leftcenterrightdel
 Cha mẹ không thể không kiểm soát những nội dung con xem trên mạng. Nhưng, có dễ không? (Ảnh minh họa)

Một đứa trẻ mới lớn tò mò về giới tính ở mức nào? Câu trả lời là: ở mức vô hạn. Bao nhiêu kiến thức cũng là chưa đủ so với nhu cầu khám phá bản thân của trẻ.

Không chỉ độ tuổi mới lớn, mà ngay từ rất nhỏ, các em tuổi nhà trẻ, mầm mon đã biết thắc mắc vì sao ba không giống mẹ, hay con gái vì sao không giống như con trai. Hoặc một thắc mắc đơn giản nhất nhưng cũng khiến nhiều phụ huynh bối rối tìm câu trả lời: con được sinh ra như thế nào?

Tôi có nhiều bạn bè than vãn chuyện con cái không cho đăng hình chúng trên mạng xã hội. Các bạn nói chỉ có thể chụp trộm từ xa, không rõ mặt và phải hỏi ý kiến của con trước khi đăng Facebook. Điều đó khiến nhiều cha mẹ thấy bất tiện, thậm chí... thiệt thòi.

Một người bạn của tôi nói anh không bao giờ đăng hình con, dù giấu mặt, dù chụp xa xa. Theo anh những tấm hình ấy chỉ thoả mãn cha mẹ, không phải là ý muốn của trẻ. Cha mẹ có thể tự hào về con, khoe cho bạn bè rằng mình đã nuôi chúng lớn bằng này, to bằng kia, xinh đẹp thế nọ... nhưng đó hoàn toàn là cảm xúc của ba mẹ. Con cái thì không cần điều đó và luật pháp về quyền trẻ em cũng đã cấm điều đó. Phụ huynh phải chấp nhận điều cấm kỵ ấy khi nuôi dạy con ở thế kỷ mà người ta quá dễ dàng để lên internet tìm kiếm bất kỳ thông tin gì.

Tuy vậy, trước rừng thông tin độc hại trên mạng, cha mẹ nào cũng bối rối trong việc kiểm soát con. Trẻ ngày nay ý thức quyền cá nhân rất sớm, chúng luôn đòi hỏi được tôn trọng; nhưng làm cha mẹ cũng có nghĩa vụ bảo vệ, hướng dẫn dạy dỗ con. Vậy, một câu hỏi nữa đau đầu không kém: ranh giới ấy là gì?

Tôn trọng con bao nhiêu là đủ mà không phải là bỏ lơ con? Kiểm soát con thế nào mà không khiến con ngột ngạt, không can thiệp thô bạo vào quyền riêng tư của con? Câu hỏi này không dễ trả lời, cũng chẳng có mẫu số chung. Tức tuỳ mỗi nhà, mỗi bé và mỗi hoàn cảnh của cha mẹ, điều kiện của gia đình. Ví dụ như có bé thích được ba mẹ đăng hình lên Facebook, có bé rất ghét việc này.

Tôi có hai cậu con trai vào tuổi tiểu học, chúng rất thích xem Youtube, TikTok... Vì hai con chưa dậy thì nên tôi dễ dàng hơn khi kiểm tra các video mà con đã xem thông qua phần lịch sử của Youtube. Con tôi cũng có lúc xem những video không đứng đắn mà Youtube vô tình giới thiệu theo thuật toán. Các video câu view theo các bộ phim hoạt hình nổi tiếng nhiều vô kể, nội dung không chỉ xàm, vô bổ mà còn gây hại.

Khi phát hiện con xem những video nội dung xấu, có khi tôi phải đi uống nước mấy ly rồi mới bình tĩnh nghĩ xem nên làm gì, bằng không có thể tôi cũng sẽ giận dữ mà hành động như chị vợ anh Xuân Bắc. Những hành xử thiếu kiềm chế như đập điện thoại, rút wifi, cấm đoán, quát nạt... không hề giúp con thay đổi tư duy mà còn đẩy chúng về phía đối đầu, khiến chúng chỉ thấy cha mẹ vô lý, độc tài.

Đợi bình tĩnh lại, tôi remove hết các video và vào kênh đó để chặn. Tiếp theo, tôi nghĩ cách nói chuyện với con, có thể tôi nhắc lại các sách về giới tính trong nhà rồi giải thích hành động xoá kênh của mình:  "Mẹ có thấy con xem clip ấy, mẹ không thấy nó ổn nên mẹ xoá. Nếu con vẫn mở xem thì mẹ sẽ không cho con dùng điện thoại nữa".

Thỉnh thoảng tôi lại để vào kệ sách một cuốn sách về giới tính tôi mới tìm được ngoài nhà sách, để con tự đọc. Nếu con hỏi, tôi sẽ lựa lời giải thích, nếu vấn đề tế nhị quá, gây ngượng, tôi lại nhờ "anh Google" giải thích hộ (tất nhiên là tôi phải xem qua nội dung trả lời của Google có phù hợp không).

Sách dạy giới tính cho trẻ thực ra không nhiều so với các thể loại sách khác. Nhưng không phải không có. Tôi xin chia sẻ vài đầu sách tôi thấy dễ đọc và trẻ thích thú như sách Bỗng nhiên mà họ lớn của bác sĩ như bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc hay Chào tuổi dậy thì của bác sĩ Trần Thị Huyên Thảo, Bác sĩ ơi, tại sao? của Bác sĩ Lê Thuý Tươi... hoặc dòng sách dành cho tuổi mới lớn của First News phát hành như Những bí mật mà con muốn biết (Bộ sách này có ba tập được chia theo độ tuổi: 4 đến 6 tuổi, 7 đến 9 tuổi và 10 đến 13 tuổi)...

leftcenterrightdel
 "Thì thầm chuyện nhỏ chuyện to" là quyển sách về giới tính của bác sĩ Nguyễn Lan Hải

Theo như khuyến cáo của nhà xuất bản thì bộ sách này cần có sự hướng dẫn của cha mẹ, có nghĩa là cha mẹ nên đọc cùng với trẻ nhất là độ tuổi nhỏ. Bởi vì đây là sách dịch từ bộ sách L’encyclo De La Vie Sexuelle của Nhà xuất bản Hachette Livre, Pháp cho nên chắc chắn sẽ có nhiều khác biệt với một đứa trẻ được lớn lên ở Việt Nam.

leftcenterrightdel
Bộ sách "Những bí mật con muốn biết" do Công ty First News phát hành 

Có thể cách của tôi chỉ phù hợp với con tôi nên không thể áp dụng với mọi đứa trẻ. Ngoài ra còn một điểm vô cùng quan trọng là đọc sách không thể sôi động hấp dẫn bằng xem các video trên mạng. Lượng sách giáo dục giới tính cũng rất ítm như muối bỏ bể so với núi thông tin trên mạng, chỉ cần ba mẹ lơ là một chút, con có thể lập tức thành nạn nhân của các trang, các nhóm 18+.

Vì vậy, tôi nghiệm ra, chẳng còn cách nào tốt hơn việc thực sự ở bên con, dành thời gian nhiều hơn cho con, làm bạn cùng con.

Theo phunuonline