Cao Bích Thủy (tên thường gọi là Iris Cao, sinh năm 1988) - nhà văn hiện sinh sống ở bang Connecticut, Mỹ - vừa đón năm mới đặc biệt bên chồng, con.

Kết hôn vào 2017, dịp Tết Dương lịch năm nào Thủy cũng thu xếp công việc để về Việt Nam với gia đình và ở lại đón Tết Nguyên đán. Chưa cần tới Giáng sinh, cô đã rạo rực chuẩn bị cho dịp đoàn viên mỗi năm chỉ có một lần.

Năm nay, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, không có chuyến bay, lần đầu tiên Thủy không thể về đón năm mới tại quê hương.

“Tủi thân và buồn lắm. Gia đình mình rất coi trọng Tết cổ truyền. Mỗi năm, chỉ có dịp này mới có thể gặp được hết người thân trong nhà nên rất tiếc. Nhưng không còn cách nào khác”, cô nói với Zing.


                                                                                                                  Gia đình nhỏ của Thủy đón Giáng sinh ở North Carolina, Mỹ.

Một năm mới rất khác


Ởbang Thủy đang sống, công tác phòng, chống dịch Covid-19 được thực hiện khá nghiêm ngặt. Mỗi ra khi ngoài, người dân phải tuân thủ quy định giãn cách xã hội và bị từ chối phục vụ ở mọi nơi nếu không đeo khẩu trang.

Bởi vậy, những ngày này, nhiều người vẫn trang trí nhà cửa, có chút không khí năm mới nhưng không thể rộn rã như những năm trước. Mọi người cũng hạn chế tiếp xúc, tụ tập và đi lại, chủ yếu tự vui trong nhà.

“Ở Mỹ, người ta coi trọng Lễ Tạ ơn và Giáng sinh lắm nên năm mới chỉ giống như điểm thêm vào bầu không khí háo hức đó. Cá nhân mình vẫn thích đón năm mới ở Việt Nam hơn. Tại những thành phố lớn sẽ có những buổi countdown hoành tráng để mọi người được cùng nhau đón giao thừa. Nhưng năm nay, thời khắc ấy có vẻ lặng lẽ hơn, trầm lắng hơn do dịch ở Mỹ vẫn chưa có chuyển biến tốt”, Thủy cho hay.

Vì không thể về Việt Nam, Thủy chỉ có thể trò chuyện với bố mẹ, em gái qua video call.

“Mình cảm thấy thương bố mẹ vô cùng. Nếu ngày trước, chuyện bay nửa vòng trái đất về thăm họ cũng chẳng quá khó thì năm 2020, những gì mình có thể làm để vơi nỗi nhớ nhung là nhìn và nghe giọng bố mẹ qua màn hình nhỏ xíu, vô cảm. Mình hiểu sâu sắc về tình thân, tầm quan trọng của gia đình”.

Dịp Tết Âm lịch sắp tới, hai cô bạn người Việt, hiện sống ở các bang khác, dự định tới thăm gia đình Thủy. Cả nhóm sẽ cùng tổ chức bữa tiệc nhỏ để ăn mừng.


                                                                                                                   Kỳ nghỉ Giáng sinh ấm cúng của gia đình Thủy.


Thủy tự nhận là người sống tích cực nên dù trong một năm dữ dội và không thể bình yên, cô vẫn tìm thấy niềm vui bên gia đình thứ hai ở Mỹ. Vì dịch, Thủy cùng chồng, con có kỳ nghỉ Lễ Tạ ơn, Giáng sinh đầm ấm bên gia đình chồng.

Vào Lễ Tạ ơn, bố mẹ chồng Thủy - đều đã ngoài 70 tuổi - tự lái xe từ North Carolina qua Washington, D.C. đón chị chồng cô đến Connecticut đoàn tụ với gia đình nhỏ của Thủy.

Trước đó, họ nhiều lần lái xe hơn 20 tiếng để tới thăm con cháu, thay vì đi máy bay để tránh tiếp xúc với nhiều người.

Ba tuần sau Lễ Tạ ơn, Thủy cùng chồng và con gái 6 tháng tuổi bay tới nhà nghỉ dưỡng trên núi của bố mẹ chồng ở North Carolina hôm 18/12. Trước đó, chuyến bay được đặt vé trước vài tháng và phải đổi lịch trình 4 lần.

Năm nào vợ chồng Thủy cũng đón Giáng sinh cùng bố mẹ chồng vì họ rất coi trọng dịp này. Sau đó, Thủy mới bay về Việt Nam ở vài tháng và đón Tết Âm lịch.

Trong khoảng 10 ngày ở cùng gia đình chồng vừa qua, Thủy lần đầu được trải nghiệm White Christmas (Giáng sinh Trắng).

“Với người Mỹ, ai phải may mắn lắm mới được đón Giáng sinh Trắng, tức tuyết rơi đúng ngày Giáng sinh. Bố chồng mình phải đợi 70 năm mới có cơ hội này. Điều đặc biệt là con gái mình ngay Giáng sinh đầu tiên đã được trải nghiệm”, cô nói.

Ngoài tặng quà, cùng nhau làm bánh, gia đình Thủy còn hàn huyên đủ chuyện vui. Nhờ đó, Thủy thấy thân thuộc và có cảm giác đoàn tụ như ở Việt Nam.

“Dịch là nỗi mất mát ai cũng có thể nhìn thấy. Bởi vậy, thay vì nhìn vào những điều tiêu cực, mình thích nhìn theo hướng tích cực về con người, thiên nhiên trong năm nay”.


                                                                                                                  Thủy may mắn được đón Giáng sinh Trắng bên gia đình chồng.


Gia đình thứ hai ở Mỹ


Thủy tự nhận cô may mắn khi có gia đình chồng hài hước, tình cảm, lạc quan.

Ban đầu, Thủy gặp nhiều khó khăn trong việc thích nghi về văn hóa Mỹ. Dù không phải làm dâu, cô cần về thăm bố mẹ chồng vào những dịp nhất định nên đã học hỏi nhiều để hòa nhập. Sau thời gian chứng minh bản thân, Thủy được gia đình chồng rất thương.

“Mỗi lần gia đình gặp nhau là thay phiên kể chuyện cười. Nó thành truyền thống không chính quy mà ai cũng say mê sưu tầm chuyện vui để chờ dịp đoàn tụ, khui chai rượu vang là cả nhà cười tới sáng. Bố mẹ chồng mình ngoài 70 nhưng có dịp là lên xe lái thẳng 20 tiếng xuống chơi”, Thủy kể.

Mối quan hệ của Thủy và bố mẹ chồng cũng rất tốt.

“Làm con dâu của mẹ mình chỉ cần vui là được. Siêng thì nấu ăn, không mẹ mình cân hết thế giới. Từ rửa chén, lau nhà, giặt đồ, đi chợ đến trông cháu, mẹ chồng mình làm nhoáng cái là xong, rồi lại nhảy múa tiếp”, cô vui vẻ kể.

Với Thủy, bố chồng là “đệ nhất nấu ăn”. Mỗi lần ông xuống chơi, cả nhà lại được thưởng thức các bữa ăn nóng sốt và ngon miệng.

“Chị chồng mình thì là đệ nhất vú em. Đưa con cho chị mình cả ngày cũng được. Chị sẵn sàng địu bé đi chơi cả tiếng để em dâu xả hơi. Lúc mình mang thai nghén tới 9 tháng, chị nấu từng hộp súp gà gửi xuống”.

                                                                                                                 Chồng Thủy luôn bên cạnh vợ, thông cảm và thấu hiểu trong một năm khó khăn.


Thủy nói thêm: “Gia đình mình cũng không nhiều người nhưng lúc nào cũng vui như hội. Mình thấy may mắn khi có thêm hẳn một gia đình thứ hai ở nước Mỹ xa xôi này”.

2020 nhiều biến động nhưng cũng là năm Thủy cảm thấy yêu chồng nhiều nhất. Mang thai đúng thời điểm dịch bệnh, vợ chồng Thủy rất ngại tới bệnh viện, bởi Connecticut nằm giữa Florida và Massachusetts - 2 bang tâm dịch của Mỹ.

Gần ngày sinh, vợ chồng Thủy tới bệnh viện hỏi phương án sinh tại nhà, song không khả thi vì rủi ro cao khi không có hỗ trợ y tế. Để chăm sóc vợ, chồng Thủy quyết định nghỉ việc.

May mắn là con gái đầu lòng của họ chào đời khỏe mạnh. Tuy nhiên, Thủy bị trầm cảm sau sinh, nhưng hiện đã hồi phục 80%.

“Chồng gánh vác cả gia đình qua thời kỳ khó khăn mà chưa từng một lần than vãn hay tỏ ra mệt mỏi. Nếu không có chồng hiểu những gì vợ đang trải qua, mình đã không thể vượt qua thời gian thử thách này”, Thủy nói.

Sự xuất hiện của bé Thỏ, theo lời Thủy, như điều kỳ diệu cứu vớt đời cô trong năm nay khi mắc kẹt, không có gia đình, công việc, trắng tay dễ hụt hẫng, chơi vơi.

Hiện chồng Thủy đã đi làm lại tại một công ty du thuyền. Thủy ở nhà chăm con, làm công việc online, liên quan tới viết lách.

“Mình chỉ mong dịch qua đi để mọi thứ trở lại bình thường, dù gì cũng tìm ra vaccine rồi. Mình hy vọng mọi người giữ tinh thần lạc quan, tích cực để đẩy lùi những chuyện chưa vui của năm cũ để đón năm mới trọn vẹn, hạnh phúc hơn”, cô chia sẻ.

Theo Zing