leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa

 

Ai đó từng nói: Có một nơi để về ta gọi là nhà, có những người để yêu thương ta gọi là gia đình, có được cả hai thứ đó là hạnh phúc! Thật vậy, có thể chúng ta không có được tất cả những gì mình mong muốn nhưng nếu không có gia đình, nghĩa là ta sẽ không có gì cả...

Thật hạnh phúc biết bao khi mỗi ngày ta nâng niu tiếng gọi trìu mến, tuy giản dị mà rất đỗi thiêng liêng ấy. Gia đình - một nơi chốn để đi về, nơi có một mái nhà bình yên che mưa che nắng, có một vòng tay rộng lớn nâng đỡ, chở che. Ta trân trọng, tự hào để luôn luôn hướng về với muôn vàn thương quý.

Nơi chốn ấy đón ta ra đời. Từng vuông gạch nơi khoảng sân nhà chứng kiến những bước đi chập chững đầu tiên của ta trong niềm hạnh phúc, hân hoan của đấng sinh thành. Cũng chính nơi ấy, những bài học đầu tiên "học ăn, học nói, học gói, học mở" dần hun đúc nên một nhân cách, lối sống và con người ta mai sau. Ta thấm nỗi truân chuyên của mẹ cha "một nắng hai sương", chắt chiu khó nhọc nuôi ta trưởng thành. Ta thầm biết ơn sự nghiêm khắc của cha giúp ta bước qua lỗi lầm mà khôn lớn. Ta đón nhận biết bao vỗ về, yêu thương vô bờ bến của mẹ, người dành cho ta hết thảy mọi thứ tốt đẹp trong gia tài của mình. Ta nhớ nôn nao dáng bà ngồi bỏm bẻm nhai trầu nơi bậu cửa, nhớ dáng ông khoan thai bên tách trà mỗi sớm...

Thân thương nhường nào, hạnh phúc xiết bao khi ta nghĩ về gia đình mình với tình cảm gần gũi, bền sâu, nồng hậu. Dù ở bất cứ nơi nào cũng đâu thể ấm êm hơn mái nhà của mình, tình thân của mình. Tình cảm gia đình như suối nguồn mát trong chảy mãi, là cội nguồn thiêng liêng không gì sánh nổi, có khả năng gắn kết bền chặt, vượt qua mọi rào cản địa lý, để tụ về bằng bao la che chở, bao dung.

Những đứa con lớn lên, bay xa, quăng quật ngoài dòng đời rộng lớn, với nhịp sống sôi động nhưng nhiều cạm bẫy, bất trắc, đầy rẫy những toan tính, tị hiềm thì vẫn luôn còn đó một gia đình gần gũi bao bọc, dành riêng một chốn bình yên cho ta dựa vào. Ấy là nơi ta được nhỏ to sẻ chia, vỗ về sau mỗi thành công hay thất bại, khi khổ đau hay hạnh phúc, để rồi bình yên ấy kê lại đời ta bớt chung chiêng. Trong tất bật nổi trôi, ta càng hiểu được một cách đầy đặn hơn điều mà người ta thường nghĩ đến đầu tiên và là lựa chọn duy nhất: Về nhà!

Về để vốc một ngụm nước giếng mát trong, rửa trôi bao muộn phiền, bụi bặm, ngủ một giấc thật say dưới hiên nhà mình. Về bên mâm cơm chiều dẫu chỉ có bát canh rau, quả cà muối, con cá đồng cũng thành mỹ vị, đơn sơ mà ngon hơn bất cứ bữa cơm cao sang nơi phố phường. Ở đấy ta nhận thức được rằng, tiền tài, danh vọng có thể nỗ lực để đạt được nhưng gia đình và tình thân thì vô giá, cho ta nghĩa vụ, ý thức sống chậm lại, biết yêu thương, san sẻ nhiều hơn bằng chính bổn phận của mỗi người.

Có một gia đình ấm êm là một may mắn lớn của cuộc đời. Một gia đình gắn kết, nhân ái là nền tảng để hình thành nên những nhân cách tốt. Nguồn gốc, văn hóa gia đình đối với mỗi con người chúng ta là hết sức quan trọng. Cha mẹ như những người thầy lớn, cùng với phương pháp giáo dục phù hợp là tấm gương sáng và là điểm tựa cho con cái trưởng thành, hun đúc và hình thành lối sống đẹp cùng thói quen ứng xử có văn hóa.

Và, thật thiệt thòi biết bao khi xã hội ngoài kia vẫn còn nhiều mảnh đời bất hạnh, ấy là trẻ em mồ côi, lang thang cơ nhỡ thèm khát biết nhường nào một mái ấm bình dị, thèm được cất tiếng gọi mẹ, gọi cha mà cũng không có được. Bên cạnh đó, lại có những gia đình bất hoà, cha mẹ thường xuyên xung đột, cãi vã, thậm chí bạo hành và ly tán sẽ tạo ra những thảm kịch đen tối cho sự phát triển và trưởng thành của con cái.

Gia đình chính là điều tuyệt vời nhất, may mắn nhất, hạnh phúc nhất của cuộc đời mỗi con người. Chính vì vậy, mỗi thành viên cần ý thức được trách nhiệm, nghĩa vụ của mình trong việc vun đắp, hàn gắn, lan tỏa yêu thương để mỗi khi nghĩ về, hướng về nơi chốn ấy, lòng ta luôn ngập tràn ấm áp, bình yên.

Ngô Thế Lâm