Phụ nữ vẫn luôn là người giữ lửa trong gia đình, cũng là trái tim của một ngôi nhà - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Đó là bởi bà ngoại tôi tuy sống ở Sài Gòn nhiều năm cùng gia đình cậu mợ nhưng vẫn giữ cái nếp nhà quê miền Bắc. Cái gì cũng thích tự làm, mất thời gian, thêm cái khoản dọn dẹp không kịp sau khi bày biện. Mắm tép tự giã, cà pháo muối xổi, canh cua rau đay, giò xào nhiều tiêu nhiều mộc nhĩ… Nói thì đơn giản, nhưng nấu nướng lại rất cầu kỳ.
Mà bà tôi hình như không phải mẫu người chuyên tay làm nội trợ. Nghe kể, hồi trẻ ngoại đi buôn khắp lục tỉnh Nam Kỳ, vất vả nuôi đủ chồng con y như vợ Tú Xương ngày xưa. Tới khi về già, bà tôi mới quanh quẩn trong bếp, lo ngày ba bữa cơm cho ông ngoại, vợ chồng con trai con dâu, thêm đứa cháu gái ở ké nhưng lười biếng lại hay ỏng eo là tôi nữa.
"Bà ngoại rửa chén ẩu quá, tráng nước có một lần làm sao sạch được! Đồ ăn bày ra dĩa phải xếp như vầy nè ngoại, trông mới đẹp mắt ngon miệng". Tôi năm đó hai mươi mốt tuổi, tự cho mình cái quyền đành hanh với ngoại bởi tự nhận mình "hiện đại, giỏi giang, năng động".
Cả khi ông ngoại tôi tính tình cáu bẳn, hay kiếm chuyện vô cớ, ăn gì cũng chê bai, bà tôi vẫn bảo riêng với đứa cháu ngoại hay ấm ức "việc gì bà phải sợ" rằng: "Kệ thôi con à, ông con già rồi nên khó, bà không phải vì sợ mà muốn giữ ấm êm trong nhà…".
Tôi ngày ấy không hiểu hết ý nghĩa của câu ấy lắm, chỉ cảm giác thương bà nhiều. Bởi nếu không tự ái, có thể chiều chuộng vừa ý được cả nhà, thì công nhận bà tôi đúng là "siêu nhân".
Ngoại là cảm xúc ngọt ngào thân thương nhất trong ký ức tuổi thơ ít ỏi niềm vui, quá hiếm hoi những cử chỉ âu yếm của tôi. Bởi má tôi sinh em liền liền, đứa này chưa kịp lớn đã có thêm đứa khác ẵm bồng. Cuộc sống không mấy thong thả khiến cho chị em tôi ít khi được má nựng nịu, ôm ấp.
Có lẽ vì thế tôi cũng không có thói quen bày tỏ cảm xúc cá nhân trước mặt ai khác, ngay cả với ruột thịt trong nhà. Tôi khóc cười buồn vui một mình, lớn lên với nhiều mạnh mẽ lạnh lùng bên ngoài nhưng chênh vênh yếu đuối ở trong tâm.
Kết hôn rồi sinh con, làm mẹ, tôi bỗng hiểu ra vì đâu mà ngày xưa má mình khó khăn, bận bịu, hay cáu gắt, dễ nổi nóng như thế. Bởi chính tôi, khi đối diện với nhà cửa bề bộn, con cái vô tâm lại ngang bướng, chồng ham vui tụ tập chè chén, cũng khó giữ nổi sự kiên nhẫn nhẹ nhàng - dù thâm tâm rất muốn làm "bà mẹ của năm" luôn dịu dàng với con, mong con trải qua những năm tháng ấu thơ đẹp "như mơ" tôi từng vẽ ra trong tưởng tượng.
Cuộc sống có những lý lẽ của nó, có những lo toan thực tế của nó, mà phải khi trở thành "bomb mom" - tức là… mẹ mìn, theo cách gọi vui của hai đứa con, tôi mới thấm thía. Rằng khi xưa mình đã quá khắt khe kỳ vọng ở cha mẹ, mang những lý thuyết sách vở để so sánh, bất mãn, thất vọng.
Rồi cũng tới ngày tôi chợt nhớ lại cái câu "giữ ấm êm trong nhà" của ngoại năm nào. Hóa ra, dẫu ít học, tuy quê mùa vụng về nhưng ngoại tôi, cũng như đa phần phụ nữ khác, đều đặt trách nhiệm, bổn phận đối với gia đình lên hàng đầu.
Cả má tôi nữa, cũng cố gắng chu toàn, quên đi bản thân. Tôi hiểu ra, dù ở thời đại nào, có ra ngoài hô mưa gọi gió tới đâu, phụ nữ vẫn luôn là người giữ lửa trong gia đình, là trái tim của một ngôi nhà.
Có yên ổn nhẹ nhõm hay không, có no đủ an lành hay không đều do thái độ sống của người đàn bà quyết định. Hiểu và bớt trách cứ, chỉ ngậm ngùi thương bà, thương mẹ, thương chính mình, thương cả đứa con gái "cứng đầu" mai này cũng sẽ lập cập làm vợ, làm mẹ đó thôi….
Theo tuoitre