|
|
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK |
Kiệt sức vì con
“Thằng bé phóng ra ngoài cửa, hai tay nắm chặt vào lan can dọa nhảy xuống. Nó bắt tôi phải chọn lựa hoặc là yêu cầu ba nó ra khỏi nhà, hoặc là tôi và nó dọn đi. Gần ba tháng nay gia đình tôi luôn sống trong tình trạng căng thẳng”, người mẹ nghẹn ngào kể sự việc xảy ra hôm qua.
Ba tháng rồi, chị gần như không có đêm nào ngon giấc, phập phồng lo sợ con trai làm chuyện dại dột. Chị cho biết, từ nhỏ cậu bé H.N. tính khí đã thất thường, dễ cau có, gắt gỏng, lại rất cầu toàn, khi không làm được điều gì tốt là tỏ ra tức giận, khó chịu với mọi người. Bù lại, N. có ý thức tự lập, luôn chỉn chu, sạch sẽ và ngăn nắp. Ba mẹ không cần nhắc nhở việc học, nhiều năm liền N. là học sinh giỏi.
Là con một nên cha mẹ rất yêu thương và cưng chiều N., không gây áp lực học hành mà luôn ủng hộ và khuyến khích con làm những điều con thích. N. tự hào về ba và mong muốn mình cũng giỏi như ba. N. cũng đặt mục tiêu sẽ lấy học bổng của một ngôi trường danh tiếng ở Mỹ.
Năm học cuối cấp III, N. dồn hết tâm huyết để lấy học bổng, thế nhưng dịch bệnh kéo dài khiến các em không thể đến trường. Trong khi đó, N. không hứng thú với việc học online, hay than phiền mệt mỏi. Kết thúc học kỳ I, điểm thi của N. không được như mong đợi, đây cũng là lần đầu tiên con bị tụt hạng trong lớp. Từ hôm đó, N. trở nên hung hăng, hay tự đánh mắng mình. Em đổ lỗi do học online đã làm con mất cơ hội lấy học bổng. N. còn dọa ba mẹ, nếu mất học bổng sẽ không sống nữa.
Mẹ N. nghĩ con chỉ buồn bực mà nói vậy. Chị không ngờ con âm thầm uống cả vỉ thuốc hạ sốt vào giữa đêm khuya, may mắn chị kịp thời phát hiện. Sau khi ra viện, con không chịu đi học, ba khuyên nhủ, N. chẳng những không nghe, mà còn trách móc ba làm phiền cuộc sống của em, dù trước đó mối quan hệ của hai ba con rất tốt, N. thường nhờ ba tư vấn chuyện học hành, chọn lựa nghề nghiệp.
Nay vì không muốn đối diện với ba, N. nằng nặc đòi bỏ nhà đi, buộc mẹ phải chọn lựa ra ngoài thuê nhà cho hai mẹ con ở riêng, hoặc ba phải đi, nếu vẫn sống chung nhà con sẽ tìm cách tự tử. Từ đó đến nay, đêm đến người mẹ không thể nào chợp mắt.
Tổn thương vì... mắc nợ mẹ
Từ khi phát hiện con gái rạch tay tự làm đau mình, trong mắt họ hàng chị P.Y. trở thành người mẹ tồi tệ, độc hại. Chị cũng không hiểu vì sao cô con gái ngày thường rất ngoan hiền, giỏi giang lại có hành động nông nổi như thế.
Chị kể, vợ chồng chị cưới nhau gần 5 năm mới sinh được con nên rất yêu con. Con ra đời, chị quyết định nghỉ việc để dành thời gian chăm sóc con. Từ nhỏ đến lớn, hai mẹ con như hai người bạn, thường thủ thỉ tâm sự với nhau, có việc gì hai mẹ con cũng kể nhau nghe. Không khí trong gia đình lúc nào cũng ấm áp, chan hòa yêu thương. Chị nghĩ sự hy sinh của mình mang cho con cuộc sống hạnh phúc, chị đâu ngờ trong tâm trí non nớt của con dồn nén những cảm xúc chẳng thể gọi tên, khiến con đau đớn.
|
|
Nhiều đứa bé ngoan hiền một ngày đẹp trời trở nên ngỗ nghịch khiến cha mẹ đau đầu, bó tay (Ảnh minh họa) |
Theo chị, mọi thứ bắt đầu xáo trộn từ khi gia đình chuyển đến nơi ở mới. Trước đây, gia đình chị sống ở Cần Thơ, năm con học lớp 10 gia đình chuyển lên TP.HCM sinh sống. Chị dự định xin cho con vào học trường công nhưng con không chịu, đòi học trường quốc tế. Sau một năm theo học, con buộc phải chuyển trường vì khả năng ngoại ngữ không đủ để theo học tiếp. Từ đó, chị thấy con trầm tư, ít nói. Con cũng không tâm sự với mẹ, chị càng đến gần con càng cố đẩy mẹ ra… cho đến khi nhà trường thông báo con bỏ học vào nhà vệ sinh rạch tay.
Chăm con cũng giống như chăm cây, mỗi cái cây có những đặc điểm khác nhau để ra hoa kết trái, và người chăm sóc cần phải tìm ra cách chăm sóc phù hợp chứ không thể áp dụng khuôn mẫu.
Với đứa trẻ cầu toàn, cha mẹ cần dạy con cách chấp nhận những thất bại trong cuộc sống. Với đứa trẻ quá tự ti, thụ động cha mẹ cần hỗ trợ con phát huy những mặt lợi thế của bản thân, động viên và an ủi con thay vì trách mắng khi trẻ làm sai.
Không có bất kỳ phương pháp nuôi dạy con nào là tốt nhất, mà chỉ có cách nuôi dạy phù hợp nhất với đặc điểm của đứa trẻ.
|
Với bé T.M. - con gái chị - tiếng Anh là môn học yêu thích nhất. Những ngày học ở trường cũ, em thường được cô giáo khen ngợi, điều này khiến em tự hào về bản thân. Thậm chí em còn nuôi dưỡng ước mơ trở thành một nhà phiên dịch trong tương lai. Vì vậy, việc phải chuyển trường với lý do ngoại ngữ yếu như gáo nước lạnh tạt vào mặt. Em hụt hẫng, sụp đổ, thất vọng về bản thân và cảm thấy có lỗi với mẹ. Mẹ đã hy sinh cho em rất nhiều nhưng em không làm gì được cho mẹ. Em sợ phải đối diện với mẹ, sợ làm mẹ buồn, em thấy mình không xứng đáng với sự hy sinh của mẹ. Mỗi lần cảm giác tội lỗi ập tới, em không chịu được nên cứa vào tay như một cách tự trừng phạt.
Lắng nghe tâm sự của con gái, chị Y. bật khóc nức nở. Hy sinh cho gia đình là chọn lựa của chị, chị hạnh phúc với điều đó, chị chưa bao giờ thấy thiệt thòi. Chị không ngờ con gái lại sống trong cảm giác dằn vặt, mắc nợ mẹ như vậy.
Không có cách tốt nhất, chỉ có cách nuôi dạy phù hợp nhất
Trong quá trình làm việc với các bậc cha mẹ kiệt sức vì nuôi dạy con, tôi nhận thấy, cha mẹ đã cố gắng để nuôi dạy con tốt nhất, tạo điều kiện cho đứa trẻ phát triển toàn vẹn nhất, thậm chí vì con họ sẵn sàng hy sinh tất cả, từ sự nghiệp, nhu cầu ăn mặc đến đam mê… nhưng kết quả không như mong đợi, ngược lại còn khiến đứa trẻ trở nên bất ổn.
Như trường hợp của chị N.K.L. (Q.3, TP.HCM), từ khi con lên lớp Chín, chị thường xuyên nhận những thông tin “giật gân” từ nhà trường như: con trai đánh bạn trong giờ học, xé bài kiểm tra thách thức thầy cô, ăn cắp vặt ở căng-tin trường học… Chị không hiểu mình sai ở chỗ nào. Cả hai vợ chồng là giảng viên đại học, đều rất chịu khó tìm tòi, cập nhật kiến thức để dạy con. Ngay từ khi con còn trong bụng mẹ, chị không hề tiếc thời gian, tiền bạc sẵn sàng tham gia các khóa học thai giáo, dạy con tốn hàng trăm triệu đồng, thế nhưng chị đành bất lực với tình trạng của con.
|
|
Mỗi đứa trẻ có một đặc điểm riêng, cha mẹ buộc phải hiểu con để áp dụng việc nuôi dạy cho đúng (Ảnh minh họa) |
Ngày nay, cùng với sự ra đời của nhiều nghiên cứu tâm lý học liên quan đến sự phát triển của trẻ em, khiến việc nuôi dạy con cái càng trở nên áp lực hơn đối với cha mẹ. Các bậc cha mẹ có thể không đọc các nghiên cứu này, nhưng cùng với đó là sự xuất hiện hàng loạt những tài liệu hướng dẫn về phương pháp nuôi dạy con, đặt cha mẹ vào niềm tin: Nếu hiểu biết và thực hiện theo những hướng dẫn thì con cái sẽ phát triển tốt nhất. Hoặc họ tin rằng các phương pháp này là “chìa khóa” cho sự phát triển tốt nhất của trẻ, và nếu trẻ bất ổn, đó là do cha mẹ đã nuôi dạy không tốt.
Vì vậy, tất cả tài liệu này đã góp phần gây áp lực cho cha mẹ.
Thế nhưng, thực tế không có phương pháp nuôi dạy nào phù hợp cho tất cả. Chúng ta hiểu rằng, mỗi đứa trẻ có những đặc điểm và tính khí riêng và điều này cũng đúng với cha mẹ, những người có tính khí, giá trị và lịch sử cuộc đời cụ thể. Vì vậy, mỗi bản ghép mẹ - con là duy nhất, và những gì chúng ta bắt chước theo một khuôn mẫu chung sẽ trở nên vô dụng hoặc thậm chí có hại.
Cha mẹ có từ hai con trở lên chắc hẳn hiểu rõ điều này, chẳng hạn có những hình phạt, khen thưởng phù hợp với đứa con này nhưng không phù hợp với đứa con khác. Vì vậy, để con cái được phát triển tốt nhất, đòi hỏi cha mẹ phải hiểu rõ tính cách, tâm tính của con. Và chỉ cha mẹ mới là người hiểu rõ con nhất, cũng như chính cha mẹ mới biết mình mong đợi điều gì, thiếu sót điều gì, để có thể tự điều chỉnh, hoàn thiện bản thân trong quá trình nuôi dạy con.
Theo phunuonline