|
|
Gia đình tôi luôn muốn bên nhau |
Những ngày này, TP.Huế trở rét. Đêm, vợ chồng tôi loay hoay chuẩn bị máy sưởi cho các con. Chợt nhớ cách đây mấy năm, lúc đó bé Chim Sâu nhà tôi gần một tuổi, trời đất cũng một đợt rét cắt da thế này. Hai mẹ con sống trong một căn phòng trọ ở TP.Đông Hà, tỉnh Quảng Trị, cách nhà ngoại ở Cam Lộ gần 15km. Chồng tôi làm việc và ở cùng ba mẹ tại Huế.
Ban ngày tôi đi làm, gửi con cho dì chủ trọ trông nom, lo ăn uống. Chiều đến, tan sở, tôi về đón con, rồi hai mẹ con lại lủi thủi cơm nước, trò chuyện. Tôi thường dỗ con ngủ sớm để khuya còn trở dậy viết bài.
Đợt rét đó, ba của Chim Sâu hì hục mang máy sưởi từ Huế ra, hì hục cột vào cửa sổ sát giường để con vừa đủ ấm vừa đảm bảo an toàn. Nhưng, căn phòng trọ nằm bên bờ hồ gió đêm lùa thông thốc, tường mỏng lại lợp tôn nên lượng khí nóng vừa phả ra nhanh chóng tan vào hư vô, không chút dấu tích. Tôi ấp con kiểu gì cũng thấy lạnh. Trùm cả cái chăn mỏng lên màn như tạo một căn phòng nhỏ, nhưng vẫn bất ổn. Những đêm đó tôi không thức viết bài nữa, vì trở dậy để con nằm một mình, tôi sợ con ốm. Nhưng rồi mùa đông dài, con cũng ốm suốt, có lẽ một phần do con buồn.
Tôi lúc đó bao nhiêu tiền kiếm được đều tập trung vào mua đồ chơi đẹp, đồ ăn tốt, thuốc bổ cho con. Nhưng đôi mắt Chim Sâu cứ ầng ậc nước. Tôi nhớ mãi một buổi chiều. Hôm ấy vì được nghỉ làm nên tôi bồng con ngồi chơi trước vỉa hè, cạnh quán tạp hóa của dì chủ trọ. Hai dì cháu đang say sưa nói chuyện thì có một người đàn ông đội mũ bảo hiểm kín đầu vào mua hàng. Mua xong, người đàn ông toan ngồi lên xe quay đi thì Chim Sâu nhoài người dậy, với hai tay theo, miệng lẩm bẩm: “Ba, ba”. Cả tôi và dì chủ thay nhau giải thích người đó không phải ba đâu, nhưng càng nghe, con càng khóc nức nở. Cuối cùng, người đàn ông lạ phải tháo mũ bảo hiểm ra để cho con nhìn. Chim Sâu nhận ra đó không phải ba thì không khóc nữa, nhưng đôi mắt con lúc đó buồn như chưa bao giờ buồn hơn.
Khi những ngày đầu tuần qua đi, chiều thứ Sáu đến, chồng tôi lại tay xách nách mang đủ thứ đồ ngon từ Huế ra Đông Hà. Hai vợ chồng ngồi trên manh chiếu mỏng cùng nhau uống lon bia, ăn cua, ăn thịt gà… Chim Sâu có ba nên mắt lấp lánh hẳn, cô nàng cứ gạ gạ rồi chui tọt vào lòng ba ngồi.
Xa nhau thì đằng đẵng, gần nhau thời gian trôi như thoáng chốc, chiều Chủ nhật đến ngay sau đó, tạm biệt vợ con, chồng cắp ba-lô trèo lên xe đi mà không dám ngoảnh nhìn lại. Con vẫy tay chào ba, mặt buồn hiu. Tôi bồng con trở vào căn phòng trọ, thấy lạnh lẽo chợt ùa ngập. Hình như, cả tôi và chồng đều thương con nhưng lại có lỗi với con khi không mang đến cho tuổi thơ của bé một không khí gia đình trọn vẹn. Con tôi rất thèm tiếng người trò chuyện.
Năm sau, khi nhận thấy con liên tục đau ốm, có dấu hiệu tổn thương tâm lý, tôi bàn với chồng chuyển con vào Huế để sống gần ba và ông bà nội. Dù gì, nhà cũng có nhiều người, ông bà cũng đã nghỉ hưu lại còn khỏe mạnh nên sẽ có điều kiện chăm sóc cháu nhiều hơn. Còn tôi vẫn ở lại làm việc tại Đông Hà.
Cuối tuần, tôi lại ngược vào cố đô. Lại những lần gặp mừng mừng và những lần chia tay tủi tủi. Có những đêm đông, trời mưa rét căm căm, chồng đưa tôi ra ga, tàu đã hú còi báo hiệu sắp chuyển bánh nhưng tôi lại hớt hải rời gót. Tôi bảo với chồng: “Anh chở em về để em ở với con thêm một đêm, mai 5 giờ dậy đi tàu sớm”. Ánh mắt chồng lúc đó vui lên một chút, nhưng ẩn sâu, tôi biết anh đang rất thương cho tình cảnh Ngưu Lang - Chức Nữ của chúng tôi.
Dù thiếu mẹ nhưng được ở trong không khí gia đình đầm ấm, được nhận nhiều quan tâm và thương yêu, Chim Sâu dần vui vẻ trở lại. Con vượt ốm đau, lanh lợi, tăng cân đều đặn. Khi con dần được chữa lành thì trớ trêu thay, chính tôi lại rơi vào trạng thái u uất, liên tục căng thẳng vì nhớ con. Suốt thời gian dài ở cơ quan, tôi không thể hoàn thành công việc đạt chất lượng, tình trạng mất ngủ liên tục, kéo dài. Đến một ngày, gần vượt ngưỡng chịu đựng, tôi nộp đơn xin thôi việc, vào Huế đoàn tụ cùng chồng con. Bây giờ, mỗi ngày trôi qua tôi đều thấy an lòng với những niềm vui giản dị. Đó là những giây phút được chia sẻ với chồng, đồng hành cùng con. Tôi hiểu hai chữ “gia đình” không đơn thuần chỉ là danh phận, mà đó còn là những quan sát, là cảm giác được bên nhau, sống và chia sẻ cùng nhau.
|
|
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK |
Người xưa vẫn hay truyền tai câu nói: “Sinh con rồi mới sinh cha, sinh cháu giữ nhà rồi mới sinh ông”. Tôi từng viện vào câu nói này để trấn an tâm lý em trai và em dâu mình khi các em có ý định sinh em bé: Hãy yên tâm, đừng lo lắng gì cả, cứ mạnh dạn có bầu. Khi những đứa trẻ được sinh ra đời, thì tự khắc mỗi người sẽ có cách để trở thành những ông bố bà mẹ đủ chuẩn mực. Thế nhưng gần đây, sau khi chứng kiến nhiều vụ việc đau lòng liên quan đến vấn đề nghi bạo hành chính con ruột của nhiều người, tôi phải cân nhắc lại. Không phải thanh niên nào cũng có lòng yêu thương con trẻ. Và một khi không có tình yêu, thì mọi vấn đề khác như bài học về trách nhiệm, nhân quyền đều sẽ rất miễn cưỡng, áp lực…
Điều khiến một đứa trẻ lớn lên khỏe mạnh và hạnh phúc phải là những hành động xuất phát từ tình yêu thương vô điều kiện của chính bố mẹ mình. Như Chim Sâu nhà tôi vậy. Dạo này con hay vẽ những cô tiên có đôi cánh thật đẹp, rồi thỏ thẻ: “Con cảm ơn ba mẹ, con rất vui và hạnh phúc, con muốn đem niềm vui này san sẻ đến cho những em bé ở khắp mọi nơi”.
Theo phunuonline