Nét chữ viết của con gái.
Vì muốn con được tiếp cận với những thông điệp thú vị trong cuộc sống một cách thật tự nhiên, mấy ngày gần đây tôi nghĩ ra một cách. Đó là nhờ con chép lại những mẩu nhỏ trong những quyển sách và trả tiền cho con. Tất nhiên là con đồng ý ngay, và hăng say bắt tay vào thực hiện công việc làm thêm này.
Ngày hôm qua, con có 10 ngàn đồng và sáng nay, con có thêm 5 ngàn.
Nhưng có vài người thể hiện ý kiến trước việc này: “Sẽ ra sao nếu việc trả tiền cho con khiến con làm mọi thứ chỉ vì tiền? Và khi không có tiền nữa, liệu con có làm hay không?”. Bởi từng có không ít các nhà giáo dục cho rằng, việc mang phần thưởng ra để trao đổi với con có thể khiến con bị thui chột động lực cố gắng từ bên trong, khiến con làm mọi thứ như một cái máy. Trong quá trình làm báo và đọc nhiều những điều đó, tôi cũng bị ảnh hưởng và có suy nghĩ như thế.
Dẫu vậy, làm mẹ vốn vẫn luôn là một quá trình không ngừng học hỏi và trưởng thành. Nhưng tôi không đi theo bên ngoài, đọc nhiều nữa và quay về bên trong, tự trả lời những câu hỏi từ chính lòng mình. Tôi thấy mọi thứ đơn giản hơn rất nhiều, rằng chỉ cần mình cảm thấy thoải mái, cảm thấy đúng thì… có gì sai đâu.
Lấy ví dụ cụ thể nhất ở đây là chuyện trả tiền để con viết chữ. Nếu bản thân tôi không phải là người nguyên tắc, luôn lấy tiền ra để làm động lực, để ép con phải làm, phải viết nhiều hơn thì chẳng có gì phải quá lo lắng. Tôi để con làm mọi thứ một cách rất tự nhiên và đầy cảm hứng. Con vốn rất thích viết, có những ngày không làm gì, một trong những cách chơi của con là mang bút vở ra để viết. Và tôi chỉ muốn con kiếm được tiền từ sở thích, mang đến thêm những niềm vui cho con thôi.
Tôi cũng không đặt nặng việc mỗi ngày con phải viết, phải cam kết giữ sự đều đặn, thay vào đó, tôi để con được quyền chủ động quyết định khi nào có thời gian rảnh thì con sẽ hỏi mẹ “liệu có việc cho con làm hay không?”. Tôi cũng tùy vào mức độ rảnh của con mà đưa ra những đề bài khác nhau, có khi chỉ một vài câu ngắn, có khi một vài đoạn dài hơn. Vừa đủ để giữ cảm hứng và động lực cho con chứ không muốn con cố quá rồi sinh ra chán nản.
Khi nhìn con viết rất chậm, nắn nót từng từ, tôi cũng rất sốt ruột nhưng thay vì thúc giục con, tôi chọn đi làm việc khác. Tôi thay đổi suy nghĩ và cảm nhận được niềm vui của con khi đang thả hồn vào trong chữ viết của mình. Vừa hay đó là một cách để con thiền trong lúc đang làm việc. Tôi cũng không hỏi con về việc bao giờ xong hay tra vấn “thế rốt cuộc có muốn lấy tiền hay không?”. Con có thể vừa viết dở bài vừa chơi, viết cả ngày không xong phần việc đã nhận… tôi để con tự quyết định và rút ra cách phù hợp cho mình.
Thậm chí tôi cũng không có kỳ vọng hay đặt nặng vấn đề là con phải duy trì công việc này trong bao lâu cho đến khi trở thành thói quen hay lĩnh hội được điều gì. Chỉ đơn giản là còn vui, còn có cảm hứng thì cứ làm thôi. Đến khi con không còn muốn viết nữa, tôisẽ tôn trọng quyết định của con.
Tôi kể câu chuyện này ra vì muốn nói rằng, chỉ cần bản thân biết mình cần làm gì, vì sao lại làm thế thì hãy coi những tiếng nói phán xét ở bên ngoài là vô nghĩa. Sẽ có những đánh giá cho rằng việc tôi làm là phản giáo dục, là đi ngược với những lý thuyết, những bài học khác… nhưng nếu đã đưa ra lựa chọn và có cách của riêng mình thì cứ tự tin mà đi thôi. Trong mọi vấn đề hay trong việc làm mẹ đều thế.
Chúng ta đọc nhiều, tìm hiểu nhiều không phải là đi theo những lời người khác nói, chạy theo các trào lưu mà là để biết gạn lọc và tìm ra phương pháp của riêng mình. Hãy nhớ rằng chúng ta sẽ phải tự đúc rút ra công thức riêng, cách xử lý những vấn đề riêng bởi mỗi hoàn cảnh một khác và chẳng ai có thể rõ được những gì đang xảy ra trong lòng bạn, trong câu chuyện của mình.
Bạn cho con ăn dặm kiểu Nhật cũng được, kiểu BLW cũng được, kiểu truyền thống cũng được hay kết hợp cả mấy cách cũng được.
Bạn nuôi con bằng phương pháp luyện ngủ nào, Easy cũng được mà chỉ áp dụng một phần nhỏ, hoặc không áp dụng gì cũng không sao.
Bạn cho con học mỗi ngày 3 tiếng cũng được, 5 tiếng cũng được hay cho con chơi cả ngày cũng được.
Bạn là một bà mẹ đầy phong cách cũng được, nhưng thích xuề xòa trong ăn mặc cũng chẳng vấn đề gì.
Bạn thưởng tiền để con làm việc nhà cũng được mà không thưởng cũng chẳng sao…
Làm mẹ là làm gì cũng được, nhưng miễn là bạn biết mình đang làm gì, cả hai mẹ con cảm thấy thoải mái với điều đó và chấp nhận mọi kết quả xảy ra. Tất nhiên điều này được hiểu là bạn cần phải biết quan sát và lắng nghe những nhu cầu thực sự của cả hai mẹ con để tìm ra một điểm cân bằng và phù hợp. Đối với những phản ứng từ bên ngoài, hãy đủ tỉnh táo để biết đâu là những tiếng nói góp ý để mong bạn tốt hơn và đâu chỉ là những sự phán xét qua đường. Và cũng hãy nhớ rằng, không ai có thể làm mẹ của con bạn tốt hơn bạn! Chỉ có bạn mới biết điều gì là tốt nhất và sẵn sàng dành điều đó cho con mình.
Theo phunuonline