Nếu như tôi nhỏ con, yếu đuối, nhẹ nhàng, tế nhị, thì anh hầm hố, mạnh mẽ, nghĩ gì nói nấy.

Mẹ tôi bảo chồng như thế mới bảo vệ được tôi, đàn ông ăn to nói lớn là chuyện bình thường, vợ chồng trái ngược là bổ sung cho nhau, càng trái ngược càng hấp dẫn, để còn có cái mà khám phá nhau, miễn sao vợ/chồng đừng làm những điều xằng bậy, làm ảnh hưởng đến danh dự, hạnh phúc gia đình là được. 

Mỗi lần tôi than thở chồng, mẹ tôi lại khẳng định: “Khác nhau mới tốt”. Mẹ luôn bác cái quyền cải tạo chồng theo ý muốn của tôi. Tại sao chồng không vì tôi mà sửa đổi tính tình, chẳng hạn anh có thể bớt nói to tiếng, bớt cái tính nghĩ gì nói nấy.


                                                                                                Ảnh minh họa

Hai con gái tôi không đồng quan điểm với ba và bà ngoại. Chồng tôi lý giải, tại các con cùng gu mẹ, nên mới thấy ba khác biệt, “nhưng còn lâu ba mới thay đổi”, anh chốt.

Anh muốn tập võ cho con nhưng hai con bé nhất định không chịu. Sau vụ đó, anh chỉ cho con thấy rằng: Con không chịu học võ, cũng giống như ba không chịu thay đổi tính cách bản thân. Sự so sánh này có vẻ không chuẩn, nhưng đại loại là đừng ép buộc người khác theo ý mình. 

Thôi vậy, kể từ đó mẹ con tôi đành chấp nhận mọi thứ thuộc về bản chất người chồng, người cha, người đàn ông duy nhất trong nhà. 

Chồng tôi có thói quen mỗi khi gọi điện thoại cho vợ con, hoặc cho bạn bè, người thân, anh đều gọi video, nhìn rõ mặt người đối diện mới chịu. Chuyện này làm tôi dị ứng kinh khủng, tôi cho rằng anh mất lịch sự, nên khi nói chuyện với chồng, tôi thường mau chóng kết thúc câu chuyện, coi như bày tỏ thái độ với anh.

Thậm chí có những hôm anh bảo tôi nói chuyện video call với người họ hàng, khi mà tôi đang ở nhà, quần áo, đầu tóc không được gọn gàng, rất mất tự tin.

Thường, gọi video phải nói to thì bên kia mới nghe rõ, mà anh nặng giọng địa phương, gọi nhau cười đùa rần rần, mỗi lần như thế, mẹ con tôi không ai bảo ai, cùng lắc đầu nhìn nhau cười trừ, kiểu: Người đàn ông của chúng ta là vậy, đừng mong thay đổi. 

Chồng tôi còn có tính nói dóc và hay khoe khoang, mẹ con tôi gọi là tật “nổ”. Anh ấy cho rằng nói dóc, khoe khoang nhưng không ảnh hưởng tới ai, nói cho vui thì chẳng sao, miễn đừng vay mượn, xin xỏ ai là được. Nhà có gì, chồng cũng móc ruột ra khoe, thậm chí có khi còn nói quá, để người ta… mừng cho mình.

Mẹ con tôi rốt cục chẳng còn bí mật riêng tư nào. Thậm chí những dự định giữa hai vợ chồng, mới vừa bàn bạc, chưa biết có thực hiện được không, chỉ vài hôm là hàng xóm đã sang chúc mừng. Tôi chỉ biết sượng trân và những lúc ấy thật chán với ông chồng “khác biệt”. 

Theo  phunuonline.com.vn