Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERTSOCK
Anh là người tiết kiệm, chị là người phóng khoáng. Từ 15 năm trước, khi chị đưa anh về tuyên bố “con sẽ cưới ảnh”, má chị đã lắc đầu: “Chồng nhà lính, vợ nhà quan”, chỉ có tai ương.
Anh tiết kiệm một cách hiếm thấy. Có thể chị thấy hiếm vì chị sinh ra trong một gia đình tiêu xài rất thoáng tay. Từ thời cách đây 20 năm, khi thu nhập trung bình của người ta chỉ vài trăm ngàn thì chị đã chi bạc triệu mỗi lần về quê, chỉ để mua quần áo cho trẻ con khắp xóm.
Cái tết đầu tiên yêu nhau, anh đưa chị đi mua quà tết mà mắt chữ O miệng chữ A khi thấy chị không ngừng di chuyển từ tiệm này sang tiệm khác. Đi ăn uống cùng, anh chỉ muốn ngồi vỉa hè ăn gỏi bò, cháo huyết, uống chai nước suối. Nên đôi lúc chị trợn mắt, lôi anh vào những hàng quán sang trọng ở Sài Gòn thời đó.
Khi hai người về một nhà, bạn bè, người thân dễ dàng chứng kiến sự lệch pha trong chi tiêu của họ. Vào nhà hàng Nhật, chị gọi không thiếu một hạng mục nào mà vẫn đảo tới đảo lui cái thực đơn. Anh ái ngại nhìn sang và chậc lưỡi: “Gọi vừa thôi để người khác còn có cơ hội thưởng thức!”.
Về thu nhập, anh và chị đều giỏi kiếm tiền. Chị có phần nhỉnh hơn chút đỉnh do chị chịu khó làm việc và có cơ hội làm thêm việc. Anh là trưởng phòng một công ty lớn, thu nhập rất ổn, nhưng giữ thói quen chi tiêu như cậu sinh viên nghèo thời 20 năm trước.
Sáng, anh mê ăn cơm nguội. Anh thích uống cà phê nhưng không bao giờ lê la quán xá. Biết sở thích của chồng, chị đặt cà phê định kỳ của một điểm bán chất lượng và anh ngoan ngoãn dùng vì “vợ lỡ mua”.
Có giai đoạn chị gái của chị lên giúp hai vợ chồng trông con trong sáu tháng. Khi về quê, chị gái nhận xét: “Chú Thắng không xài riêng cho mình một ngàn nào!”.
Má chị tần ngần rồi hỏi: “Thắng cũng phải đổ xăng chứ?”. “Dạ, vậy thì chỉ có tiền để đổ xăng thôi má” - chị
gái đáp.
Nếu không tính tiền đổ xăng, quả thật anh không cần đến tiền. Còn chị, từ ăn uống, áo quần, sắm sửa đồ gia dụng… đều là nhu cầu thiết yếu. Chị sắm mỗi ngày. Lướt Facebook thấy quảng cáo hay ho, chị lập tức đặt hàng.
Đi ra chợ gần cơ quan để ăn xế mà lỡ đi ngang hàng áo quần, chị cũng dừng lại và “tha” về một núi quần áo. Bạn bè, đồng nghiệp mà bán gì là chị mua nấy. Chị nói: “Trước là mua ủng hộ, sau thì để dành xài dần”.
Với bạn bè, họ hàng, con cháu… chị luôn sẵn lòng giúp đỡ. Năm ngoái, đứa cháu ở quê lấy chồng mà chỉ dám thuê một cái đầm cưới, chị thấy không đành, đề nghị thuê thêm ít nhất một cái nữa để thay đổi trong ngày trọng đại.
Nghe bà dì thành phố khuyên nhủ, cô dâu mới thành thực tâm sự do hai vợ chồng muốn tiết kiệm, sợ mắc nợ quá nhiều sau đám cưới. Chị nghe vậy liền đưa cháu ra tiệm áo cưới, bỏ tiền thuê ngay thêm một chiếc đầm soiree.
Mẹ cô dâu, chính là người chị gái đã lên trông con giúp chị sáu tháng sau sinh thấy vậy… giậm chân kêu trời: “Trời ơi, thuê chi thêm một cái váy tốn hơn bạc triệu, trong khi chú Thắng tiết kiệm từng ly cà phê!”.
Lúc sống cùng vợ chồng em gái, rất nhiều lần chứng kiến em rể lục cơm nguội ăn sáng, chị xót xa mắng vốn: “Chồng thì tiết kiệm từng chút mà vợ xài xả láng quá à!”.
Nhưng em rể nghe vậy thì cười khì: “Bù trừ đó chị Năm ơi, Út xài nhiều nhưng làm cũng nhiều. Kệ, tính Út thích giúp đỡ cho mọi người chứ cũng không phải mê xài tiền đâu. Với nhu cầu của chồng con, cô ấy lại càng không tính toán gì”.
Nhìn sự phóng khoáng của chị, người ta lại so sánh với sự tiết kiệm của anh. Rồi ai cũng ái ngại rằng cặp này trước sau gì cũng “tai ương” vì xung đột chuyện xài tiền. Hỏi chị thì chị cười xuề xòa: “Có sao đâu, miễn trách nhiệm với nhau là được chứ cần gì phải giống nhau”. Nhưng mấy ai tin vào lý giải của chị.
Chỉ anh chị và người chị gái từng ở chung là hiểu sự cân bằng vô lý của “cặp đôi tai ương”. Họ khác biệt nhưng không nhìn vào khác biệt đó để so sánh. Họ luôn thấy cân bằng khi nhìn vào nhau ở khía cạnh yêu thương, quan tâm và trách nhiệm. Có những giới hạn tuyệt vời đó, mọi khác biệt cũng chỉ là chuyện bên rìa.
Theo phunuonline