Chuyên gia tâm lý giáo dục TS.Vũ Việt Anh, Tổng giám đốc Học viện Thành Công (Hà Nội) cho biết, cha mẹ thường có 8 hành động sai trái này trước mặt con cái. Những điều này tưởng nhỏ nhưng thực tế chúng lại gây hại rất lớn cho trẻ.

1. Cha mẹ cãi nhau trước mặt con

Khi cha mẹ mâu thuẫn, cãi vã sẽ mang đến cảm xúc tiêu cực cho con trẻ. Khi đó hình ảnh của cha mẹ sẽ xấu đi trong mắt con. Trẻ sẽ sinh ra tâm lý chán chường, buồn bã và có xu hướng tìm đến những điều tiêu cực.

Khi cha mẹ suốt ngày cãi nhau, không quan tâm đến con, chúng sẽ có tâm lý nổi loạn để giành sự chú ý từ 2 người. Nhiều đứa trẻ sẽ có xu hướng giải quyết mọi việc bằng bạo lực. Với những đứa trẻ còn quá nhỏ, chúng có thể bị ảnh hưởng tâm lý, đầu óc không thông minh và những trận cãi vã của bố mẹ sẽ ám ảnh chúng.

Chuyên gia

2. Chửi bậy - hành động sai trái ảnh hưởng đến nhân cách trẻ

Trẻ con giống như tờ giấy trắng. Chúng tò mò và khao khát học hỏi những điều mới lạ. Khi cha mẹ nói tục, chửi bậy trước mặt trẻ, con chưa thể phân biệt được hành động nào đúng, hành động nào sai. Chúng dễ dàng bắt chước người lớn. Lâu dần những từ ngữ tục tĩu đó trở thành thói quen của trẻ. Một đứa trẻ thường xuyên nói láo thì không thể ngoan được đúng không? Chính vì vậy cha mẹ nên tiết chế lời nói trước mặt con trẻ.

3. Chỉ trích con trước mặt người khác

Trẻ con cũng có sĩ diện và cần người lớn tôn trọng. Khi cha mẹ chê trách con trước mặt người khác sẽ khiến cho đứa trẻ cảm thấy bị tổn thương, ngang bướng, chống đối, nổi loạn. Thậm chí nhiều bé còn nghi ngờ tình cảm bố mẹ dành cho mình. Từ đó khoảng cách giữa cha mẹ và con cái ngày 1 xa.

4. Dùng bạo lực trước mặt con

Nếu cha mẹ có xô xát thì tuyệt đối tránh hành động trước mặt trẻ. Bởi những việc làm này sẽ khiến trẻ bị tổn thương và ám ảnh chúng suốt đời. Con sẽ có xu hướng bạo lực, tìm đến điều tiêu cực để giải quyết vấn đề. Nghiêm trọng hơn là chúng có nguy cơ đối diện với bệnh trầm cảm ở trẻ. Con dễ có tính lì lợm, ngang bướng. Lớn lên trẻ dễ nổi nóng, hung hăng, giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực.

Chuyên gia

5. Nói xấu người khác trước mặt con

Khi cha mẹ, người lớn nói xấu 1 ai đó trước mặt con sẽ dễ khiến đứa trẻ sau này lớn lên đánh giá người khác ở góc độ tiêu cực. Chúng dễ coi thường, chỉ biết soi mói người khác. Thậm chí đứa trẻ đó cũng sẽ ghét "nhân vật" mà người lớn nhắc đến. Từ đó mối quan hệ của con với người đó bị ảnh hưởng.

Vì vậy kể xấu người khác là một trong những điều cha mẹ không nên làm trước mặt con. Thay vào đó, cha mẹ nên nhớ và nghĩ đến những người tốt, việc tốt để có thể nói với nhau khi có mặt trẻ. Khen ngợi hoặc tìm ra những điều tốt đẹp của người khác để bàn cũng là cách dạy con thông minh.

6. Cha mẹ nói dối

Nói dối là sai lầm mà cha mẹ Việt hay mắc phải khi dạy trẻ. Nếu những hành động này thường xuyên để trẻ biết, chúng sẽ cho rằng nói dối chẳng có gì là xấu cả, lâu dần hình thành nên tính nói dối ở trẻ em.

Vì vậy cha mẹ không nên nói dối trước mặt con. Đồng thời phụ huynh cũng không nên hứa suông. Những lời nói tưởng chừng vô hại nhưng ảnh hưởng đến nhân cách của trẻ rất nhiều.

Chuyên gia

7. Cha mẹ thể hiện chuyện "riêng tư" trước mặt con

Nhiều ông bố bà mẹ cho rằng trẻ con chưa biết gì nên thường xuyên nói, thậm chí là hành động chuyện "riêng tư" trước mặt con. Tuy nhiên họ không biết rằng trẻ thường tò mò, thích tìm hiểu và có thể nhận thức được hành động của cha mẹ. Chúng sẽ cảm thấy muốn bắt chước và dễ dàng bị dụ dỗ bởi kẻ xấu muốn lạm dụng tình dục ở trẻ.

Phụ huynh hãy giáo dục con về giới tính, phân biệt người tốt người xấu, những điểm nhạy cảm trên cơ thể tuyệt đối không cho người lạ động vào. Khi có ai đó động chạm cơ thể con mà con cảm thấy không thoải mái hãy hét to cho người khác biết và sớm di chuyển đến nơi an toàn.

8. Cha mẹ tính toán tiền bạc trước mặt trẻ

Ngày nay cha mẹ cởi mở hơn với con cái về chuyện tiền bạc. Tuy nhiên khi người lớn phê phán lẫn nhau cách tiêu tiền, cách kiếm tiền hay dùng tiền biếu ông bà, biếu sếp, biếu người quen… Việc tính toán tiền bạc trước mặt trẻ khiến trẻ hình thành tính cách coi trọng đồng tiền, trở nên thực dụng hơn.

Hãy dạy trẻ về tiền nhưng ở góc độ tích cực. Ví dụ như dạy con tiết kiệm, dạy con biết trân trọng đồng tiền...

Hướng Dương HT