Anh từng tự hứa sẽ không để vợ con khổ - Ảnh minh họa

10 năm trước, vợ chồng anh phải về quê, xin ông bà ngoại hỗ trợ một khoản tiền lớn.

Lúc đó anh cần đầu tư vào công ty, nếu không rót thêm vốn thì mất hết. Liều mình, anh bàn với vợ việc hỏi bên ngoại. Cũng may vợ anh tin tưởng, lại có thêm ông bà thương con cháu. Đợt ấy, nhà vợ anh bán một miếng đất dành dụm, nhờ đó mà anh qua cơn bĩ cực, sau này phất lên.

Nhưng cũng vì vậy mà vợ anh bị anh chị em trong nhà giận. Ai cũng nói vợ anh quá khờ, biết anh có làm ăn được hay không mà dám lấy miếng đất ấy đắp đổi. Rồi có người nói anh chị không thương cha mẹ, chỉ nhăm nhe lấy tiền của ông bà.

Anh im lặng, tất cả những gì anh làm sau này đã chứng minh rằng vợ chồng anh không phải người như thế. Trong lòng anh vừa mang ơn vợ, vừa mang ơn cha mẹ vợ đã cưu mang anh trong lúc khốn cùng. Lòng anh tự thề sẽ không bao giờ để vợ khổ.

Vài năm làm ăn, anh đã thực hiện được những gì anh muốn Vợ anh đúng là không phải làm gì vất vả, sinh nở sau này cũng có người giúp việc phụ chăm, cô ấy cũng được anh khuyên nghỉ việc để ở nhà nghỉ ngơi, chăm sóc con cái và có thể buôn bán thêm quần áo nếu thích.

Cứ thế, cuộc sống của gia đình nhẹ nhàng, thong dong hơn. Anh cũng có cơ hội trả lại số tiền năm xưa vay mượn nhà vợ. Xung quanh anh cũng hết những lời bàn ra tán vào. Bản thân anh thầm tự hào vì lo được cho vợ con đủ đầy, không phải sớm khuya vất vả.

Vậy mà hai năm nay, công việc tụt dốc. Một phần vì dịch bệnh, một phần vì những nhân sự cốt cán cũng nghỉ việc để ra làm ăn riêng. Anh đối mặt với cả khó khăn của thị trường và cả vấn đề nhân sự. Gồng gánh qua đợt dịch năm ngoái, đến năm nay anh chính thức đuối.

Vợ anh rất cảm thông với chồng, anh thì không vui vẻ nổi. Tiền tiết kiệm cũng phải lấy ra trang trải trả lương, trả tiền hàng. Thêm một lần nữa, anh phải đối diện với nguy cơ phá sản.

Mấy ngày nay, anh không ra ngoài vì dịch bùng mạnh. Ở nhà, anh có nhiều thời gian quan sát vợ hơn. Đúng là khi tiền bạc eo hẹp, anh mất tự tin hẳn. Bữa cơm dạo này có vài món giản đơn vợ nấu, nào là rau muống luộc, đậu hũ chiên sả. Đến bữa, vợ cười cười nói: “Ăn chay anh nhé”. Anh cũng cười theo, nhưng miếng cơm nuốt nghẹn đắng. Lời hứa không để vợ con khổ, nay anh lại không làm được.

Ai ở vào hoàn cảnh anh mới hiểu cái áp lực của người trụ cột, nhất là vào thời điểm lao đao này. Nếu là người đàn ông trách nhiệm, chỉ cần thấy vợ con mình ăn uống đạm bạc, đồ đạc không sắm sửa, thiếu ngủ vài hôm là xót trong lòng.

Anh tin có nhiều người đàn ông như thế trong thời điểm này, chỉ là họ không nói ra được với vợ. Như bạn anh, bữa nhắn cho anh vài câu: “Vợ tớ dạo này cũng thức khuya dữ, lo soạn hàng buôn bán. Lúc rảnh cũng lên mạng kiếm chỗ mua bán thực phẩm giá mềm để lo cho cả nhà, giá mà không dịch dã…”

Tối qua, lúc anh tắm xong thì vào phòng nghe tiếng vợ nói chuyện điện thoại. Cô ấy gọi cho bạn, hỏi vay ít tiền. Anh hiểu, số tiền ấy để lo mua sữa cho con và sửa cái máy giặt vừa hư bữa trước. Vợ anh không than vãn, nhưng khi cúp máy, anh thoáng thấy vợ len lén thở dài.

Lòng anh nặng trĩu, lên giường ngủ nhưng cứ thao thức mãi. Chẳng biết đến khi nào thì mọi chuyện ổn trở lại, số ca nhiễm  vẫn tăng lên mỗi ngày, công ty anh vẫn chưa thể hoạt động. Dù rằng vợ con động viên, nhưng nỗi buồn vẫn vây bủa anh. Những người làm trụ cột gia đình không được quyền lung lay, nhưng anh như bao người đàn ông khác, đang phải gồng mình đến tức thở...

Theo phunuonline