Chị Hiên bên ngôi nhà tạm của 3 mẹ con.

Ngôi nhà tạm mái proximăng, vách được chằng buộc bằng phế liệu và những tấm liếp nằm liêu xiêu ở rìa làng. Đó là nơi trú ngụ của 3 mẹ con chị Nguyễn Thị Thu Hiên (SN 1977), thôn Nhân Hòa, xã Tả Thanh Oai, Thanh Trì, Hà Nội.

Lớn lên trong những trận đòn roi của bố và dì ghẻ, năm 14 tuổi có người họ hàng rủ đi làm ăn xa lương cao chẳng ngần ngại Hiên đồng ý ngay. “Sang tới nơi mới biết là Trung Quốc. Mình phải làm việc quần quật hơn chục tiếng đồng hồ một ngày. Ăn đói, làm chậm còn bị chủ đánh đập, không cho ăn…”, chị Hiên nhớ lại. 

Thực chất chị bị bán cho chủ lò gạch làm nô lệ không công. Năm 24 tuổi, một người đàn ông Trung Quốc mua chị về làm vợ. Nhà chồng ở huyện miền núi của tỉnh Quảng Đông cũng nghèo khó trăm bề với công việc làm nông vất vả quanh năm suốt tháng.

Chị phải quần quật với nương rẫy để nuôi gia đình nhưng lại thường xuyên hứng chịu những trận đòn từ người chồng không chí thú làm ăn, suốt ngày cờ bạc rượu chè. Cứ thua bạc, về nhà hắn bắt chị đưa tiền để thỏa cơn đỏ đen nhưng chị làm gì còn tiền. Hắn bảo, chị giấu tiền không đưa cho hắn, vậy là hắn lôi chị ra đánh đập dã man. 

A Sang, người chồng hơn chị chục tuổi, bị ám ảnh về số tiền anh ta phải bỏ ra mua chị về làm vợ. Lần lượt 3 đứa con ra đời, chị vẫn làm như trâu như ngựa còn chồng chị thì vẫn rượu vẫn cờ bạc và đòi món tiền mua chị năm nào.


“Tôi uống thuốc sâu tự tử để kết thúc cuộc sống khổ ải mà mình phải chịu nhưng nhà chồng phát hiện, đưa đi bệnh viện cấp cứu”, chị Hiên kể. Họ hàng nhà chồng không ác nhưng họ cũng phải vật lộn với cuộc sống nên chẳng giúp gì được cho chị.

Trong số những người họ hàng bên chồng có người chú ruột tên là A Quân thường ngầm giúp mẹ con chị. Thương đàn cháu thiếu ăn, dù bản thân chẳng giàu có lại phải nuôi con nhưng mỗi lần chồng đi đánh bạc, nhà hết gạo ông lại san sẻ cho mẹ con chị cân gạo túi ngô. Mỗi lần A Sang say rượu thua bạc đuổi đánh, mẹ con chị lại chạy đến tá túc ở nhà ông. 

Nhìn cảnh mấy mẹ con rúm ró vì đòn roi, ông bảo: “Cháu ạ, mấy mẹ con cháu phải đi nơi khác thôi chứ sống ở đây, một người chồng, người bố như vậy thì tủi nhục cả đời”. Ông cũng bóng gió chuyện đưa mấy mẹ con về Việt Nam.

Năm 2009, sau một trận đòn nhừ tử của chồng khi hắn đi uống rượu về, A Sang đuổi mẹ con chị ra khỏi nhà và còn thách thức: “Có giỏi thì về quê mày mà sống, đất này không có chỗ của mày”. 

Mấy mẹ con chị lại bồng bế nhau lên tá túc nhà ông A Quân. Ông nói: “Lần này thì cháu phải đưa hai đứa nhỏ về Việt Nam thôi, không sống tiếp thế này được đâu”.

Ông đưa cho chị 3 nghìn nhân dân tệ, số tiền không hề nhỏ với gia cảnh của ông. Ông lại dặn, trước mắt, chị đưa 2 đứa con nhỏ sang nhà em gái của chồng ở tạm để chồng khỏi nghi ngờ. Ông cũng khuyên nên để đứa con đầu lại, dù sao cháu cũng đã lớn, vả lại cả 4 mẹ con cùng đi sẽ khó khăn hơn nhiều. Buổi chiều ngày hôm sau, ông gọi điện và hướng dẫn chị bắt xe khách đến một địa điểm cách nhà 300km, ông sẽ chờ mấy mẹ con ở đó.

Đón mẹ con chị, ông A Quân đưa cả 3 mẹ con đi tiếp 1 ngày đường nữa thì đến biên giới rồi theo đường mòn về Lạng Sơn. “Con về quê đi, cố nuôi lũ trẻ nên người. Các cháu nhớ ngoan và nghe lời mẹ nhé, mẹ các cháu đã khổ nhiều rồi…”, vừa dặn ông vừa gạt nước mắt hôn tạm biệt 2 đứa cháu. Chị cũng khóc nhưng là giọt nước mắt của tự do trên đất mẹ.

Bữa cơm đạm bạc của 3 mẹ con chị Hiên.

Những ngày sau, thỉnh thoảng chị vẫn gọi điện sang cho ông A Quân cảm ơn ông và hỏi tin tức đứa con lớn của mình. Từ năm 2011 chị mất điện thoại, mất luôn cả số điện thoại của ông nên chẳng liên lạc được nữa.

Về lại Việt Nam chị chỉ có hai bàn tay trắng, thân lại mang bệnh tật. Thấy hoàn cảnh éo le của chị, hàng xóm người cho ít tre, gỗ tạp, người tấm bro xi măng giúp mẹ con chị dựng tạm căn nhà nhỏ nơi rìa làng làm nơi che mưa che nắng. Trong thời gian này, người làm công việc gom rác của thôn nghỉ nên chính quyền xóm cũng tạo điều kiện cho chị làm công việc thu gom rác trên địa bàn làm kế sinh nhai. 

Mẹ con chị Hiên trở về từ địa ngục trần gian, dù được làng xóm cưu mang nhưng vẫn trăm bề vất vả.

Từ ngày về Việt Nam, sức khỏe của chị suy giảm nhiều, bệnh tật tái phát. Đi khám, bác sĩ kết luận chị bị tắc mật cấp do sỏi đường mật. Thỉnh thoảng cơn đau lại hành hạ chị nhưng chị vẫn phải cố làm vì nếu không, 3 mẹ con lấy đâu tiền đong gạo. 
Cháu lớn về cùng chị 11 tuổi, đang học lớp 5, cũng phải phụ mẹ công việc gom rác. “Trước khi đi học hay đi học về, con bé lại tranh thủ đẩy cho mẹ một xe rác về nơi tập kết. Nhiều lúc, nhìn con bé gầy gò còng lưng đẩy xe rác, mình thấy có lỗi với con”, chị Hiền nghẹn ngào.

 “Bác sĩ bảo, bệnh của tôi cần phải mổ nhưng lấy đâu số tiền gần 50 triệu đồng để thực hiện ca mổ. Đời mình  đã trải qua bao nhiêu tủi khổ mình cũng chịu được nhưng chỉ mong còn sống được càng lâu có sức mà nuôi con, chứ mình mà chết đi thì hai đứa nhỏ sẽ bơ vơ”, chị nghẹn ngào.

        Trường Lê
(Tên nhân vật đã được thay đổi)