leftcenterrightdel
 Tài chính gia đình là nguyên nhân hàng đầu gây căng thẳng cho hôn nhân (Ảnh minh họa)

Nhiều cặp vợ chồng giàu có, tiền bạc không biết kể đâu cho hết nhưng vẫn ly hôn do không thể tìm thấy tiếng nói chung. Một số đôi khác chỉ đủ ăn, đủ mặc nhưng lại sống vui vẻ, hạnh phúc. Tất nhiên các cặp đôi phải đảm bảo mình không quá thiếu thốn, nếu nghèo quá cũng ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống, và những cuộc cãi vã không đầu, không cuối về tài chính trong gia đình.

Mỗi người sinh ra với những hoàn cảnh, môi trường khác nhau. Dấu ấn tuổi thơ, lịch sử phát triển khác. Nên nhận thức, thế giới quan và nhân sinh quan khác. Và trong quá trình sống, cách thức sử dụng tiền bạc mỗi người mỗi kiểu. Người có tuổi thơ vất vả, nghèo khó, đề cao tính an toàn nên tiết kiệm. Người vốn được ba mẹ nuông chiều, đời sống đủ đầy từ bé lại thích thể hiện bản thân nên chi tiêu phóng thoáng.

Khi yêu nhau, hai giới thu hút nhau bởi những điều mới mẻ, khác biệt. Họ tìm thấy ở nhau sự hấp dẫn qua những điểm mình không có nhưng lại tìm thấy ở đối phương. Đó là những chất xúc tác kéo họ lại với nhau một cách mạnh mẽ.

Một cô gái tỉnh lẻ yêu một anh chàng thành thị điển trai, quen chi tiêu thoải mái. Đi ăn ở những nơi sang trọng, mua sắm cho cô mọi thứ. Cô cảm thấy bên anh mọi thứ luôn tuyệt vời. Khi cưới nhau về, vẫn là anh đó thôi. Nhưng trong đời sống hôn nhân, cần sự vun vén, tích góp thì cô lại thấy anh thiếu trách nhiệm, anh chi tiêu lãng phí, không phòng xa và không biết điểm dừng.

Người đó vẫn như thế, không khác xưa. Chỉ có điều mỗi giai đoạn trong cuộc sống, người ta lại đề cao những nhu cầu khác biệt, giai đoạn này khác giai đoạn kia. Đây là bi kịch của hôn nhân nếu không thể nhìn nhận ra. "Tại sao anh lại lãng phí như thế này?". "Tại sao cô lại keo kiệt như thế kia?". Họ như không hiểu về nhau, vợ/chồng mình khác xa thời mới yêu.

Nhưng nếu nghĩ kỹ lại, bạn sẽ thấy cả hai đang bổ sung những khiếm khuyết cho nhau. Người biết tiết kiệm chính là người giữ tay hòm chìa khóa tài chính gia đình. Họ biết tích lũy của cải, tạo dựng tài sản cho gia đình và có khoản chi tiêu khi cần, phòng khi đau ốm. Nếu cả hai đều chi tiêu thoải mái thì lấy đâu ra khoản để dành, đầu tư hay phòng khi bất trắc. Hoặc nếu lúc nào cũng tiết kiệm, lo xa thì bạn cũng không thể thoải mái tận hưởng cuộc sống hiện tại.

Vợ chồng em con cậu tôi trước kia làm ăn khấm khá, tiêu xài "xả láng", không phòng xa. Đến nay ngành du lịch bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, vợ chồng mất việc, không có thu nhập. Cả hai phải chạy vạy, vay mượn ngược xuôi để lo cho con cái ăn học và chi tiêu tối thiểu cho gia đình.

Từ một người lúc nào cũng dùng đồ xịn ở các shop có tiếng, nay cô vợ đến hàng chợ cũng không đủ tiền mua. Nếu một trong hai người trước đây biết giữ hòm chìa khóa, có lẽ nay đã khác, không lâm vào tình cảnh bi đát như vậy.

Thay vì nói em không thể hiểu anh/anh không thể nào hiểu được em. Ta nên nhìn nhận lại tổng quan sự việc, đặt mình ở vị trí đối phương để phân tích, tìm hiểu vì sao họ suy nghĩ và hành động như thế? Vừa nhẹ nhàng khuyên bảo, thay đổi những điều chưa được của đối phương một cách từ tốn, “mưa dần thấm lâu”. Đồng thời cũng nên nhìn nhận lại bản thân mình đã làm đúng hay chưa.

Cuộc đời là bất toàn, không có con người hoàn hảo. Và đặc biệt không có cuộc hôn nhân hoàn hảo. Hạnh phúc hay bất hạnh do chính chúng ta tạo ra. Hãy thay đổi suy nghĩ, nhìn nhận theo hướng tích cực thay vào nhìn sự việc theo hướng cận cảnh. Bạn sẽ nhận ra đời sống của mình nhẹ nhàng hơn.

Để tài chính gia đình vững vàng, hãy lập ra kế hoạch, mục tiêu cụ thể, cùng nhau bàn bạc đi đến tiếng nói chung. Lấy sự hài hòa làm đích đến, lấy thế mạnh của người kia bổ sung cho điểm yếu của người này. Chung quy hôn nhân là cả hai cùng nhìn về một hướng, bàn tay đan lấy bàn tay.

Theo phunuonline