Làm sao để tránh mâu thuẫn khi ở nhà nhiều?
Cập nhật lúc 16:02, Thứ ba, 10/08/2021 (GMT+7)
Quá nhiều thời gian ở cạnh nhau trong mùa Covid-19 này có thể là nguyên nhân làm các cặp vợ chồng phát sinh mâu thuẫn. Nhưng nếu biết cách, cả hai sẽ biến khoảng thời gian này là chuỗi ngày ý nghĩa bên nhau.
Cùng nhau chia sẻ việc nhà
Việc nhà nhiều dễ nảy sinh tâm lý khó chịu cho phụ nữ. Sự cáu bẳn dễ khiến mâu thuẫn nảy sinh. Chia sẻ công việc nhà có lẽ là lý do mà ít người đàn ông nghĩ đến. Không phải ông chồng nào cũng có suy nghĩ về việc cần chia sẻ việc nhà với vợ.
Có những ông chồng luôn mặc định việc nhà là của phụ nữ và thời gian nghỉ ở nhà là dành cho game, cho ngủ nướng hay xem phim lướt web, mạng xã hội cả ngày. Nếu không có sự chia sẻ hợp lý trách nhiệm với nhau trong việc nhà, mâu thuẫn trong những ngày sinh hoạt 24/24h với nhau chắc chắn là điều không tránh khỏi.
Hoạch định lại chi tiêu trong gia đình
Rất nhiều gia đình vợ hoặc chồng, hoặc cả hai bị mất hoặc giảm thu nhập do nghỉ không lương hoặc mất việc làm do phải nghỉ dịch, hay có những gia đình có thu nhập không ổn định, nguồn thu nhập thường phụ thuộc vào công việc lao động mỗi ngày.
Việc phải nghỉ cách ly xã hội khiến họ mất nguồn thu nhập và đương nhiên sự lo lắng về bữa cơm no đủ mỗi ngày và các chi phí sinh hoạt khác là một gánh nặng với các cặp vợ chồng lúc này, đặc biệt là vợ chồng trẻ, đủ để họ không giữ được sự bình tĩnh và cảm xúc tốt để giao tiếp hay tháo gỡ khó khăn cùng nhau.
Trong tình huống này, vợ chồng nhất định phải ngồi lại cùng nhau và hoạch định lại chi tiêu. Tuân thủ tuyệt đối những điều cả hai đề ra. Động viên nhau và lựa cách tìm những công việc qua mạng phù hợp. Trong tình huống quá khó khăn, hãy tìm sự giúp đỡ từ cộng đồng.
Rộng lòng nhìn vào điểm tốt của nhau
Có những cặp vợ chồng đến một giai đoạn nào đó, họ tự chấp nhận rằng dù có thể có những sự không hài lòng về nhau (tính cách, lối sống, thói quen...) và không còn dành cho nhau tình yêu hay sự gắn bó tình cảm vợ chồng như ban đầu, nhưng vì trách nhiệm với gia đình, con cái thì họ bỏ qua và lờ đi những tật xấu hay thói quen không hài lòng về nhau bằng cách giải tỏa trong công việc, các mối quan hệ bạn bè và thú vui giải trí bên ngoài.
Tuy nhiên khi cách ly xã hội buộc họ phải ở nhà đối diện với thói quen, hay tật xấu của vợ/chồng thường xuyên, không còn cách nào để ra ngoài xoa dịu những cảm xúc không tích cực dành cho người bạn đời của mình thì họ chỉ còn cách cằn nhằn, trút sự bực tức, bức bối, khó chịu lên nhau và dẫn đến mâu thuẫn.
Thời điểm gần nhau quá nhiều như thế này, hơn ai hết vợ chồng cùng phải rộng lượng trước những điểm chưa tốt của nhau. Sẽ không có ai là người thắng cuộc trong các cuộc xung đột. Khi bạn còn muốn duy trì một mối quan hệ quan trọng trong cuộc sống thì điều quan trọng là hạn chế gây ra những tổn thương không đáng có.
Thay vì đề cao cái tôi bản thân và mong muốn giành phần thắng, hãy xem việc duy trì mối quan hệ tốt đẹp là cái đích cuối cùng bạn cần đạt đến và bao dung nhượng bộ lùi một bước để bảo vệ mối quan hệ.
Thể hiện sự chăm sóc
Gần nhau nhiều, đây là khoảng thời gian thích hợp để cả hai chăm sóc nhau. Hãy tận dụng để cặp đôi có khoảng thời gian ý nghĩa này bên nhau.
Nếu chẳng may hai bạn có mâu thuẫn, đừng tỏ ra lạnh lùng trước mặt đối phương. Hãy bày tỏ cho họ biết rằng: dù rằng hai người đang gặp vấn đề, bạn vẫn quý họ và luôn quan tâm đến họ. Đồng thời, bạn nên chia sẻ bằng những hành động nhỏ để họ thấy rằng bạn vẫn không ngừng yêu thương và quan tâm đến họ.
Theo vietnamnet