Làm sao để chữ hiếu không phải là áp lực nặng nề? Ảnh minh họa
Theo tôi, hiếu thảo phải xuất phát từ tình cảm thật sự, kèm theo sự tôn kính đúng mực, thì khi đó, thực hành hiếu thảo với cha mẹ, ông bà cũng là một điều thuận tự nhiên, không gò bó o ép dẫn đến sự bất bình hoặc thực hành với tâm lý phẫn uất.
Cha mẹ Việt luôn tự hào yêu thương con vô bờ bến. Họ dành tất cả mọi điều tốt đẹp nhất cho con: thời gian, tiền bạc, tình yêu thương, sự quan tâm chăm sóc. Họ cho rằng mình yêu thương con như thế thì sau này con sẽ hết mực hiếu thảo, phụng dưỡng mình khi về già. Họ chiều chuộng con cái vô điều kiện, cho đi mọi thứ: tuổi xuân và sức khỏe, sự nghiệp, tiền của… khiến đứa con chỉ biết nhận mà không hề biết cho đi hoặc đáp đền.
Nhưng sự bao bọc thái quá chỉ làm đứa trẻ không ngừng đòi hỏi. Sự đòi hỏi ấy không bao giờ là đủ. Đừng dung dưỡng cho thói ích kỷ, cậy trông của con trẻ. Bởi vì, thói ích kỷ này sẽ theo đứa trẻ suốt đời. Lúc ấy, lòng hiếu thảo mà cha mẹ chờ đợi bấy lâu ở đứa con sẽ không bao giờ có được.
Lòng hiếu thảo không tự nhiên mà có. Người phương Tây có cách dạy con về lòng hiếu thảo rất hay, chỉ làm thôi, không cần nói. Và quan trọng nhất là cha mẹ phải biết… ngừng đòi hỏi.
Không đòi hỏi con phải hiếu thảo khi con trẻ chưa hiểu thế nào là hiếu thảo. Không đòi hỏi con phải dành toàn bộ thời gian quanh quẩn trong nhà để chăm sóc, cơm dâng nước rót cho mình trong khi chúng đã là cha mẹ của những đứa trẻ khác, cũng phải nai lưng bươn chải kiếm tiền giống như ta khi xưa.
Người phương Tây quan niệm về chữ hiếu nhẹ như không. Họ thương con “có chừng mực”, rèn cho con tự lập ngay từ nhỏ. Họ quản lý tài chính khôn ngoan, chẳng bao giờ dành hết gia sản cho con để mong con hiếu thảo với mình. Hãy nhìn các tỉ phú lừng danh trên thế giới, như Bill Gates chẳng hạn. Số tiền kếch xù mà ông kiếm được hẳn sẽ giúp con cháu ông xài mấy đời chưa hết. Nhưng hơn 90% số tiền ấy ông dành cho các quỹ từ thiện. Con á? Tự kiếm sống đi! Và con cái Bill Gates không hề trách cứ cha mẹ mình, vì họ đang làm việc thiện, việc tử tế. Đó chính là cách mà họ đang dạy con về chữ hiếu. Con cái họ phải nhìn theo cha mẹ để sống sao cho tròn đạo lý.
Người phương Tây cũng luôn khuyến khích con “bay càng xa càng tốt”. Cha mẹ già vui vẻ quảy ba lô vào viện dưỡng lão. Tiền bạc lúc nào họ cũng có một khoản dự phòng tương đối cho tuổi già. Và họ, những ông bà già nhưng luôn tràn đầy suy nghĩ tích cực, chẳng thấy buông lời trách móc thở than, đòi hỏi con phải thế này thế kia với mình. Con cứ sống đời con, ta cứ sống đời ta. Vậy mà, mấy ai thấy con cái bạc đãi hay bỏ rơi họ khi về già nhiều như ở xứ ta?
Huỳnh Tuấn Anh - đạo diễn phim Lô Tô nhẹ lòng khi thực hiện trọn vẹn sự hiếu thảo với mẹ của mình dù bà không hề đòi hỏi. Hình: internet
Cuộc sống là một guồng quay vô tận nhưng ai cũng có thể làm chủ cuộc đời mình. Như một bà mẹ ở Gia Lai bị ung thư và một cuộc đời đầy mất mát nhưng chưa hề hé răng đòi con cái phải phụng dưỡng, lo toan bệnh tật cho mình. Vậy nhưng, nhìn thấy mẹ làm từ thiện, những đứa con tự khắc quay về bên mẹ để đỡ đần.
Hay như cách đây không lâu, đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh cũng nghẹn ngào chia sẻ về người mẹ mắc bệnh ung thư của mình. Bao nhiêu tiền bạc trong nhà, bà đều mang đi giúp đỡ người nghèo khó, thậm chí đến mức đổ nợ. Tuấn Anh phải gánh món nợ khá lớn và không hề lên tiếng oán than khi phải oằn vai lo thuốc thang, viện phí và chăm sóc mẹ đến tận ngày cuối đời.
Với Tuấn Anh, những việc làm của mẹ chính là phước lành mà bà mang lại cho anh. Mẹ đã không đòi hỏi anh phải phụng dưỡng, anh cũng không oán trách mẹ chẳng để lại gia sản gì cho mình. Nhưng anh vẫn thực hiện trọn vẹn chữ hiếu dành cho mẹ, từ cái tâm được gieo mầm những điều tử tế của mẹ.
Con cái chính là biểu hiện tiếp nối của chính ta trong tương lai. Hiểu vậy để thực hành đúng việc hiếu thảo, tránh những hành vi sai trái bị người đời bêu rếu như trường hợp người con gái ngược đãi, hành hung mẹ già ở Cần Đước chỉ vì bà không còn gì để cho con.
Xưa, cha của Chử Đồng Tử đã từng khước từ tấm khố duy nhất khi lìa đời để dành lại cho con. Ông không hề đòi hỏi con phải lo cho mình một cái chết tươm tất. Nhưng chính vì cha không đòi hỏi, Chử Đồng Tử đã thực hành hiếu đạo trọn vẹn: nhường tấm khố để quấn cha dưới ba tấc đất. Người xưa đã gửi gắm vào câu chuyện sự thâm thúy sâu sắc bên trong chữ hiếu. Cớ sao ngày nay lại quá nhiều người khiến chữ hiếu mang ý nghĩa sai lệch hẳn đi?
Theo phunuonline