Trong thiên hạ, giờ có cả một tầng lớp “ế mà sang chảnh”. Rất nhiều cô thành đạt, có học vị hay chức vụ cao, có chuyên môn giỏi, xinh xắn, ăn mặc đúng mốt, có cả nhà đẹp… Mọi thứ sẵn hết, chỉ thiếu… ông chồng.

Học nấu phở trước khi đi làm dâu

Cô Phạm Hồng Hoa tôi quen khá xinh đẹp, thông minh, tốt bụng mà 36 tuổi vẫn chưa cùng ai. Bạn bè ra sức mai mối, rồi đùng một cái cô báo tin lấy chồng Hàn Quốc. Mừng cho cô, rồi lại lo như bao chuyện trên sách báo, rằng đàn ông Hàn khác với… trai Hàn trên phim tình cảm.

Gia đình hạnh phúc của Hồng Hoa
Gia đình hạnh phúc của Hồng Hoa
 

Trước khi sang xứ Hàn làm dâu, cô đến nhà tôi xin học cách nấu phở, để giỏi nội trợ. Thoắt cái mấy năm sau về chơi, cô bế theo đứa con gái. Tôi ngắm con bé, bảo: “Bé có tai thẩm âm tốt, nên cho học nhạc”. Tôi nói rồi quên đi, nhưng cô nhớ vì khi quan sát con, thấy tôi nói đúng.

Năm sau đại dịch, thấy cô bán hàng online từ Hàn Quốc qua Facebook. Lạ nữa là cô “tiền bán được hàng chia 2: Một nửa để… làm từ thiện”. Hàng hóa của cô đa dạng và đặc sắc xứ Hàn: các loại mỹ  phẩm, cao linh chi, sâm, thảo dược đông y theo truyền thống.

Ngớt dịch, cô về TPHCM, đến thăm tôi, dẫn theo một cô bé “lai Hàn”. Đứa bé có “tai thẩm âm” giờ đã cao lớn xinh đẹp. Điều làm tôi sửng sốt là “Hồng Hoa có mái tóc dài đẹp giờ cắt sát đầu trụi lủi?”. Nghe cô trả lời còn sững người hơn: “Em mới cắt tóc tặng cho các bệnh nhân ung thư cần tóc giả”. Rồi 2 mẹ con líu ríu kể chuyện cuộc sống xa xứ.

Cô Hồng Hoa gặp ông xã khi bán hàng cho 1 đơn vị ở lễ hội Đường sách đầu tiên tại TPHCM năm 2013. Anh Yoo Sang Heul làm kỹ thuật xây dựng, được bạn bè mai mối nên biết cô. Anh từ Hàn Quốc đến TPHCM tìm cô rồi hì hục “phụ việc” cho Hoa suốt kỳ nghỉ của anh. Anh đón xe buýt đi từ khách sạn, anh ở đường sách cả ngày, làm bất cứ việc gì, chạy mua đồ ăn cho các sinh viên làm thêm. Chiều tối, anh chở cô về, áo dài ngồi xe đạp.

Tiếp đến là nhiều sự kiện đều diễn ra vào tháng Chín: xin việc, mua nhà… thế nên cô có cái tên bán hàng là “9 Đẹp”. Hồng Hoa kể đến chi tiết chồng cô “anh mồ côi lúc 20 tuổi” thì con gái hài hước giải thích: “Là ba con… mồ côi trẻ đó”. Cô bé giỏi tiếng Việt, là giáo viên tiếng Hàn của mẹ Hoa.

"Vợ đã tiết kiệm nhiều rồi, cần phải hưởng thụ"

Tôi chưa kịp hỏi “cô có hạnh phúc không”; “tìm được hạnh phúc có... công phu không”; “cuộc sống có rủi ro không”... Cô hồn nhiên kể: “Khó nhất với tôi là tiếng Hàn. Lúc con 2 tuổi, tôi đi xin việc bán hàng cho Tập đoàn Amore Pacific chi nhánh ở Dangjin.

Có lẽ do tôi nói được tiếng Anh nên được nhận vì họ bán sản phẩm ra toàn thế giới. Mà tôi phải trả tiền trước vì hàng rất cao cấp, phí ship rất mắc nên cũng trả trước; doanh thu phụ thuộc vào sản phẩm cao cấp chính hãng và nhân viên bán hàng uy tín”.

“Người Hàn chi xài rất tiết kiệm và kỹ lưỡng. Tôi vô đường hầm vùng biên giới của họ mới biết họ đào trên đá vào mùa đông.

Chiến tranh, đồi núi trọc hết mà nay họ trồng thành những bức tranh cây lá theo mùa đẹp ấn tượng. Tôi xài tiền căn bản không hoang phí: sáng ăn cơm nhà, trưa con cơm trường học, mẹ cơm công sở, vậy mà luôn nhận được tin chồng nhắn: Vợ cứ ra tiệm mà ăn cho biết thêm món này món kia. Vợ đã tiết kiệm nhiều rồi và tuổi chúng ta cần được hưởng thụ”.

Hồng Hoa làm việc chăm chỉ tại công sở
Hồng Hoa làm việc chăm chỉ tại công sở

 

Hạnh phúc do mình nỗ lực và biết yêu thương

Hoa biết làm kim chi để trữ dùng. Ở nhà thì dùng kim chi cải thảo, nhưng nhà hàng thì có tới hơn… 200 kiểu. Với cô thì ớt Việt cay hơn. Người Hàn khỏe mạnh vì lao động, ăn rau nhiều, thức ăn theo mùa. Nay người trẻ phòng, chống béo phì vì ăn đồ tây, pizza, đồ hộp…

Có gì ở họ giống người Việt không? Có, tính bao đồng, lo cho người khác. Tây thích tự do, người Hàn giống người Việt - thích sống cùng gia đình. Dâu Việt được khen ngoan, hiếu đễ chăm sóc gia đình 2 bên, chịu khó làm lụng để có thể giúp gia đình quê xa.

Thói quen sinh hoạt nào khác biệt? “Nhanh lên! Nhanh lên! (Palli, palli!) là câu hay nghe hằng ngày. Trong khi nhiều người Việt lại… “từ từ thì khoai mới nhừ”. Còn chuyện “chiến lược văn hóa”, vì sao phim ảnh, ca nhạc, các tài tử của họ hớp hồn thiên hạ?

Sao mà phim ảnh của Hàn lại có thể thực hiện quảng bá văn hóa đi trước, thương mại hàng hóa đi sau? Vì sao phim Hàn hấp dẫn bằng văn hóa ứng xử qua những chuyện đời thật? Vì sao chất lượng sản xuất cao, xây dựng những “thần tượng quốc dân”, những chủ đề xuyên biên giới, những mối quan hệ nền tảng… Những câu hỏi ấy, tôi dần hiểu qua “câu chuyện thường ngày” của mẹ con cô Hồng Hoa.

Chồng và con gái của Hồng Hoa
Chồng và con gái của Hồng Hoa (ảnh NVCC)

Theo dõi “lịch trình về Việt Nam” của 2 mẹ con, thấy cô đi du lịch luôn kết hợp làm từ thiện, đến các mái ấm dành cho người già, người nhiễm HIV… Nơi thì cô gửi tiền, nơi cô đến nấu cháo cho bà con nghèo. Cô có ý thức cho con gái hiểu biết quê hương, đi cùng mẹ trải nghiệm cuộc sống. 2 mẹ con còn dự định tham gia công việc thiện nguyện tại Hàn Quốc.

Phạm Hồng Hoa đang sống một cuộc đời có ý nghĩa, làm dâu xứ người và tạo dựng hạnh phúc trên 2 quê hương Việt - Hàn. Cô luôn nhận mình không thành công, giàu có, nổi bật, chỉ là người phụ nữ bình thường - biết thu xếp ổn thỏa cuộc sống, để bình yên bên gia đình và có thể làm gì đó giúp quê hương. 

Theo phụ nữ TPHCM