Làm sao lấy được sự tin tưởng của con?
Cập nhật lúc 17:21, Thứ sáu, 17/12/2021 (GMT+7)
Các bậc cha mẹ cần đặt mình vào vị trí của con và xem chúng thực sự cần gì. Dưới đây là những gợi ý có thể giúp phụ huynh gần gũi hơn với con trẻ.
|
|
Cha mẹ rất dễ trút cảm xúc tiêu cực lên con một cách vô lý (Ảnh minh họa) |
Không để tâm trạng của mình ảnh hưởng đến con
Cha mẹ nên lưu ý đến cách quản lý cảm xúc của mình khi đối diện với con trẻ. Đừng nghĩ con còn nhỏ không hiểu chuyện, sự thật là con rất nhạy cảm với tâm trạng của cha mẹ đấy.
Căng thẳng liên tục có thể khiến cha mẹ có phản ứng dữ dội và gay gắt với những đòi hỏi của con và điều đó có thể khiến chúng tránh xa bạn. Cha mẹ hãy dành thời gian để giải tỏa những cảm xúc tiêu cực, từ đó, có thể tạo ra bầu không khí thoải mái, vui vẻ với các con.
Tránh hỏi đi hỏi lại một vấn đề
Khi cha mẹ hỏi đi hỏi lại về những điều đã xảy ra có thể sẽ khiến các con cảm thấy khó chịu và từ đó có xu hướng muốn giải quyết vấn đề một mình. Cha mẹ giải tỏa với căng thẳng theo những cách khác nhau, và con trẻ cũng không ngoại lệ. Thay vì thúc ép con nói, cha mẹ hãy cố gắng đặt ra những câu hỏi ít trực tiếp hơn để các con có thể thoải mái chia sẻ.
Đừng làm quá vấn đề của con. Đối với tình huống mà con đang gặp phải, cha mẹ nên chia sẻ kinh nghiệm hoặc kỷ niệm của mình để giúp con đối diện với vấn đề tốt hơn.
Giữ kín bí mật con đã kể
Việc cha mẹ mang những bí mật của con trẻ ra để nói cho bạn bè hoặc họ hàng sẽ khiến các bé mất lòng tin, không tâm sự hay chia sẻ với cha mẹ nữa.
Người lớn nên nhận ra cảm xúc của các bé và cố gắng không chia sẻ quá mức, vì điều đó có thể làm tổn thương cảm xúc của bé. Cần thể hiện sự tôn trọng dành cho con trẻ từ những việc làm nhỏ.
Nên chia sẻ về một ngày của mình với con
Khi trẻ nhỏ bị choáng ngợp với những câu hỏi “Hôm nay ở trường con thế nào?”, “Bạn A. hôm nay học ra sao?”, “Bài tập cô giao con làm tốt không?”… bộ não của chúng sẽ đóng ngay lại và cuộc nói chuyện tự nhiên sẽ biến thành cuộc tra khảo sau giờ học. Trẻ sẽ có xu hướng trả lời qua loa và dừng lại ở việc cha mẹ hỏi - con trả lời chứ không phải sự chia sẻ thật sự.
Cách tốt nhất để giúp con cởi mở là cho các con một chút thời gian để giải tỏa tâm trạng và con sẽ tự kể với cha mẹ.
Nếu con không cởi mở, cha mẹ có thể bắt đầu bằng câu chuyện của mình trước, dù đó là một ngày vui vẻ hay tồi tệ, các con cũng sẽ có cách để khích lệ cha mẹ theo một cách rất đặt biệt và từ đó, con cũng sẽ mở lòng hơn để kể lại những điều xảy ra ở trường.
Tạo cơ hội để con tự lập
|
|
Dù là con trai hay con gái, các bé đều có thể giúp bạn những công việc vặt từ rất sớm, vì vậy hãy tạo cơ hội cho con được rèn luyện (Ảnh minh họa) |
Khi các con muốn tự mình làm một chiếc bánh hay một bữa ăn cho gia đình thì cha mẹ hay ngăn cản vì sợ con đứt tay hay bị bỏng, thậm chí cha mẹ cho rằng mình đang mất kiểm soát đối với các con. Điều này có thể dẫn đến việc các con được bao bọc quá nhiều và không thể tự lập từ sớm dù có khả năng.
Hãy để trẻ tự làm những điều mà chúng mong muốn và cha mẹ chỉ cần quan sát cách các con làm. Khi nhận được sự tin tưởng, các con sẽ tự tin thể hiện, đôi khi con có cách xử lý vấn đề khiến cha mẹ bất ngờ, thích thú.
Theo phunuonline