|
|
Vợ chồng bác tôi chịu nỗi nhục đến cuối đời khi con gái làm "tiểu tam" bị đánh ghen ầm ĩ (Ảnh minh họa) |
Khi một mối quan hệ ngoại tình được khui ra, người ta thường dành sự cảm thương cho vợ con người đàn ông bội bạc nhưng ít ai thông cảm cho đấng sinh thành của các cô "tiểu tam". Thậm chí nhiều trường hợp, mọi người quay lại tấm công cha mẹ của các "tiểu tam", "trà xanh" vì không biết dạy dỗ để con đi cướp chồng người khác.
Công bằng mà nói, không ai làm cha mẹ lại muốn con đi làm chuyện trái với luân thường đạo lý, bị người đời lên án như thế. Tất nhiên không thể phủ nhận vai trò của giáo dục gia đình trong việc hình thành nhân cách của con người nhưng cũng có câu "cha mẹ sinh con, trời sinh tính".
Những "tiểu tam", "trà xanh" đã đủ tuổi trưởng thành, họ nhận thức được việc làm của mình nhưng vẫn dấn thân vào. Tôi chắc chắn, không có một cô gái nào dám công khai thú nhận với cha mẹ mình đang ở trong mối quan hệ tay ba với người đàn ông đã có gia đình.
Đến khi sự việc vỡ lở, người gánh chịu điều tiếng nhục nhã không ai khác chính là ba mẹ của họ. Khi những thông tin về mối quan hệ giữa vị đại gia ngành dược và cô ca sĩ kém tuổi bị phanh phui ồn ào trên mạng xã hội, tôi tự hỏi ba mẹ và người thân của cô ta sẽ phải sống ra sao trước làn sóng dư luận. Con giỏi giang thành đạt, ba mẹ nở mày nở mặt, con hư hỏng tai tiếng, ba mẹ cúi mặt mà đi, quy luật muôn đời vẫn thế.
Cách đây nhiều năm, ở quê tôi xảy ra một vụ đánh ghen long trời lở đất mà rất lâu sau, người làng vẫn nhắc đến. Người bị đánh ghen là chị Hòa - con gái bác ruột của tôi. Tôi nhớ, lúc còn nhỏ, ba mẹ tôi luôn lấy chị Hòa làm tấm gương để chúng tôi học tập.
Chị Hòa xinh đẹp, dịu dàng, học xong cấp III chị vào thành phố học nghề rồi lập nghiệp. Chỉ một thời gian sau, chị về xây cho bác tôi một căn nhà khang trang bề thế nhất làng. Bác tôi kể, chị làm nghề thẩm mỹ, nhờ có tay nghề cao mà mở được tiệm lớn, khách khứa đông nên kiếm được nhiều tiền.
Chị lo lắng cho cha mẹ không thiếu thứ gì, từ thuốc bổ, nhà cửa, xe cộ rồi nuôi em trai ăn học. Vợ chồng bác rất tự hào về đứa con gái đầu lòng giỏi giang. Mỗi lần chị gửi quà về, bác đem biếu từng nhà trong xóm, chị em tôi cũng có phần.
Tuy nhiên, bác gái vẫn buồn phiền vì chị Hòa chậm yên bề gia thất, cứ mãi làm ăn không thấy dẫn ai về nhà giới thiệu. Một lần, chị Hòa về quê mấy ngày để giỗ bà nội. Chúng tôi ngưỡng mộ chị vô cùng khi thấy chị đi xe hơi, áo quần túi xách đều hàng hiệu, lại hào phóng tặng tiền mọi người.
Năm đó, bác tôi tổ chức lớn để mời họ hàng vì lâu lâu con gái mới về thăm nhà. Giữa lúc khách khứa đông đúc, có một đoàn người cả nam lẫn nữ ào ào kéo vào. Họ tạo thành vòng vây khép kín để một người đàn bà ăn mặc sang trọng đánh đập chị Hòa không thương tiếc.
Họ còn in sẵn những tờ giấy có lời chửi bới, thóa mạ cùng hình ảnh nhạy cảm của chị và người tình phát tán khắp làng. Nghe đâu, chị Hòa cặp bồ với chồng người ta, được bao nuôi chu cấp mấy năm trời. Người vợ này đã thuê hẳn một đội quân vượt hơn 1.000 km về tận quê để đánh ghen.
Câu nói dằn mặt của bà vợ làm nhiều người nhớ mãi: "Để một mình mày nhục thì nhẹ quá, tao phải cho ba mẹ mày cất mặt lên không được vì có đứa con gái lăng loàn như mày". Sau lần đó, bác trai tôi nhập viện vì tai biến rồi gần một năm sau thì qua đời. Nằm trên giường bệnh, bác liên tục nhắc vợ vứt bỏ những thứ con gái sắm sửa đi, thậm chí đòi chuyển xuống nhà bếp cũ chứ không chịu ở trong căn nhà mới.
Bác gái ra đường chỉ biết cúi mặt, thời gian đầu còn không dám đi chợ vì người ta xì xào. Bác đã phải xin nghỉ hưu non do không còn mặt mũi nào đứng trên bục giảng dạy học trò khi con gái mình như thế. Chị Hòa bỏ quê đi biệt xứ, không thấy về, chẳng ai biết chị làm gì ở đâu dù người cay nghiệt vẫn chép miệng khi nhắc về chị.
Khi bác trai mất, bác gái cũng bán nhà theo con trai do không chịu nỗi lời đám tiếu của người làng. Thời đó, mạng xã hội chưa phổ biến nhưng câu chuyện của chị Hòa đã lan ra rộng cả tỉnh. Khi tôi đi học cao đẳng trên thị xã, bạn bè hỏi quê ở đâu, nghe đến tên làng liền hỏi: "Vậy là cùng quê với Hòa cave à" khiến tôi giật mình.
Không chỉ ba mẹ chị Hòa mà người trong họ đều cảm thấy xấu hổ khi ai đó nhắc đến chuyện năm xưa. Nỗi nhục mà mười mấy năm sau cũng chưa thể gột rửa sạch trước miệng lưỡi người đời.
Những cô "tiểu tam", "trà xanh" dùng những đồng tiền kiếm được nhờ cuộc tình tầm gửi để báo hiếu mà không biết suy nghĩ đó là hành động bất hiếu. Chẳng ba mẹ nào sung sướng khi dùng đồng tiền con kiếm được bằng cách "đạp đổ gia đình" người khác.
Theo giadinh.suckhoedoisong