Chị Đặng Tố Nga và chồng người Italy hơn chị 7 tuổi
Bài viết dưới đây là chia sẻ của chị Đặng Tố Nga, đang sống tại Italy cùng chồng và con gái.
Tôi là người sống theo bản năng rất nhiều. Khi mới lấy chồng, tôi cứ nghĩ để có hôn nhân hạnh phúc thì chỉ cần có tình yêu là đủ. Vì vậy, khi chồng nói rằng cần phải có trí thông minh, nỗ lực, học hỏi, mục tiêu, chiến lược, khả năng tự kiềm chế... để sống chung hạnh phúc, tôi giãy nảy lên. Tôi cãi rằng tình yêu đến với tôi hoàn toàn tự nhiên, nên tôi cứ để trái tim dẫn dắt thôi. Anh giải thích rằng đúng là tình yêu xuất hiện một cách tự nhiên, nhưng để gìn giữ nó chúng ta phải tuân thủ những quy tắc nhất định.
Tình yêu của chúng tôi trải qua đầy đủ các giai đoạn theo quy luật chung của các đôi lứa:
1. Tình yêu lãng mạn. Đó là giai đoạn yêu say đắm, nồng nàn. Mọi thứ đều màu hồng. Người này lý tưởng hoá người kia.
2. Giai đoạn vỡ mộng: Khi sự say đắm ban đầu không còn, và người này không còn là bí ẩn của người kia nữa thì các điểm yếu của mỗi người dần dần lộ diện. Mâu thuẫn bắt đầu xảy ra.
3. Tình bạn đời, đó là giai đoạn bền vững, là tình yêu thực sự. Đến được giai đoạn này, bạn mới hiểu được giá trị của một tình yêu có nền tảng là sự thấu hiểu, sự tin tưởng lẫn nhau. Đây mới đích thực là sự thăng hoa của tình yêu.
Khi đang ở giai đoạn 2, tôi không bao giờ tin khi nghe các bạn của tôi nói rằng họ đang hạnh phúc sau nhiều năm hôn nhân. Tôi nghĩ họ nói dối hoặc họ không hiểu thế nào là hạnh phúc. Có lẽ bởi vì giai đoạn một của tôi quá đẹp, quá tuyệt vời nên khi sang giai đoạn 2, chỉ riêng sự bình lặng cũng đủ là lý do làm tôi phát điên chứ chưa nói tới những điều không vừa ý. Tôi hiện nguyên hình một cô gái dễ nổi nóng, hay giận dỗi và thích nổi loạn. Chồng tôi đã phải chịu đựng tất cả và dần dần từng bước dắt tôi ra khỏi khủng hoảng.Bây giờ chúng tôi đã sang giai đoạn thứ ba, giai đoạn bền vững. Tôi thực sự cảm thấy hạnh phúc, thậm chí còn hơn cả giai đoạn một dù không có sự si mê, hồi hộp ban đầu. Tôi hoàn toàn tin rằng chúng tôi sẽ sống bên nhau bình an, vui vẻ, hạnh phúc đến cuối đời. Tôi luôn cảm thấy biết ơn chồng tôi, cũng là người thầy, đã dạy cho tôi những bài học quý báu về cách giữ gìn hạnh phúc. Đó là bài học về 4 khả năng cơ bản cần có trong cuộc sống hôn nhân:
Chị Đặng Tố Nga là giảng viên Đại học Kiến trúc Hà Nội và đang nghỉ 2 năm
để hoàn thành các nghiên cứu tại Italy.
1. Đối mặt với sự vỡ mộng
Khi chúng ta bắt đầu có những cảm giác không hài lòng với người bạn đời. Ví dụ như tôi thấy anh hay trễ hẹn, rồi hay vứt quần áo bẩn xuống đất thay vì cho vào giỏ đồ bẩn (thói quen này do anh có người giúp việc từ nhỏ)... Mỗi lần anh đến đón muộn là tôi giận dỗi, mỗi lần thấy anh vứt đồ bẩn xuống sàn nhà là tôi cằn nhằn...
Anh nói với tôi rằng việc chúng ta có những điều không hài lòng về nhau là không thể tránh khỏi, nhưng thay vì chỉ nhìn vào những mặt tiêu cực rồi thổi phồng lên, hãy nhìn vào những mặt tích cực và hiểu giá trị của nó. Ví dụ như anh cũng không thấy tôi hoàn hảo như ngày đầu, tôi sạch sẽ ngăn nắp một cách thái quá, tôi lười thể thao, tính tôi quá trẻ con... nhưng tôi có những điều khác mà anh đánh giá rất cao như yêu thiên nhiên, yêu âm nhạc, yêu nghệ thuật, nấu ăn ngon, có những kiến thức mà một người phụ nữ bình thường không quan tâm nên anh có thể nói chuyện với tôi cả đời không biết chán. Tóm lại là: hãy vui với những gì chúng ta có thay vì thất vọng bởi những gì chúng ta không có.
2. Giao tiếp
Khi mới về sống với nhau, tôi luôn đòi hỏi anh phải tự hiểu tôi muốn gì, và nếu không đúng như mong muốn là tôi khóc lóc, thậm chí đòi chia tay. Khi lấy nhau, tôi dọn đến ở nhà anh, nơi anh đã sống rất nhiều năm. Vì thế, khi phải theo những sắp xếp của anh là tôi thấy ấm ức. Ví dụ tôi để bàn chải và thuốc đánh răng ở một góc nhà tắm, anh thấy không đúng chỗ quen thuộc nên chuyển sang chỗ khác. Khi thấy thế, tôi không nói không rằng, lẳng lặng thu dọn đồ đạc vào vali để bỏ đi. Anh hoảng hồn gặng hỏi mãi thì tôi mới nức nở bảo rằng:
- Nhà này không phải nhà của em, nên kể cả bàn chải đánh răng em cũng không được quyết định chỗ để. (Bây giờ nghĩ lại tôi thấy mình cải lương kinh khủng).
- Ôi giời ơi, anh tưởng chuyện gì, hoá ra có mỗi thế! Em chỉ cần nói với anh là đừng dịch chuyển đồ của em, em thích để chỗ đó thì anh sẽ làm thế, có gì khó khăn đâu! Em đừng bao giờ đòi hỏi người khác phải đọc được suy nghĩ của mình, lại càng không được tự tin nghĩ mình biết đọc suy nghĩ của người khác.
Biết nói ra điều mình mong muốn một cách tế nhị nhưng thẳng thắn là cực kỳ cần thiết để giúp người bạn đời của chúng ta hiểu và làm vừa lòng chúng ta.
3. Nhận ra những điều tốt đẹp mà bạn đời làm cho mình và biết ơn vì điều đó
Về mặt này chúng tôi không có mâu thuẫn. Anh luôn cảm ơn tôi khi tôi nấu cho anh một bữa ăn ngon, hay làm đúng điều anh mong muốn. Và tôi cũng thế, tôi cảm ơn khi anh quan tâm đến tôi, đóng cho tôi chiếc ghế nhỏ để tôi kê chân lúc tôi có bầu... Anh làm tôi hiểu rằng, anh cảm thấy vui sướng, tin tưởng vào tình yêu của tôi mỗi khi thấy tôi tỏ ra vừa lòng vì điều anh làm, và có nhiều động lực để làm tôi hạnh phúc hơn.
Tôi biết rằng một số người không làm được điều này dù trong lòng họ cảm thấy biết ơn bạn đời. Một cậu em của tôi từng tâm sự: "Không hiểu sao em không thể nói được lời cảm ơn vợ khi thấy cô ấy làm đúng những điều mình mong muốn. Có lần em nói bâng quơ: 'trời nóng thế này có bát canh cà ăn thì ngon nhỉ'. Thế là ngay hôm sau, khi đi làm về, em đã thấy bát canh cà trên mâm cơm. Em cảm động lắm nhưng tự nhiên bảo cảm ơn vợ, em thấy cứ khách sáo thế nào ấy". Tôi khuyên cậu ấy thử nói cảm ơn một lần xem thế nào. Một thời gian sau gặp lại, cậu ấy bảo: "Đúng là chỉ một lời nói thôi mà em làm cho vợ vui hẳn, khi đó em cũng thấy hạnh phúc hơn".
4. Nhường nhịn nhau khi có mâu thuẫn
Anh nói: Em thử tưởng tượng xem, trước khi lấy anh, em có một chiếc tủ, anh cũng có một cái. Nhưng khi lấy nhau chúng ta chỉ được phép dùng chung một chiếc thôi. Như thế, anh sẽ phải bỏ bớt một nửa số đồ trong tủ của anh đi để nhường chỗ cho em, em cũng như vậy thì mới đủ chỗ trong chiếc tủ đó. Chúng ta không cần phải hy sinh hoàn toàn bản thân, cũng không nên lấn át người kia, chỉ cần mỗi người giảm đi một nửa thôi. Ví dụ, tối thứ bảy em thích đi xem phim, anh muốn đi nghe hoà nhạc, thì tuần này chúng ta xem phim, tuần sau chúng ta đi nghe hoà nhạc. Trên đời này không tồn tại cặp đôi nào hoàn hảo, mọi sở thích và ý nghĩ đều giống nhau. Chúng ta phải biết nhường nhịn nhau.
Đặng Tố Nga
Theo VNExpress