leftcenterrightdel
 

Đầu tuần trước, tôi mừng hết cỡ vì được nghe lại tiếng chị rao. Đang ở nhà sau, tôi vội đeo khẩu trang chạy lên. Hai chị em chào nhau bằng những cái giơ tay vẫy và ánh mắt cười. Tôi đem ra cho chị mớ lon, giấy vụn đặt trên hè và trở vô, đứng ngay nhà ngoài. Chị ngồi giữa sân sắp xếp các thứ và nói vọng vào. Tôi nói vọng ra, vậy mà câu chuyện vẫn rôm rả. Thì bởi sau mấy tháng, nay chúng tôi mới được gặp nhau. 

Chị nói chị đã lật đật về quê ngay khi tỉnh này mới chớm dịch. Tôi biết quê chị ở Phù Cát, Bình Định và thời gian qua, ở đó có nhiều ca nhiễm COVID-19 khiến có lúc chính quyền phải phong tỏa mấy xã.

Chị kể: “Em biết không, gia đình, bà con của chị đều ở đó nên cũng sợ. Chứ ngoài quê lúa gạo sẵn rồi rau củ đầy vườn, đói gì nổi. Còn tiền bạc tránh sao khỏi rốc ráo, cạn khô. Vậy nhưng so với nẫu (người ta - NV), mình còn may mắn nhiều.

Cũng nhờ chị có thằng con làm công nhân ngay cảng đây. Biết cha mẹ em út đều nghèo nên nó thường gửi cá thịt về. Đã vậy còn gửi cho ít đồng, mới thiệt tội chớ! Ở quê mà, sao bằng được bán buôn trở lại vầy hé em. Có đồng ra đồng vô, chịu khó quơ quào ít bữa rồi chị cũng phải về lại nhà thôi. Chứ cỡ này, trời hay bão lũ lắm. Chị về ngoải đặng lo nhà cửa vườn tược ruộng đất chứ ở đây yên sao được hử em…”.

Chị tạm biệt tôi trong tiếng cười - những tiếng cười không được vẹn nguyên vì bị lọc qua khẩu trang nghe rất lạ nhưng hay và ấm áp quá chừng.

Cứ trời mưa là cả xóm tôi thơm nức mũi mùi mắm. Các nhà quanh đây thường kho mắm cua. Hồi nhà còn đông đủ, tôi cũng xăng xái làm cái món rất kỳ công đó vì cả gia đình tôi đều ghiền cái đậm vị, độc đáo của cua khi được chế biến thành mắm.

Trúng rau lang mùa này tươi xanh mơn mởn, gắp mớ ngọn lang luộc còn nóng hôi hổi, chấm vô cái đĩa trẹt đầy vun mắm cua, mà nhớ chấm cho thấm đẫm để rau để mắm trộn hòa trong nhau và làm bật tung xốc xáo lên nơi vòm miệng, sướng trời thần!

Trưa qua, trước lúc ăn cơm, đứa cháu nhà phía sau ơi ới “cô Hai, cô Hai…”. Tôi đeo nhanh khẩu trang, đưa tay đón lấy mấy thứ cháu luồn qua cửa sổ. Mỗi lần kho mắm, cháu hay bưng qua cho vì biết nhà tôi chỉ có hai người nên không hơi đâu làm món này. Tiện thể gặp, tôi hỏi han công chuyện với cuộc sống của gia đình cháu chứ mùa dịch, ngại tiếp xúc nên cũng ít hú háy, ừ hử…

leftcenterrightdel
 Ảnh: Nguyễn Khoa Huy

Nay thông thoáng hơn thì ta tranh thủ. Dịch giã vầy, vợ chồng cháu bán hàng online cũng đỡ lắm, do cháu sẵn có nguồn cung cấp hải sản ở xã đảo Lý Sơn và lâu nay vẫn đóng gói gửi đi các nơi theo đơn đã đặt. Đồ biển bên đó ngon hơn bên này, lại đang lúc biển lặng, sóng yên nên giá cả cũng mềm. Chứ ít bữa…

Cháu ngập ngừng, tôi hiểu cháu đang muốn nói đến mấy cơn áp thấp ngoài Biển Đông nghe đài báo sẽ mạnh lên thành bão. Sóng to gió lớn, thuyền đành nằm bờ và trên bãi dưới biển hết cảnh rộn ràng bán mua thường lệ. Hải sản sẽ khan hiếm và mắc mỏ, người đặt hàng sẽ ít hơn và người làm hàng sẽ khổ nhiều.Qua khung cửa sổ, tôi nhìn vào mắt cháu, bắt gặp nơi đó nhiều đắn đo, suy tính cùng những hoang mang.

Những nỗi niềm cứ đọng lại trong tâm trí người đàn bà này - một phụ nữ miền Trung chưa già nhưng đã không còn trẻ. Người đàn bà ấy đang nặng gánh gia đình với nhiều bấp bênh trong cuộc mưu sinh khắc nghiệt giữa lúc cơn đại dịch vẫn chưa đi qua mà mùa mưa bão đang ập tới. 

* * *

Cô ấy có một quán cà phê nằm ngay ngã tư một quãng phố náo nhiệt, sầm uất. Địa thế lý tưởng, quán thiết kế đẹp, cà phê và các thức uống khác rất ngon nên đông khách lắm. Tôi và mấy người bạn thi thoảng cũng ghé đến và hay ngồi ngoài hè để tiện trông ra đường ngắm người, xe qua lại.

Đêm mưa và khuya, tôi ưa ngồi bên trong để qua lớp kính ngó sợi vắn sợi dài tí tách rơi đều. Mưa nhỏ nên nhẹ và khẽ. Còn khi mưa dữ dội và lũ, bão, ở nhà chắc gì đã yên vì ngoài những căn hộ bề thế và chắc chắn may ra mới không hề hấn gì, cỡ nhà cấp bốn như của chúng tôi và bao gia đình khác, nhẹ thì cũng bị mưa tạt, nước chảy tràn còn nặng hơn là tốc mái, bay tôn, bẹp cửa sắt…

leftcenterrightdel
 Đàn bà miền Trung vốn nổi tiếng chịu thương chịu khó - ẢNH: INTERNET

Ai đã ở miền Trung và trải qua những đợt như thế mới rõ. Bởi vậy, trước mùa giông gió, phải lo gia cố thêm nhà cửa quán xá đã là chuyện rất thường ở miền này. 

“Năm nay, em chỉ cầu mong mưa bão ít hơn và đừng quá hung dữ, cho mình đỡ tổn hại. Chứ bán đem về đã mấy tháng nay mà thu nhập vẫn thấp tới mức không đủ tiền trả mặt bằng nữa kìa” - tôi gọi Zalo hỏi thăm và được trả lời như vậy. Cô ở chung cư và lô của cô có F0 nên bị phong tỏa suốt 14 ngày qua.

Đây là một phụ nữ miền Trung hiện đại và năng động mà tôi khá thân thiết. Là người Quảng nhưng cô lớn lên nơi xứ nẫu, đã theo chồng vào Sài Gòn sinh sống cả chục năm. Trong những lần về thăm gia đình, thấy Bình Định phát triển, vậy là cô quay về, lao vô làm ăn và cũng khá thành công.

Ngoài quán cà phê, cô còn một cửa hàng quần áo thời trang bán buôn tấp nập. Nhân viên cả hai nơi không ít và chủ yếu cũng là đàn bà con gái ở ngoài nớ hoặc trong này - những người miền Trung với tính cách thiệt thà nhưng thô ráp, bà chủ phải luôn nhắc nhở kèm cặp. 

Đâu ngờ COVID-19 hoành hành suốt thời gian qua và giờ mùa bão lũ đang trờ tới. Vốn là người điềm tĩnh và lạc quan, nhưng nơi người đàn bà này, tôi vẫn bắt gặp nhiều xáo động qua giọng nói, cách kể. 

Không chỉ ba người trong những câu chuyện trên mà còn rất nhiều phụ nữ miền Trung tôi đã được gặp và quen biết. Họ có thể là dân Nha Trang, Vạn Ninh, Tam Kỳ… Họ rồi cũng như tôi, thường trực trong mỗi người là ý nghĩ đã thuộc về nơi này. Ở riết và thương miết rồi thấy mình nẫu chay. Đó có thể là nhà giáo, nông dân, bán buôn lẹt xẹt… hoặc “chẳng làm gì” vì suốt ngày họ cặm cụi và chăm chút cho tổ ấm gia đình mà không một lời than vãn, phân bì.

Đâu khó để tôi được gặp hết thảy và thấu hiểu, yêu thương họ - những phụ nữ miền Trung với tính nết chân thành giản dị, ít biết nói những điều hoa mỹ hay những chuyện phù phiếm xa xôi. Nhiều khi họ còn không biết có những ngày dành riêng cho mình.

Ở đây là hứng chịu mưa gió, bão bùng năm nhiều năm ít. Cơn này mới chớm rời đi cơn khác đã chạm bậc hè. Sống dễ dàng sao được? Rồi nữa, bốn lần đại dịch COVID-19 bùng phát khiến mọi thứ đảo lộn.

Sống nhẹ nhõm sao nổi? Nhưng, bằng cách riêng cùng những nhu cầu và điều kiện sống của mỗi nhà, chúng tôi đã khéo léo và kiên nhẫn chèo chống; gắng níu giữ, cầm buộc sự bình yên và bình thường cho chính mình cùng những người thân yêu.

Theo phunuonline