Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ngày xưa, lúc mới quen nhau, mỗi lần đi ăn uống thấy thức ăn còn thừa, thế nào chúng tôi cũng xin chủ quán cái hộp hay bịch để gói ghém mang về. Chồng ủng hộ và khen tôi có tính tiết kiệm, không phung phí.
Vậy mà, khi cưới về, chồng tỏ ra rất “chịu chơi”, chịu khó dọn bỏ thức ăn cũ và thường xuyên thực hiện chính sách “giải phóng cái tủ lạnh”.
Ngược lại, tôi thì ngày càng trở nên tiết kiệm đến mức hà tiện. Cũng đúng thôi vì tôi là tay hòm chìa khóa, đặc biệt là trong mùa dịch, kinh tế khó khăn, tôi không tiết kiệm sao được.
Chồng tôi có cái tính, hễ thức ăn nào để trong tủ lạnh quá 1 - 2 ngày là anh tìm cách đổ bỏ. Như hôm nọ, khứa cá ngừ ngon lành còn thừa sau bữa tối, tôi đã dặn chừng để hôm sau tôi ăn, vậy mà chồng nỡ đổ bỏ. Báo hại tôi lục tung cái tủ lạnh không thấy.
Hỏi thì chồng trả lời ngon ơ: “Tối qua rửa chén sẵn tiện anh đổ luôn rồi. Để chi chút xíu cho nó tanh cái tủ lạnh”. Nghe chồng nói mà tôi sôi ruột. Đã bảo là không được đổ bỏ đồ ăn chưa hư hỏng, vậy mà chồng còn dặm thêm: “Em ăn đau bụng đó, tiếc chi nhiêu đó em!”.
Lần khác, má tôi ở quê gửi vô hũ mắm dưa. Bữa đầu tiên vợ chồng ăn rất ngon, vừa ăn vừa tấm tắc khen. Vì cái hũ mắm dưa chưa hết, nên tôi cẩn thận đậy nắp lại, đặt sát vào một góc ngăn mát tủ lạnh để dành ăn dần. Đồ ăn rau củ nhiều nên tôi quên bẵng đi hũ mắm dưa.
Đâu được gần tuần, bữa sực nhớ, kêu ổng xuống lấy ổng bảo: “Anh đã đổ bỏ từ hôm trước, nó hôi ê rồi em. Trong đó có mít, có thơm, nó chua lè, em ăn vô “Tào Tháo” rượt bây giờ”.
Thế là nổi ba mươi sáu cơn xung thiên, tôi cằn nhằn: “Đồ ăn má mua gửi từ ngoài quê vô, công sức và tình cảm của má, anh chê không ăn thì để em ăn”.
Chồng cũng đốp chát lại chẳng vừa: “Đồ để lâu trong tủ lạnh ăn vào cho bệnh đau bụng hả, rồi dịch này em vào bệnh viện đâu được, nơi nào cũng quá tải, chẳng ai lo cho em đâu, em nhớ hồi bé Po bị đau bụng không, cũng do em cho con ăn đồ cũ trong tủ lạnh đó…”.
Nghe chồng nói tới câu đó tôi chợt khựng lại, tiu nghỉu như mèo cắt tai, thấy chồng nói cũng có lý. Nhớ lại lần bé lớn nhà tôi đau bụng phải nhập viện. Con bé ăn sáng với bún tôi mua từ hôm trước để qua đêm trong tủ lạnh.
Dù tôi có trụng bún lại với nước sôi, vậy mà con vẫn bị đau, ăn sáng xong là nôn thốc nôn tháo, ôm bụng. Bữa đó trúng Chủ nhật, may mà vợ chồng tôi ở nhà nên đưa con đến bệnh viện kịp thời.
Nói thì nói vậy chứ tôi vẫn ấm ức và vợ chồng hay cãi nhau, chung quy lại cũng vì tôi hay tiếc của mà chồng cứ vô tư đổ bỏ, ngay cả những thức ăn còn tận dụng được. Vậy nên, chỉ còn cách là tôi tiết chế lại lượng thức ăn mỗi lần nấu.
Tôi nhắm chừng thức ăn vừa đủ bữa cho vợ chồng và các con. Thỉnh thoảng tôi cố gắng “cầm lòng” nấu ít hơn một chút. Tôi viết sẵn tờ giấy ghi nhớ dán ngay bếp “thà nhịn thèm còn hơn đổ bỏ”. Mỗi lần nấu, cứ nhìn vào tờ giấy đó là tôi giảm đi một phần nguyên liệu mà trước đây tôi hay canh cánh lo âu sợ nấu nhiêu đây ăn không đủ.
Từ ngày thực hiện chủ trương này, tủ lạnh nhà tôi giảm tải, vợ chồng tôi cũng giảm nói lại nói qua. Thỉnh thoảng có bữa ăn tôi cố tình nấu… thiếu vì thà thiếu vậy còn hơn nấu thừa để chật tủ lạnh.
Chồng tôi cũng không nói năng gì mà ngược lại còn ủng hộ chính sách nấu thiếu của tôi. Lâu lâu ổng cũng cà khịa: “Thà em nấu thiếu chút để còn thèm món đó mà ăn nữa, chứ nấu nhiều ăn ngán, bộ tính không cho cha con tui ăn nữa hả”.
Vợ chồng lệch pha, nếu mỗi người khăng khăng giữ nguyên quan điểm của mình thì sự lệch pha sẽ không bao giờ… bớt lệch. Chuyện nấu ăn hay ăn uống tưởng nhỏ, nhưng vợ chồng phải tìm giải pháp cân bằng, để lúc nào trong nhà cũng cơm lành, canh ngọt.
Theo phunuonline