Từ lúc tuổi trăng tròn đẹp nhất, mẹ từ quê lên Sài Gòn đi làm kiếm tiền phụ ngoại lo cho các cậu dì. Từ bán gạo, lặt đậu, giúp việc... mẹ đều làm qua. Mẹ hay kể rằng mẹ làm được bao nhiêu là bà chủ giữ, tới ngày bà ngoại lên lấy tiền về nuôi các cậu dì. Mẹ không biết xài tiền cho bản thân. Cứ thế cho đến khi các cậu dì lớn lên.
Tôi là kết quả từ tình yêu của ba mẹ. Nhưng mẹ không được chấp nhận vào nhà nội, vì mẹ là người giúp việc. Mẹ quyết định về nhà ngoại nương náu chờ ngày tôi ra đời. Khó khăn trăm bề nhưng mẹ vẫn một mình vượt qua để nuôi tôi lớn lên.
Còn nhớ như in khoảnh khắc hơn mười năm trước, tôi báo tin cho mẹ tôi sẽ hủy hôn, sẽ trả lễ cho người ta. Mẹ chỉ thấy khó hiểu một chút và hỏi vì sao lại thế. Thậm chí, mẹ còn chạy sang bên nhà trai để hỏi lý do. Nhưng sau đó, mẹ vẫn tôn trọng suy nghĩ của tôi và mẹ chấp nhận. Lúc đó, cậu dì phản đối quyết liệt vì gia đình không có truyền thống con gái hủy bỏ hôn ước. Mẹ đã bao dung, thay mặt con gái, đứng ra nhẹ nhàng giải thích với họ hàng, liên tục bảo vệ tôi trước nhà ngoại và nhà bạn trai.
|
Tác giả cùng mẹ và con trai du xuân ở đường hoa Nguyễn Huệ, Q.1, TPHCM |
Mẹ nói: “Con tôi nhận ra sớm sẽ không hạnh phúc với người đó, con dừng lại lúc này là điều nên làm, còn hơn việc con yếu đuối chấp nhận hôn sự vì những ràng buộc của truyền thống gia đình. Nếu sau này con khổ, tôi còn đau lòng hơn”.
Lần thứ hai, mẹ lại dùng tình yêu thương vô bờ bến để bảo vệ tôi một cách nhẫn nhịn. Đó là khi tôi báo cho ba dượng và mẹ hay tin tôi đã… mang thai ba tháng. Lại một lần nữa, đường tình của tôi lận đận không thể đi đến hôn nhân với người mình yêu. Ba dượng và mẹ không một lời mắng chửi hay một câu đay nghiến. Ba mẹ còn bảo nhau an ủi tôi cho cháu phát triển khỏe mạnh. Mẹ về bàn lại với nhà ngoại cho phép tôi sau khi sinh được về nhà mẹ chăm sóc. Nhưng, bà ngoại, các cậu các dì không đồng ý, không cho tôi về nhà vì sợ làm xấu mặt gia đình. Mẹ vẫn đứng ra thuyết phục gia đình tha thứ cho tôi. Mẹ bảo đó là cuộc đời của tôi, tôi chọn sao mẹ sẽ theo.
Mẹ nhẹ nhàng hỏi tôi thèm ăn gì mẹ sẽ mua đem lên nhà trọ. Tôi “mít ướt” tủi thân khóc òa như đứa trẻ không ngoan được mẹ tha lỗi. Mẹ bảo ăn uống nhiều vào cho cháu mẹ khỏe. Lên thăm, thấy tôi gầy gò xanh xao, mẹ xót xa vỗ về. Rồi mẹ đi cùng tôi tới chỗ khám thai, đi ăn uống. Mẹ còn bảo trông chờ cháu ra đời để mẹ được chăm em bé nữa.
Nhớ những lúc tôi nghén nặng, ăn không được, cứ ăn vào rồi lại nôn ra, cô chủ nhà thấy vậy cũng xót xa và gọi báo mẹ hay. Mẹ liền quyết định dọn lên ở trọ cùng tôi để tiện chăm sóc hai mẹ con. Ngày ngày, mẹ dậy sớm đi chợ nấu cho tôi những món ăn đầy bổ dưỡng. Mẹ theo dõi quan sát tôi từng ngày. Lúc đó, tôi thấy mình hạnh phúc làm sao!
Tôi đi làm, mẹ ở nhà buồn tay buồn chân. Thế là mẹ lén tôi qua giúp việc cho cô hàng xóm, lại còn dặn: “Chị đừng nói lại với con em, sợ nó buồn ảnh hưởng đến thai nhi. Tại em ở không buồn quá nên làm cho bớt thời gian thôi”. Cho tới khi tôi phát hiện việc này, hai mẹ con ôm nhau khóc như mưa. Tôi đã làm mẹ khổ theo vì những quyết định của bản thân. Mẹ vỗ về bảo rằng, mẹ chỉ làm cho tới khi cháu ngoại mẹ ra đời thì mẹ sẽ nghỉ. Cứ thế mẹ cùng tôi trải qua giai đoạn thai kỳ bình an và mạnh khỏe.
Cho đến tận bây giờ, thấy mẹ yêu thương chăm sóc cho con mình, tôi chỉ mong khoảnh khắc này còn mãi. Tôi cảm nhận được rất nhiều tình cảm mẹ dành cho tôi. Đó là điều tuyệt vời nhất tôi có được trên thế gian này. Tất cả những lúc sai lầm, nông nổi, tôi đều được mẹ dang vòng tay tha thứ. Mẹ nói chỉ cần gia đình mình luôn bên nhau khỏe mạnh là mẹ vui.
Mong mẹ luôn mạnh khỏe, bình an để tôi được phụng dưỡng đến ngày mẹ trăm tuổi. Người phụ nữ với nụ cười hiền hậu, lam lũ, chịu thương chịu khó nhưng mẹ vẫn đẹp nhất trong lòng con cháu. Mẹ là thiên thần che chở đời con.
Theo phunuonline