Chị Đỗ Lệnh Hoài Anh cùng chồng đang sinh sống tại Iran - NVCC

Cũng như ở các nước bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và gần đây là Iran khiến nhiều người trẻ sinh sống ở nước ngoài cảm thấy vô cùng lo lắng.

Đóng cửa không ra ngoài

Mới đây, chị Đỗ Lệnh Hoài Anh liên tục cập nhật trên trang cá nhân về tình hình dịch Covid-19 đang diễn ra tại Iran. Năm 2015 chị Hoài Anh sang Iran để học cao học. Sau đó chị lấy chồng là người Iran và quyết định sống tại đây.

Mới đây, khi bùng phát dịch bệnh Covid-19 tại nhiều quốc gia trên thế giới. Iran cũng không nằm ngoài vòng dịch. Tính đến thời điểm ngày 27.2 số người nhiễm Covid-19 tại Iran đã tăng lên 139, số người chết là 19, nâng số người chết tại Iran lên vị trí thứ 2 chỉ sau Trung Quốc.


Cảnh đường phố vắng vẻ ở TP.Qazvin hôm 27.2 - NVCC

Do đó, chị Hoài Anh không khỏi lo lắng. Theo lời chị, hiện các chuyến bay bị hủy, tình trạng gần như nội bất xuất ngoại bất nhập. Vé máy bay từ Iran về Việt Nam hạng thường rẻ nhất cũng đến 200 triệu đồng. Còn giá bán một chiều trên một trang mạng cũng xấp xỉ 3,700 USD. Đến hôm nay thông tin về các chuyến bay ở trang mạng hầu như đã không còn.

Chị Hoài Anh sống ở TP.Qazvin cách thủ đô Tehran 150 km, nơi vừa mới phát hiện trường hợp người nhiễm Covid-19.

Theo mô tả của chị Hoài Anh, TP.Qazvin hiện chưa phát hiện dịch bệnh nhưng không ai bước chân ra đường. Khi mua thức ăn, chị mới đám đi ra ngoài nhưng chỉ trong thời gian ngắn. Trong thành phố, mọi người di chuyển bằng xe riêng, ít người sử dụng phương tiện công cộng.

Căn nhà 2 vợ chồng chị Hoài Anh ở cách nhà ba mẹ chồng khoảng 50 m, nhưng vài ngày gần đây anh chị vẫn chưa gặp mặt gia đình chồng. Cả 2 nhà đều đóng cửa, cố thủ không ra ngoài. Chị mua thức ăn dự trữ trong 2 tháng, mua khẩu trang và bắt cả nhà đeo mỗi ngày dù thành phố chưa có ca nhiễm bệnh nào.

Hiện tại nước rửa tay và khẩu trang ở Iran hơi khó tìm ở vài nhà thuốc do nhiều người tìm mua. Giá cũng đắt lên từng ngày. Mỗi ngày, Bộ Y tế Iran đều phát đi thông báo. Nhắc nhở người dân rửa tay, đeo khẩu trang, tránh ôm hôn ở chỗ đông người.

“Tôi lo lắm chứ, giờ như bị cách ly toàn đất nước rồi. Tôi muốn về Việt Nam cũng không về được. Tôi còn chồng và gia đình chồng bên này. Về nước chắc sẽ bị cách ly thôi nhưng chồng tôi thì không nhập cảnh được. Hơn nữa, giờ muốn về Việt Nam cũng không mua được vé”, Hoài Anh nói thêm.

"Mình không bỏ chồng lại bên này một mình được"

Theo chị Hoài Anh, người dân bên này vẫn còn chủ quan, ít người đeo khẩu trang vì họ nghĩ không cần thiết. Tuy vậy, người Iran có truyền thống chào hỏi phải ôm hôn, nhưng bây giờ có dịch mọi người không dám ôm hôn kể cả bắt tay. 

Công việc chính của chị Hoài Anh là xuất nhập khẩu từ Iran và Việt Nam. Hiện giờ cô đã chuyển sang cách làm việc bằng hình thức online.

Hoài Anh quyết cùng chồng "chiến đấu" vượt qua mùa dịch Covid-19

“Tôi không lo gì ngoài chuyện tôi và gia đình chồng phải vượt qua được đợt dịch này. Mình cũng không bỏ chồng mình lại bên này một mình được. Tôi giờ xem như là người Iran luôn rồi. Tôi quyết định ở lại cùng chồng, tới đâu tính tới đó. Nói không sợ thì cũng không phải nhưng sợ cũng không làm được gì”, Hoài Anh khẳng định.  

Cũng theo Hoài Anh, cộng đồng người Việt ở Iran rất ít. Chỉ trên dưới 20 người. Hầu hết là nhân viên đại sứ quán, đa số đều ở lại không về. Mọi người tạo nhóm trên WhatsApp để thông báo tình hình cho nhau, thỉnh thoảng động viên nhau cùng vượt qua mùa dịch Covid-19.

Theo thanhnien