Ảnh minh họa

Buổi chiều, đeo cái ba-lô to nhưng nhẹ hều vì chứa mấy hộp rỗng đựng thức ăn sáng và trưa, tôi xuống hầm lấy xe với tâm hồn phơi phới.

Đi ngang qua chú bảo vệ, tôi gật đầu chào. Chú vui vẻ nói: “Cha! Về sớm dữ bây!”. Tôi đáp: “Dạ, đúng giờ! Con về đúng giờ!”. Tôi gửi chú một ánh mắt biết cười (vì đang đeo khẩu trang) rồi đi tiếp.

Ngày nào cũng vậy, sáng đến công ty như thế nào thì về như thế ấy, tâm trạng luôn tươi mới, vui vẻ như trẻ nhỏ khi xưa cắp sách tới trường rồi cắp sách về. Trước đây, sau mỗi ngày làm việc, tôi như quả bóng xì hơi, cạn kiệt năng lượng tinh thần lẫn thể chất. Tôi đã thay đổi bằng cách nào?

Một ngày của tôi bắt đầu từ 4 giờ và kết thúc trước 22 giờ. Ngủ sớm dậy sớm, nên khi vừa thức dậy, tôi dành hơn 30 phút tĩnh lặng. Sau đó là nấu nướng, tập thể dục và đọc sách.

Nhờ tĩnh lặng và ứng dụng những kiến thức nhằm nâng cao sức mạnh tinh thần, tâm trí tôi luôn được nạp nguồn năng lượng lành mạnh vào đầu ngày. Sau mỗi giờ làm việc, tôi ngừng lại một chút, tập cho tâm trí mình tĩnh lặng vài giây hoặc ôn lại kiến thức đã đọc sáng nay rồi tạo ra những suy nghĩ tích cực.

Trong giờ làm, tôi chú ý vào cảm xúc, suy nghĩ của mình. Khi có dấu hiệu bất an, không ổn định, tôi thường hay hỏi: “Mình đang nghĩ gì”, vì suy nghĩ tạo nên cảm xúc. Sau đó tôi giải thích cho bản thân như người mẹ nói chuyện với con. 

Tôi giải thích cho “nó” những gì mình có thể kiểm soát, những gì ngoài tầm kiểm soát của mình, trả lời những câu hỏi “nó” đang xoay vần trong đầu và hướng dẫn “nó” thay đổi suy nghĩ. 

Tâm trí như một đứa trẻ ham chơi, “nó” luôn cần đồ chơi. Đồ chơi của “nó” là suy nghĩ, dù tích cực hay tiêu cực, dù đúng hay sai. Việc của ta là hướng dẫn tâm trí mình theo hướng tích cực và tạo suy nghĩ đúng. Nhiều khi bên tiêu cực chiếm ưu thế, ngay lúc đó tôi phải tìm cái gì đó tích cực để đọc, để nghe…

Tôi thường giao dịch qua email và tin nhắn với đồng nghiệp, đối tác. Cuối mỗi email tôi thường thêm vào một lời chúc. Những ngôn từ tích cực từ các câu chúc kích hoạt năng lượng tích cực trong tôi và lan tỏa năng lượng đó đến người nhận email. Vì thế, một vài đồng nghiệp, đối tác thường nói với tôi rằng khi nhận được tin nhắn hay email của tôi, họ thấy bình yên.

Trong giao tiếp, tôi nói ít và giữ nguyên tắc không buôn chuyện về người khác, không nói về bệnh tật hay những vấn đề ngoài tầm kiểm soát của mình. 

Đó là cách tôi nuôi dưỡng tâm trí tích cực, lạc quan. Khi không có cỏ dại của những điều tiêu cực thì hạt mầm thanh thản, vui tươi nảy nở, vì bản chất của tâm hồn là bình an, yêu thương và hạnh phúc. 

Như việc trông trẻ nhỏ, thỉnh thoảng ta ghé mắt xem chúng có quậy phá không, chúng có đang chơi đùa an toàn không. Tương tự, ta cũng trông chừng tâm trí mình như thế. Cứ mỗi giờ, tôi dừng lại một phút và hỏi: “Mình đang nghĩ gì? Mình đang cảm thấy như thế nào?”. Kiểm tra và thay đổi suy nghĩ, tôi nghĩ đó là bí quyết thay đổi cuộc đời. 

Theo phunuonline