Phóng viên: Theo chị, làm mẹ thời bây giờ có gì khác so với làm mẹ thời ông bà mình?
Nhà thơ Trần Lê Sơn Ý: Nói thế nào nhỉ, tôi nghĩ các giá trị cơ bản như tình thương, sự hy sinh… không thay đổi mấy. Các giá trị “cộng thêm” như càu nhàu, lo lắng thái quá… cũng không đổi. Tỷ như một ngày, bạn chợt nhận ra sao mình mắng con bằng cái câu y như má mình mắng mình hồi xưa, mình lo cho con y như má mình lo cho mình hồi xưa… Tuy nhiên, sau những điều cơ bản vẫn còn nhiều điều phức tạp khác. Xã hội thay đổi rất nhiều nên nhận thức của con người cũng thay đổi, phụ nữ cất lên tiếng nói nhiều hơn…
Vì thế, một số “trọng tâm” đã xoay chuyển. Ví dụ hồi đó, chuyện làm sao để con có được bữa ăn tươm tất có thể là ưu tiên hàng đầu. Bây giờ, con được học như thế nào, con phát triển ra sao… lại là mối bận tâm lớn của các bà mẹ.
Nói chung, so sánh là khái niệm tương đối. Có thể tôi biết một chút về thời… má của má tôi qua những câu chuyện má tôi kể. Thế nhưng xa hơn, qua những câu ông bà dạy như “Con hư tại mẹ” hoặc “Con vào dạ mạ đi tu”… có thể thấy, từ xưa, trong việc dạy con, mẹ dường như là người chịu trách nhiệm chính.
Về sinh học hay tâm lý, cũng dễ thấy mẹ là người tác động nhiều nhất đến con. Trong cuộc trò chuyện với bạn bè thân thiết, tôi nghe một số bà mẹ cảm thấy bất lực hay tuyệt vọng trong việc dạy con. Họ chọn giải pháp giao con cho ba/thầy cô/ông bà… Tôi thường nói với họ: “Con chính là một bài toán khó mà mình phải giải trong lớp học trường kỳ - học làm cha mẹ. Nếu mình không dạy được con mình thì làm sao người khác có thể dạy”.
Ngày nay, một số người mẹ đã có thể quẳng được gánh lo về chuyện ăn để sống, có điều kiện để suy tư nhiều hơn về việc “con sẽ trở thành người như thế nào”.
* Ai cũng than dạy con khó lắm. Là mẹ của ba đứa trẻ đang tuổi lớn, chị có thấy “gay go” không?
- Thật ra tụi nhỏ dạy tôi đó chứ! Ngay từ khi chưa biết nói, các con đã dạy tôi nhiều bài học lớn: tính kham nhẫn, sự chấp nhận, sự bao dung… Lớn lên, các con lại là người nhắc tôi phải ăn uống cẩn trọng, siêng tập thể dục, sống điều độ, làm gương cho con… Hẳn là vậy nên mới có câu “Sinh con rồi mới sinh cha” chăng? Điều đó cũng mang nghĩa từ con, mình mới học được cách làm cha mẹ.
* Theo chị, có thước đo nào để đánh giá thành bại của người mẹ?
- Tại sao cần phải có thước đo, mà lại đo sự thành bại của mẹ? Ngày trước, đọc câu “Con hư tại mẹ” hay “Phúc đức tại mẫu”, tôi khá bực và nghĩ rằng đây chỉ là một cách đổ vấy. Tôi có thể hiểu vì sao có những câu nói này và chúng vẫn đúng tùy cách người nhìn. Quay lại chuyện thước đo thành bại, có câu “Con bướm đẹp cho đến khi nó nhận ra mình đẹp”, tôi tin khi bà mẹ thấy mình thành công thì thật ra bà đã thất bại ở góc độ nào đó.
Ngược lại, nếu bà mẹ thấy mình thất bại nghĩa là bà có một cơ hội nhỏ để có thể tiếp tục việc mình đang làm. Khi đặt sự thành bại lên thì bà mẹ đang vì mẹ chứ không hẳn chỉ vì con. Con có đời sống của riêng con, mẹ chỉ có thể là mẹ - một người hướng dẫn, một người để bất cứ khi nào khó khăn con có thể nghĩ về, có thể quay về, có thể tin cậy.
Rồi đến khi các con tôi lớn lên, tôi đoán chúng sẽ lại là một bà mẹ kiểu khác. Ví dụ từ bây giờ, chúng đã hỏi: “Sao hồi đó mẹ không dạy con theo kiểu bà mẹ Do Thái?”, “Sao mẹ không cho con học ngoại ngữ sớm hơn để giờ con đỡ vất vả khi học?”…
Cuộc sống biến dịch từng ngày. Tôi biết rằng, dù cố hết sức tôi cũng không thể nào đuổi kịp các con, không thể đuổi kịp suy nghĩ của chúng, đành vậy…
Theo phunuonline