kiệm hiện cũng bằng một năm thu nhập. Lương của Tú vẫn đảm bảo cho việc sinh hoạt ở mức bình dân, ngoài ra cũng có dư để phòng lúc con cái ốm đau.
Ở gia đình Phương, không có khái niệm vợ giữ lương của chồng. Mỗi tháng, hai người sẽ đóng góp một khoản nhất định trong sinh hoạt chung. Trước khi nghỉ việc, Phương nói rõ với chồng, xem anh có thấy thoải mái khi từ giờ phải cáng đáng toàn bộ chi phí sinh hoạt của cả nhà hay không. Nếu chồng bảo một mình có thể lo được số tiền đó, vợ mới nên nghỉ việc.
Đã là vợ chồng thì nên tin tưởng nhau trong vấn đề tài chính. Tú giao cho Phương làm “nội tướng” nên vợ muốn tiêu gì, tiêu bao nhiêu, anh không bao giờ xét nét, vì anh biết cô một lòng lo cho gia đình, không phải là kiểu phụ nữ hoang phí, chỉ biết nghĩ đến bản thân. Hàng tháng, Phương vẫn có thể lấy tiền chồng đưa, mua thỏi son, hay bộ váy mà cô thích. Cuối tuần, nếu Tú rảnh, anh vẫn ở nhà trông con cho vợ hẹn bạn đi cà phê.
Dù vợ ở nhà nội trợ, nhưng Tú vẫn đối xử công bằng giữa bên nội và bên ngoại. Quà cáp hai bên cha mẹ đều như nhau vào mỗi dịp lễ tết, để vợ không thấy tủi thân. Mẹ vợ phải nằm viện, anh chủ động biếu một khoản để bà lo viện phí như lúc vợ còn đi làm.
Nhiều người nói Phương may mắn, cô lại cho rằng mình chỉ là người biết cân nhắc thiệt hơn và chuẩn bị chu toàn mọi thứ trước khi quyết định tạm nghỉ ở nhà làm nội trợ vài năm. Vợ chồng tuy hai mà một, hơn thua nhau thì có được gì. Biết tiến lui đúng lúc, hỗ trợ nhau trong cuộc sống mới là cách thông minh để vun vén gia đình, xây đắp hôn nhân.
Theo phunuonline