leftcenterrightdel
 Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK

Chuyện kể rằng có một anh chàng nọ rất tốt bụng, chăm chỉ. Anh lỡ yêu phải một cô đào mỏ và gian dối. Biết mình bị lợi dụng, anh lập tức chia tay. Thế nhưng, tình yêu vẫn còn nên sau vài tuần anh bắt đầu nhớ nhung cô. Đúng lúc đó, cô gọi điện đến xin “yêu lại từ đầu”. Lý trí anh bảo không nên nối lại cuộc tình, nhưng trái tim anh lại vương vấn người cũ. Chàng trai đành cầu nguyện thượng đế cho anh dấu hiệu để biết có nên tiếp tục với cô gái hay không.

Khi anh lấy xe máy định phóng đến điểm hẹn, anh tìm mãi chẳng thấy chìa khóa xe. Tìm được rồi, anh vội rồ ga chạy như bay. Dọc đường anh gặp cây đổ chắn ngang đường, rồi đến “đoạn đường đang thi công”, bị kẹt xe… Vậy mà anh vẫn không nản lòng, anh thầm nhủ: “Có phải ý thượng đế là tình yêu phải vượt qua chông gai mới đáng quý?”.

Cuối cùng, anh cũng đến được chỗ người yêu. Hai người ôm nhau, mừng mừng tủi tủi. Trên trời cao, thượng đế thở dài và nói: “Ta đã cố hết sức ngăn cản con rồi. Người yêu cũ của con “red flag đầy mình, nhưng ý con đã quyết thì…”.

“Cờ đỏ” (red flag) là phép ẩn dụ cho các nguy hiểm và thảm họa sắp ập đến, giống như những cờ hiệu cảnh báo vùng nước xoáy hoặc dòng chảy xa bờ, giúp người tắm biển biết tránh xa. Trong kinh doanh, “cờ đỏ” là dấu hiệu mà các nhà đầu tư đề phòng mỗi khi thực hiện dự án. Trong các mối quan hệ, nhận biết “cờ đỏ” sẽ giúp phần nào tránh khỏi những người “độc hại”, mang năng lượng tiêu cực hoặc kẻ vũ phu, thao túng tâm lý, điên tình…

Theo Brett và Kate McKay, hai tác giả của cuốn sách The Art of Manliness (Nghệ thuật của sự nam tính), có 14 dấu hiệu được xếp vào “cờ đỏ”:

Hàng đầu phải tính đến mấy típ người:

1. Bị bất ổn về mặt cảm xúc.

2. Hay nói xấu người yêu cũ hoặc vợ/chồng cũ.

3. Thường xuyên thất hứa.

4. Luôn đặt nhu cầu cá nhân cao hơn nhu cầu của người thân thiết.

5. Đối xử tệ với những ai có vị thế thấp hơn. 

6. Khiến người khác thấy áy náy khi muốn dành thời gian cho bản thân.

7. Không thích nhận sai và xin lỗi.

8. Có mối quan hệ cực kỳ tệ với gia đình.

9. Không chịu thỏa hiệp, muốn chiến thắng bằng mọi giá.

Nào đã hết đâu! Về lâu về dài, họ còn…

10. Sẵn sàng làm tổn thương bạn để đạt mục đích. 

11. Hai người yêu nhau nhưng mục tiêu và quan điểm sống quá khác biệt.

12. Khi yêu, “nửa kia” không biết ơn những gì bạn cống hiến cho họ.

13. Bạn không thể hòa hợp với bạn bè của “nửa kia”.

14. Bạn và “nửa kia” thường xuyên cãi vã, ít khi hòa thuận.

Cư dân mạng có câu: “Yêu vào là lú hết cả đầu”. Quả thật, khi sa vào lưới tình, bốn loại hoóc-môn hạnh phúc dâng trào dễ làm lý trí con người bị che mờ, bỏ qua các dấu hiệu cảnh báo.

Trong nhiều truyện lãng mạn, mô-típ trai hư (giàu có, đa tình, ăn chơi trác táng, thay bồ như thay áo) thay đổi bản thân vì bạn gái khá được yêu thích. Chỉ khi gặp đúng “tình yêu đích thực” và được cô ấy chữa lành tổn thương tinh thần, trai hư mới hoàn lương, trở thành người đàn ông lý tưởng. Tiếc thay, kiểu tình yêu đó chỉ có trong phim ảnh, tiểu thuyết chứ ít khi gặp ngoài đời thực. 

Vì thế, trước khi lao vào yêu “bad boy”, các cô gái hãy cân nhắc tín hiệu “cờ đỏ” trong mối quan hệ này, thay vì ảo tưởng “mình sẽ thay đổi anh ấy”. Cánh đàn ông cũng chớ vội tin mình sẽ biến cô bạn gái mạnh mẽ, độc lập thành người vợ ít nói và dễ bảo. “Giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời”, chẳng ai thay đổi được người khác theo ý mình, họ tự sửa bản thân thôi.

Một sai lầm khác khi yêu là ngộ nhận sự ghen bóng ghen gió với tính cuồng ghen, thích kiểm soát người yêu. Các cô gái ngây thơ dễ nhìn nhầm loại “cờ đỏ” này thành biểu hiện “có yêu thì mới ghen”. Đến khi họ đánh hơi thấy mùi nguy hiểm, định rút lui thì red flag đã biến thành death flag (cờ chết) mất rồi! Chỉ vì dính vào kẻ cuồng ghen, không hiếm cô gái mất đi tương lai tươi sáng, người bị giết, người bị tạt a-xít…

Tất nhiên không phải lúc nào “cờ đỏ” cũng thành “cờ chết”. Phổ biến hơn là “cờ đỏ” khiến người ta cảm thấy ngột ngạt, nặng nề, không hạnh phúc trong một mối quan hệ bất kỳ. Vài đối tượng có “cờ đỏ” nhưng vẫn được bạn bè, người yêu thương cảm, không nỡ bỏ rơi. Loại “cờ đỏ” này tuy không gây chết chóc nhưng sẽ đeo bám nạn nhân rất lâu, có khi gây phí hoài cả đời họ, bởi “bỏ thì thương, vương thì tội”.

Tránh được “cờ đỏ” thì quá tốt, nhưng chẳng may vớ phải rồi thì việc khéo léo dứt bỏ được mối quan hệ độc hại cũng là một bước đi khôn ngoan. 

Theo phunuonline